Những ngôi nhà “dị thường” trong thành phố

Kỳ II: “Hồn ma” trong ngôi nhà cổ

Kỳ II: “Hồn ma” trong ngôi nhà cổ

Cũng như chuyện chú Hỏa xuất thân ra sao và vì đâu trở nên giàu có lạ thường, chuyện về “hồn ma” trong dinh thự chú Hỏa cũng có nhiều giai thoại huyền hoặc chẳng kém...

  • Giai thoại
Kỳ II: “Hồn ma” trong ngôi nhà cổ ảnh 1

Căn phòng này, theo nhiều người, là căn phòng trước kia con gái chú Hỏa ở. Ảnh: S.P

Vào thời ấy, ngoài bộ phim “Con ma nhà họ Hứa” do đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện trước 1975, đã có không ít sách báo và cả sân khấu cũng không bỏ lỡ cơ hội khai thác đề tài này bên cạnh những câu chuyện truyền khẩu góp phần làm cho sự thật càng thêm mờ mịt.

Theo những lời đồn đại, chú Hỏa có hàng chục người con trai nhưng con gái thì chỉ có một, lại rất xinh đẹp nên chú đặc biệt cưng chiều. Bỗng nhiên, không còn ai thấy cô con gái ấy xuất hiện nữa.  Từ đó, vào những đêm khuya thanh vắng, từ trong tòa nhà vẳng ra tiếng kêu khóc thảm thiết. Rồi một sáng, người Sài Gòn giở nhật trình ra, ngỡ ngàng thấy có mẩu tin chú Hỏa đăng cáo phó báo con gái mất. Mẩu tin còn cho biết do con gái bị bạo bệnh ra đi bất đắc kỳ tử, lại nhằm vào giờ trùng nên tang lễ chỉ làm sơ sài, thi hài sẽ được đưa đi an táng tại khu đất thuộc Long Hải, cạnh ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình.

Từ đó, dư luận bắt đầu đồn đại dữ dội, không ít người quả quyết đã tận mắt thấy “hồn ma” con gái chú Hỏa đêm đêm xuất hiện trong khu nhà gào rú, khóc than. Người khác bảo thấy có bóng áo trắng, tóc xõa, phất phơ lướt đi trong đêm, dọc hành lang, qua những cửa sổ để ngỏ (dinh thự chú Hỏa đặc biệt có rất nhiều cửa sổ).

Một hôm, đám người hiếu kỳ vồ lấy một anh thợ được thuê vào dinh thự sửa chữa điện, rồi cùng toát mồ hôi lạnh khi nghe anh này kể về một căn phòng rất đặc biệt trên tầng cao nhất. Phòng rất đẹp và đầy đủ tiện nghi nhưng lại rất giống một phòng giam bởi sự kiên cố và bí hiểm bao trùm. Cửa ra vào phòng này có khoét một ô nhỏ và anh thợ điện quả quyết đã nhìn thấy người làm rón rén truyền khay thức ăn qua ô cửa nhỏ đó…

Các câu chuyện được dịp bùng nổ. Người bảo con gái chú Hỏa còn sống, người bảo đã chết, người nói cô con gái ấy còn sống nhưng cũng như đã chết vì bị tâm thần…

Về ngôi biệt thự ở Long Hải, người ta tiếp tục đồn rằng tất cả những người làm của tiểu thư lúc còn sống đều được chuyển tới Long Hải để phục dịch cho… người chết. Thời gian sau, các tờ báo lá cải Sài Gòn lúc đó lại đưa tin: vì hám của (người Hoa thường chôn theo người chết nhiều của cải), nên vào một đêm, hai tên trộm lẻn vào quật mồ con gái chú Hỏa và họ thấy quan tài trống rỗng…

Một quyển sách có tựa đề “Ngôi mộ cổ nhà họ Hứa”  khá phổ biến trên văn đàn người VN tại hải ngoại, của  tác giả Phạm Phong Dinh lại viết: cô con gái chú Hỏa tên thật là Hứa Tiểu Lan, mất vì bệnh nan y, được chôn cất trong ngôi mộ cổ cạnh nghĩa trang Biên Hòa. Một hôm có anh thương binh tên Tính, tình cờ đi lạc vào khu nghĩa trang. Đoạn này, sách mô tả: “Dưới ánh trăng mờ, Tính trông thấy một cái bóng trắng đang đi vòng quanh những nấm mồ, tà áo dài bay phất phới theo từng cơn gió đùa. Một con cú đang đậu trên chòm cây cao su rúc lên một tràng dài kinh dị. Có lẽ nó đã trông thấy chiếc áo trắng ma quái chập chờn giữa những nấm mồ hoang...”.

  • Sự thật?

Chú Hỏa có cô con gái đang độ tuổi thanh xuân, đột nhiên mắc bệnh nan y mà y học lúc đó phải thúc thủ. Chú Hỏa mặc dù tài sản vô số, cũng đành bất lực nhìn con gái chịu đau đớn về thể xác và tinh thần. Vì con gái cứ gào khóc đêm đêm và tự hành hạ, hủy hoại mình khiến xuất hiện quá nhiều lời đồn đại. Chú Hỏa buộc phải nhốt con gái trong một căn phòng kín và sai gia nhân chăm sóc nhưng tiếng kêu than đau đớn của cô gái nhiều khi không cách gì kìm hãm đã vượt thoát qua những bức tường dày của ngôi dinh thự, làm kinh hồn những người bất chợt nghe thấy, nhất là trong những đêm khuya. Đôi lần, khi những người làm bất cẩn, cô gái lập tức thoát ra khỏi căn phòng, hình hài tiều tụy, tóc tai xõa xượi, bù rối, cười cười khóc khóc chạy khắp các dãy hành lang…

Càng về sau, khi những lời xầm xì làm ảnh hưởng đến chuyện làm ăn kinh doanh và uy tín của cả gia đình, dù rất đau đớn, chú Hỏa một mặt cáo phó cho con gái, mặt khác kín đáo đưa con gái về nghỉ dưỡng tại khu biệt thự ở Long Hải (sau này là khách sạn Palace trên bãi biển  thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu), sai người tiếp tục trông nom, chăm sóc cho đến ngày cô gái ấy thực sự qua đời tại nơi này. Thế nhưng, con người thành đạt và giàu có vốn rất giỏi suy tính ấy ít nhất đã tính sai trong việc đánh lừa dư luận bởi sau đó những lời đồn đãi còn dữ dội hơn và ngày càng đi quá xa.

Và, trong vô số các mẩu chuyện huyễn hoặc, câu chuyện trên có lẽ gần sự thật hơn cả. Thế nhưng, cũng theo nhiều người, mọi sự thật về chú Hỏa và con gái chú đã theo chú xuống mồ.

  • “Con ma nhà họ Hứa” trở lại?

Ngôi nhà có “hồn ma” con gái chú Hỏa nay đã được dùng làm nơi triển lãm, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, hàng ngày mở cửa đón khách trong và ngoài nước đến tham quan. Diện mạo mới cùng sự ngăn nắp, sang trọng và không khí nghệ thuật ngập tràn đã đẩy lùi vẻ thâm u của dinh thự và phần nào đẩy lùi những giai thoại huyền hoặc chất chứa đầy màu sắc mê tín vào quá khứ.

Nhưng, trong một chuyến về nước, đạo diễn Lê Hoàng Hoa - một đạo diễn say mê làm phim kinh dị hiện đang sinh sống tại Ba Lan - đã hâm nóng sự quan tâm của mọi người về đề tài “hồn ma con gái chú Hỏa”. Ông dự kiến sẽ làm bộ phim kinh dị với tựa đề “Con ma nhà họ Hứa trở về” với các diễn viên Nguyễn Chánh Tín, Lê Khanh, Thúy Hằng... Bối cảnh được tiết lộ sẽ quay tại Đà Lạt (trong một ngôi biệt thự rất nổi tiếng bởi lâu nay chịu cảnh hoang phế cũng vì lời đồn đoán có… ma!). Chưa biết chuyện phim sẽ khai thác đề tài này ở góc độ nào nhưng theo nhận định của một số người trong nghề, chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của khán giả bởi sự hấp dẫn, gợi tò mò vốn có của câu chuyện mang đầy màu sắc ly kỳ này.

SONG PHẠM

Thông tin liên quan:

Kỳ I: Giai thoại nhà chú Hỏa

Tin cùng chuyên mục