Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao là bao nhiêu?

Tìm hiểu thêm về thơ Bút tre

Hỏi: Xin giải thích câu “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”  trong Truyện Kiều.
Bông Vạn Thọ (Cao Lãnh, Đồng Tháp)

LÊ ANH MINH: Truyện Kiều (câu 2168-2169) tả Từ Hải: “Râu hùm hàm én mày ngài,/ Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”.

Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh (Hà Nội, 1974, tr. 359) giảng một tấc là “phần mười của một thước, chiều dài bao nhiêu thì tùy từng thời; có ý kiến cho rằng thời Minh một thước chỉ ăn hai tấc.”

Bối cảnh Truyện Kiều là năm Gia Tĩnh đời Minh. Theo website Sử Trung Quốc đời Minh của Viện Đại học Cambridge (Kiếm Kiều Trung Quốc Minh đại sử ), trong chế độ đo lường đời Minh (Minh đại độ lượng hành chế ) thì hệ thống đo chiều dài (trường độ) đời Minh như sau:
1 xích = 10 thốn = 12,3 Anh thốn (inch)
1 bộ  = 5 xích 
1 trượng = 10 xích 
1 lý  = 1/3 Anh lý  (mile) = 1/3 x 1,609km
Theo đó, 1 thước (xích) = 10 tấc (thốn) = 12,3 inches = 12,3 x 2,54cm = 31,242cm.
Tức là 1 thước (xích) = khoảng 1/3m; 1 tấc (thốn) = khoảng 3cm.
Do đó vóc dáng Từ Hải có thể tính như sau:
“Vai năm tấc rộng” = khoảng 15cm;
“Thân mười thước cao” = khoảng 3m.
Vóc dáng như vậy là không bình thường, thậm chí phi lý.
Theo hệ thống đo lường trên đây, Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh nói “có ý kiến cho rằng thời Minh một thước chỉ ăn hai tấc” tất nhiên là sai; còn giảng “một tấc là phần mười của một thước” thì đúng.

Cho dù một thước (xích) Trung Quốc dài bao nhiêu đi nữa tùy theo thời đại nhưng theo kỹ thuật dựng hình trong hội họa, một thân thể như vậy thì chẳng cân đối tí nào, cho nên nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều hầu như đều đồng ý rằng lối miêu tả của Nguyễn Du (1765-1820) về nhân vật Từ Hải chỉ có tính cách ước lệ.

Tìm hiểu thêm về thơ Bút tre

Sau số báo 854 (18-8-2007) có đăng mục trả lời bạn đọc “Thơ Bút tre là gì?”, bạn Trần Minh Anh (24/5/10D3 cư xá Văn Thánh, P25, Q.Bình Thạnh, TPHCM) viết thư về tòa soạn hỏi nơi bán thơ Bút tre.

Chúng tôi xin trả lời:

Các bài viết về thơ Bút tre đăng trên các báo xuất bản trong Nam ngoài Bắc khá nhiều, không thể kể ra hết. Ông Ngô Quang Nam, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Phú Thọ, bỏ ra nhiều năm để sưu tầm và nghiên cứu thơ Bút tre. Đến nay, ông đã xuất bản mấy cuốn sách về thơ Bút tre như:
- “Bút tre – thơ và giai thoại” (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành lần đầu năm 1995, đến năm 2006 đã tái bản đến lần thứ 6).
- “Lối thơ Bút tre” (Nhà xuất bản Văn hóa, năm 2000).
Bạn có thể đến các nhà sách hỏi mua các quyển sách trên.

HOÀNG ANH 

Tin cùng chuyên mục