Làng trường thọ Phước Tích

Làng trường thọ Phước Tích

Hơn 500 năm tồn tại, làng Phước Tích (xã Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) hiện có 140 hộ gia đình nhưng có đến 113 cụ già thọ trên 70 tuổi, trong đó gần 20 cụ trên 90 tuổi. Từ xưa đến nay, Phước Tích được xem là làng trường thọ. Đàn ông của làng không rượu chè nghiện ngập; đàn bà, con gái thì công-dung-ngôn-hạnh. 113 cụ già giờ được xem như “báu vật sống” của làng.

Ngôi làng hai lần được vua ân tứ

Làng trường thọ Phước Tích ảnh 1

Khung cảnh thanh bình và mát mẻ trong lành ở làng Phước Tích. Ảnh: H.Q

Tôi đến làng Phước Tích đúng vào thời khắc giao mùa. Những cơn mưa rào chớm thu lướt qua thật nhanh trong vài phút rồi bất ngờ trở lại sau đó. Trên một đoạn đường làng ngắn ngủi, tôi gặp đến 9 cụ già đang ngồi hóng mát ven sông, trông ai cũng phúc hậu và đẹp lão.

Tôi tìm đến ngôi nhà cụ Trương Đức Kiến, người viết sử làng Phước Tích, năm nay 82 tuổi. Vợ cụ, bà Lê Thị Bướm, cũng bước vào tuổi 80. Hai ông bà sống trong một ngôi nhà khang trang, mặt hướng ra sông Ô Lâu. Trong câu chuyện về làng trường thọ, cụ Kiến đưa chúng tôi ngược dòng thời gian trở về với lịch sử của ngôi làng độc đáo này.

Hơn 500 năm trước, làng Phước Tích được thành lập. Gia phả họ Hoàng ghi rõ, ngài thủy tổ họ Hoàng bấy giờ là Hoàng Minh Hùng, gốc người làng Cảm Quyết, Quỳnh Lưu, Nghệ An, làm quan võ dưới thời vua Lê Thánh Tôn. Sau khi thực địa, biết được chỗ đất tốt, ngài quyết định chiêu mộ dân lập làng bên bờ sông Ô Lâu. Tên gọi Phước Tích của làng xuất phát từ mong muốn tích lũy phúc đức cho con cháu muôn đời sau. Đến nay, trải qua bao biến cố thăng trầm, làng Phước Tích vẫn còn thấm đẫm phong cách của ngôi làng cổ Việt Nam với cây đa, bến nước, sân đình, mái chùa, nhà rường mái ngói rêu phong, cổ kính. Dòng sông Ô Lâu hiền hòa như dải lụa đào uốn lượn quanh làng, khiến cây cối xanh tươi.

Người làng Phước Tích cho biết, từ xưa đến nay trong bữa ăn hàng ngày của dân làng thường có quả vả. Dân làng tin rằng chính món ăn dân dã này đã giúp họ sống lâu, có sức khỏe. Quả vả tươi hái ngoài vườn được chế biến thành các món ăn như kho, luộc, trộn... Cùng với vả có mít non và tương đậu. Vườn nhà nào cũng có hàng chục cây vả, cây mít cho trái sum suê.  

Sống trong môi trường trong lành đó nên từ xưa Phước Tích đã nổi tiếng là làng trường thọ với nhiều thế hệ sống chung trong một gia đình (ở thế kỷ 19, làng có nhiều người thọ trên 100 tuổi). Mỗi lần có cụ tròn trăm tuổi, làng lại làm lễ đại thượng thọ để tôn vinh.

Vào năm 1939, vua Bảo Đại ân tứ (ban) cho gia đình ông Hoàng Như Khuê bức hoành phi với bốn chữ sơn son thếp vàng “Tứ đại đồng đường” (Vợ chồng của bốn thế hệ từ cố xuống chắt cùng chung sống trong một mái nhà). Đây là gia đình nổi tiếng đông con và phúc đức trong làng. Ông Hoàng Minh Tuấn, nay đã về hưu, cháu nội của ông Khuê, cho biết toàn bộ cháu chắt của ông Khuê hiện hơn 150 người, sinh sống khắp đất nước.

Chuyện còn kể rằng trước kia làng có một phụ nữ tên Trương Thị Liễu, lấy chồng tên Hồ Văn Chước. Không may, chồng lâm bệnh chết sớm vào năm bà mới 18 tuổi, tuy còn trẻ trung, xinh đẹp nhưng bà Liễu ở vậy nuôi hai người con và thờ chồng. Biết được phẩm hạnh cao quý ấy của bà Liễu, năm 1934, vua Bảo Đại đã ân tứ cho bà bức hoành phi bốn chữ sơn son thếp vàng “Tiết hạnh khả phong”. Bà Liễu sống một cuộc đời thanh bạch, đạm bạc nên hưởng được đại thọ.

Những “báu vật sống”

Bây giờ, dân làng Phước Tích cũng không thua ông cha mình về đức trường thọ. Cụ Phan Mai, 96 tuổi, và bà Lê Trọng Thị Chức, 92 tuổi, có đến 12 người con, 6 trai và 6 gái. Mỗi người con của cụ đều có từ 3 đến 4 con và các cháu nội, ngoại. Ngồi tính nhẩm, cụ Phan Mai cười khà khà nói chẳng nhớ hết nhưng cũng phải hơn 50 người con, cháu.

Mỗi dịp lễ, Tết làm mâm giỗ ông bà, chẳng khi nào các cháu ngồi đủ vì quá đông! Ở tuổi gần 100 mà trông hai cụ rất minh mẫn. Hỏi, tuổi già điều gì khiến cụ vui nhất?, “Tiền bạc không ham, chức quyền cũng chẳng màng. Con cháu có hiếu với ông bà, cha mẹ là quý nhất trên đời. Vợ chồng tôi sống được từng này tuổi cũng nhờ con cháu đấy”, cụ Phan Mai hãnh diện trả lời.

Nhà cụ Nguyễn Bá Tự, 86 tuổi, và vợ là bà Hồ Thị Lê, 82 tuổi, ở ngay đầu làng. Hai cụ rất khỏe, làm việc suốt ngày, ít khi nghỉ ngơi. Cụ Tự xởi lởi khoe đến tuổi này nhưng đêm về không bỏ sót trận bóng đá quốc tế nào, từ các giải ngoại hạng Anh, Ý, Tây Ban Nha, Đức cho đến Cúp C1. Tôi hỏi bí quyết nào giúp cụ khỏe mạnh?, cụ bảo: “Chẳng có bí quyết nào hết. Sống chan hòa, không tham lam để tâm hồn luôn thanh thản thì sẽ sống lâu”.

Khi được đề nghị kêu con cháu đến chụp ảnh cùng gia đình, cụ Tự xua tay nói: “Chẳng riêng nhà tôi, đa số làng này nhà nào cũng vậy, không có đứa cháu nào ở lại với ông bà, chúng theo bố mẹ đi làm ăn hết rồi. Vợ chồng già sớm hôm với nhau. Con cháu đi làm gửi tiền về bồi dưỡng cho ông bà. Làng cổ quá nhỏ so với khát vọng vươn lên của con cháu nên khi học xong, thanh niên trong làng đều đi làm việc ở xa, mỗi năm chỉ về dịp Tết để hương khói cho tổ tiên ông bà”.

Khi hỏi về bí quyết chăm sóc chồng sống lâu, khỏe mạnh, bà Lê Thị Bướm, 80 tuổi, tự hào: “Ông nhà tôi (ông Trương Đức Kiến, 82 tuổi) hàng ngày thức dậy rất sớm để hít thở không khí trong lành. Khẩu phần sáng của ông là một cái bánh chưng nấu bằng nếp của làng và gói bằng lá chuối được trồng tại làng. Hai bữa trưa, tối còn lại ông ăn mỗi bữa đến 4 bát cơm, loại bát men Hải Dương. Ông chỉ ăn toàn rau xanh, không ăn thịt mỡ”. Hàng ngày ông Kiến thường uống trà, đọc sách sưu tầm chuyện đạo đức để kể cho con cháu mỗi dịp chúng trở về quê thăm ông bà.

Còn rất nhiều gia đình trong làng Phước Tích có các cặp vợ chồng đại thọ đang sống cùng nhau như gia đình cụ Hồ Văn Nậy và Nguyễn Thị Khương; ông Lê Trọng Cờ, bà Phạm Thị Thắm... Trong số 113 cụ trên 70 tuổi thì phụ nữ chiếm đến 84 người. Đã có nhiều nhà báo nước ngoài đến thăm làng, thấy làng có nhiều cụ trường thọ nên đã chụp ảnh, quay phim. Nhiều cụ rất tự hào vì bây giờ họ không chỉ có ảnh hưởng với con cháu ở làng, mà hình ảnh các cụ thế giới đã biết đến như những” báu vật sống”.

Đức tính nổi bật của dân làng Phước Tích là sống chan hòa, đoàn kết đùm bọc yêu thương lẫn nhau. Trong làng có một người ngã bệnh, cả làng đến thăm không sót một ai. Các gia đình, chòm xóm sống hạnh phúc, không có trường hợp ly hôn. Chính những yếu tố ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn của người dân Phước Tích luôn trong sáng, thể chất luôn mạnh khỏe. Bia đá ở đình làng được tạc vào năm 1897 dưới thời vua Thành Thái còn ghi rõ: “Người Phước Tích giàu tinh thần tôn sư trọng đạo, đặc biệt có truyền thống tương thân tương ái, sẵn lòng giúp đỡ nhau lúc khốn cùng”. Những giá trị sống cao đẹp ấy luôn được người dân Phước Tích gìn giữ và tiếp nối để trở thành truyền thống, xây đắp nền móng tạo sự ổn định trường thọ cho cả cộng đồng. 

PGS - Tiến sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Đại học Khoa học Huế, lý giải: Làng Phước Tích tồn tại và phát triển trên một địa thế mang đậm triết lý phong thủy phương Đông. Xưa, đất này còn gọi xứ Cồn Dương, rộng 21 ha, do phù sa của dòng Ô Lâu lắng đọng, bồi tụ nên. Cái độc đáo của làng Phước Tích là mặt trước của làng hướng về phía Nam, dòng sông Ô Lâu chảy từ phía Đông vòng ngang phía Nam rồi chảy sang phía Tây. Trên máy bay nhìn xuống, làng như “bầu rượu túi thơ”. Theo thuật phong thủy, khí là bản thể của nước; nước là cái khí hữu hình, nơi có nước chứng tỏ nơi ấy có khí; dòng nước sâu, nguồn dài xa là khí vượng, phúc lộc càng lớn. Dòng sông Ô Lâu dài trên 30km, đoạn uốn lượn mềm mại và đẹp nhất của nó dài 7km ôm gần trọn làng Phước Tích vào lòng. Chính yếu tố về địa thế này đã làm cho người dân Phước Tích trường thọ hơn người dân ở các ngôi làng khác. 

Hồng Quang

Tin cùng chuyên mục