Nguyễn Văn Bé: Người lính “dưới hai màu áo”

Nguyễn Văn Bé: Người lính “dưới hai màu áo”

“Biệt đội hình cảnh, cảnh sát, lính bảo an đã phá nhà tôi, vào lùng soát, phát hiện nhiều giấy tờ, con dấu giả... Khi tôi vô tình trở về thì một trung sĩ bảo an đang đứng gác trước cửa chĩa súng, hất hàm, hỏi: “Ông đi đâu? Cho coi giấy tùy thân!”. Tôi nhanh trí nói đi lạc đường và rút thẻ công vụ có in cờ “ba que” với chức vụ trợ lý Chủ tịch Ủy ban Nội vụ Thượng nghị viện. Tên lính dịu giọng, cho đi. Tôi chuồn gấp. Chúng đã bắt hụt tôi trong gang tấc và đâu biết rằng giấy tờ tôi sử dụng là giả”. Đây chỉ là tình huống nhỏ trong cuộc đời một chiến sĩ quân báo được cho là “trùm” làm giấy tờ giả trong lòng địch trước năm 1975. Ông là Nguyễn Văn Bé.

Cuộc sống “Dưới hai màu áo”

Nguyễn Văn Bé: Người lính “dưới hai màu áo” ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Bé hôm nay. Ảnh: Tấn Việt

Nguyễn Văn Bé còn có nhiều bí danh khác như Hoàng Đôn, Hoàng Đôn Bảnh, Tư Đen… Tết Mậu Thân 1968, anh 16 tuổi, đang học tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng thì được tổ chức đưa vào mật khu rừng tràm kinh Bà Dụ (Long An) để tập huấn chính trị và nghiệp vụ quân báo. Từ năm 1969 – 1971, Tư Đen hoạt động tại nội thành Sài Gòn, trong đó làm giấy tờ tùy thân giả là nghiệp vụ chuyên biệt của cơ quan quân báo nhằm đưa cán bộ của ta xâm nhập hợp pháp vùng địch.

Đầu năm 1972, anh Bé được Ban 2 Quân báo phân công xâm nhập vào Sư đoàn 5 Không quân (sân bay Tân Sơn Nhất) và Sư đoàn 3 Không quân (sân bay Biên Hòa), thế là anh phải khoác áo lính. Tư Đen cười “khoái trá”: “Thời đó, người ta gọi những người như mình là lính “dưới hai màu áo””. Cuối năm 1972, má của anh bị địch bắt do hoạt động cách mạng nên anh phải trốn khỏi sân bay Biên Hòa. Lúc này anh 20 tuổi, không nơi ăn chốn ở, không tiền lại bị truy nã, vì vậy bằng mọi cách, Tư Đen phải tự trang bị những giấy tờ cần thiết của một người lính còn tại ngũ như: căn cước quân nhân, chứng chỉ tại ngũ, giấy phép và thẻ bài.
“Ông trùm” giấy tờ giả

Anh Bé kể: “Từ đó, một mặt tôi cung cấp mẫu giấy, mẫu dấu cho cơ quan Ban 2 Quân báo và một mặt làm giấy tờ giả cho thanh niên trốn lính. Có ít nhất khoảng một trung đoàn thanh niên “trốn lính”, “lính trốn” (lính đào ngũ) đã sử dụng giấy tờ tùy thân giả do tôi cung cấp thời bấy giờ”. Trước thời điểm Tư Đen “ra nghề”, ở Sài Gòn đã có những tên tuổi làm giấy giả của thế giới ngầm như “Minh râu” ở quận 1, “Thuận cận” - Phú Nhuận và “Loan mập” - Thị Nghè. Tuy nhiên, chính những người này phải “tôn” Tư Đen lên ngôi “trùm” vì số lượng, quy mô và trình độ kỹ thuật tinh vi. Có lẽ nhờ anh từng là học sinh Trường Kỹ thuật Cao Thắng nên thuận lợi trong việc nghiên cứu kỹ thuật làm giấy tờ, con dấu giả.

Sau năm 1968, chính quyền Thiệu đổi toàn bộ căn cước sang mẫu mới - loại căn cước “rồng xanh” – sử dụng kỹ thuật làm chứng minh nhân dân rất tinh vi của Mỹ – Thiệu thời đó. Hình con rồng xanh màu da trời giống như con cá sấu được in trên nhựa ép căn cước; con dấu nổi và hình được đóng trên nhựa bằng kỹ thuật “triện nóng”. Đặc biệt, lớp nhựa mỏng ép bọc căn cước vừa dẻo lại vừa cứng, có tính đàn hồi cao, khi bẻ cong rồi buông ra lại thẳng ngay.

Nhiều cán bộ của ta lúc đầu sử dụng căn cước rồng xanh giả đã bị địch phát hiện, do nhựa của các anh mềm, khi bẻ cong rồi buông ra thì từ từ mới thẳng lại, sau phải nghiên cứu cách làm mới. Tư Đen “bật mí”: “Căn cước “rồng xanh” tôi làm là căn cước thật được đánh cắp hàng loạt từ hồ sơ của Phòng Tổng quản trị Bộ tổng Tham mưu, cơ quan Quân cảnh Quân vụ và Cục Tiếp vận. Đây là số căn cước tịch thu của thanh niên bị bắt quân dịch hoặc lính đào ngũ từ độ tuổi 18 đến 50 (khi vào lính sẽ bị tịch thu căn cước)”.

Từ những căn cước thật đó, Tư Đen áp dụng kỹ thuật “lồng hình để làm căn cước giả”. Người có nhu cầu chỉ cần đưa tấm ảnh trắng đen nhìn thẳng và cho biết độ tuổi, Tư Đen chọn từ mớ căn cước “rồng xanh” thật ra một căn cước thích hợp với độ tuổi của người cần làm giấy tờ giả, sau đó sấy góc căn cước, lột hình cũ ra, lắp hình mới vào và ép nóng lại. Thế là có một căn cước “rồng xanh” với tên trong căn cước tuy không phải là tên “cúng cơm” của người có nhu cầu nhưng có trong hồ sơ hộ tịch. Khuyết điểm duy nhất là dấu vân tay ở mặt sau của căn cước không phải là vân tay của “chủ sở hữu”. Song, ít khi bọn cảnh sát vừa xét giấy tờ tùy thân vừa so dấu vân tay.

Dưới chế độ Thiệu, tuổi từ 18 đến 50 phải đi quân dịch, trừ các trường hợp được hoãn vì lý do học vấn, gia cảnh, sức khỏe, công vụ… Nhiều người trốn lính và “lính trốn” phải nhờ đến những loại “giấy hoãn” để an thân. Các loại giấy này thường dùng mẫu thật nhưng con dấu là giả. Có nhiều loại giấy tờ thật đóng con dấu có những khiếm khuyết “đặc biệt” mà nhà cầm quyền Sài Gòn cố ý tạo nên, nếu người làm giấy giả không nghiên cứu kỹ sẽ bị “dính chấu”. Ví dụ giấy hoãn dịch “vì lý do gia cảnh”, tên người sử dụng được đánh máy vi tính điện tử IBM của Mỹ, con dấu nổi bên cạnh của đại tá Trần Ngươn Nhung có chữ H thiếu mất nét chân phải; hay con dấu của Phòng Tổng Quản trị Bộ tổng Tham mưu trên “Chứng chỉ giải ngũ” có vòng tròn bị mẻ và chữ ký của đại tá Dương Ngọc Bảo vừa rắc rối, vừa có vòng cong cá biệt tại nét giữa…

Muốn có những con dấu giả, Tư Đen phải tự học kỹ thuật khắc con dấu nổi (dương bản) một cách điêu luyện, tinh vi. Đỉnh cao là làm được cả con dấu âm bản (dấu chìm). Chất liệu làm con dấu, Tư Đen sử dụng loại nhựa trần nhà được nhập từ Nhật có độ dày, rồi dùng bộ dao mổ của bác sĩ để khắc. Để có những tên người, chức vụ hay cơ quan đóng kèm theo con dấu sắc nét, đẹp, Tư Bé móc nối với một người đang xếp chữ tại một nhà in, bí mật cung cấp các loại chữ in, về ráp lại thành những cái tên cần thiết, thế là có những bộ dấu hoàn hảo.

Tổ chức mạng lưới phân phối

Từ nguồn mẫu giấy tờ thật trong tay, Tư Đen trao đổi các loại mẫu giấy tờ thật khác với các tổ chức làm giả đã nói ở trên nên nguồn mẫu giấy tờ ngày thêm phong phú. Tư Đen còn tổ chức một mạng lưới phân phối giấy tờ tùy thân giả không chỉ tại Sài Gòn mà còn đưa về nhiều tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ. Đối diện nhà thờ Thông Tây Hội (Gò Vấp) có dãy nhà tôn là nơi “tập kết”, trú ẩn của nhiều thanh niên trốn quân dịch hoặc lính đào ngũ lên ăn ở đợi làm giấy giải ngũ. Họ được Tư Đen đưa đón đến đây một cách an toàn và giao tận tay các loại giấy tờ tùy thân nên sau đó họ trở về quê như một lính giải ngũ thật sự, sống an thân, hợp pháp!

Tư Đen cho biết, sở dĩ trong một thời gian dài khoảng 3 năm không bị địch phát hiện là do nguồn cung cấp mẫu giấy tờ của đồng chí Tư Thắng, tức Trần Đình Chánh, người “nằm vùng của ta” đang làm việc tại Phòng Tổng Quản trị Bộ tổng Tham mưu Sài Gòn. Tất nhiên, nguồn cung cấp này miễn phí. Còn nguồn cung cấp có chi phí là của thượng sĩ Nhâm – Cục Tiếp vận, có một vợ, 4 con, rất túng quẫn, anh này cung cấp mẫu giấy tờ cho Tư Đen vì tình bạn và vì… tiền. Ngoài ra, còn có thượng sĩ Kiếm - Quân cảnh Quân vụ thị trấn Sài Gòn, là bạn học chung Trường Kỹ thuật Cao Thắng, cung cấp mẫu giấy tờ cho Tư Bé vì cần tiền do nghiện ma túy.

Tư Đen không nhớ mình đã làm và cung cấp bao nhiêu loại giấy tờ, con dấu giả cho phe ta và những người có nhu cầu. Do số lượng người sử dụng giấy tờ giả ngày càng “phình” ra nên cuối cùng bị phát hiện. Công an, mật vụ, cảnh sát đặc biệt tung ra bủa vây truy nã khắp nơi. Nhiều báo chí thân chính quyền Sài Gòn lúc đó đều đưa tin: “Lực lượng Cảnh sát Quốc gia vừa khám phá một tổ chức làm giấy giả quy mô lớn nhất từ trước đến nay do tên Út Đen – Tư Đen cầm đầu”. Thế là Tư Đen phải chạy trốn từ Sài Gòn ra Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt rồi cuối cùng trở về đơn vị quân báo. Một năm sau thì miền Nam được giải phóng.
 

Năm 1976, Tư Đen ra Hà Nội học 7 năm và tốt nghiệp Trường sĩ quan Chính trị, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Học viện Chính trị. Năm 1983, Tư Đen về TPHCM dạy tại Trường Sĩ quan Kỹ thuật Vinhempich. Năm 1991, anh chuyển qua khu chế xuất Tân Thuận, từ lúc còn là đề án cho đến khi khu chế xuất hình thành. Hiện nay, anh là Phó Tổng giám đốc thứ nhất Công ty Liên doanh Xây dựng và Kinh doanh Khu chế xuất Tân Thuận (Khu chế xuất Tân Thuận trực thuộc công ty này).

Nguyễn Tấn Việt

Tin cùng chuyên mục