Mái ngói hội quán

Mái ngói hội quán

Mỗi lần ngang qua những hội quán trên các con đường lớn ở quận 5 như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hải Thượng Lãn Ông..., thể nào tôi cũng phải ngoái đầu nhìn vào. Thói quen ấy đã nảy sinh trong tôi ngay từ lần đầu tiên bắt gặp những mái ngói rất độc đáo của những hội quán ấy.

Mái ngói hội quán ảnh 1

Hội quán Tuệ Thành với những mảng trang trí bằng tượng gốm trên mái ngói.

Ấy là khi tôi đi ngang qua Nhị Phủ miếu trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Cái mái ngói màu đỏ, võng xuống ở giữa và cong vút ở hai đầu, lớp mái trên chồng lên lớp mái dưới trông như những làn sóng gợn hay hình ảnh con thuyền đang cưỡi sóng khiến tôi đã đi qua rồi mà vẫn cứ ngoái lại nhìn mãi.

So với những mái cong truyền thống ở các đình chùa xưa của người Việt, mái ngói của hội quán người Hoa rõ ràng có nhiều nét khác lạ, độc đáo và riêng biệt. Về nhà tra cứu trong sách vở, tôi được biết mái của hội quán này được thiết kế theo dạng kiến trúc đền miếu đặc trưng của người Hoa vùng Phúc Kiến, Trung Quốc.

Ngoài Nhị Phủ miếu, ở quận 5 còn có hai hội quán lớn của người Hoa gốc Phúc Kiến là Hội quán Hà Chương (chùa Bà) trên đường Nguyễn Trãi và Hội quán Ôn Lăng trên đường Lão Tử. Ghi nhớ hai địa chỉ ấy, tôi đã tìm đến và cũng lại được thấy những mái ngói cong vút, duyên dáng kiểu vùng Phúc Kiến ở hai hội quán này.

Thế nhưng, ấn tượng nhất với tôi lại là những quần thể tượng trên mái ngói của các hội quán người Hoa. Hôm vào thăm Hội quán Tuệ Thành nằm trên đường Nguyễn Trãi, tôi cứ đứng ngắm không biết chán những mảng trang trí bằng tượng gốm trên mái ngói. Các tượng gốm bao gồm tượng người, tượng thú và tượng đồ vật, được làm thành từng nhóm để miêu tả rất sinh động cảnh sinh hoạt của người xưa hay minh họa cho các truyền thuyết, các điển tích cổ như “Đường Tăng tứ sư đồ” (4 thầy trò Đường Tăng), “Bát Tiên quá hải” (Tám vị tiên qua biển), “Ba Tiêu động” và “Thiết Phiến cung” (trong truyện Tây Du Ký), “Hán - Sở tranh hùng”, rồi nhóm tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng Ngọc Hoàng Đại Đế.

Còn ở Hội quán Hà Chương (nằm gần Hội quán Tuệ Thành), mái ngói lại được trang trí bằng rất nhiều tượng làm bằng vữa hồ và mảnh sành, thủy tinh. Ngoài nhóm tượng linh thú trang trí trên đỉnh mái như tượng hai con rồng chầu mặt trời, tượng thần Tử Vi, trên sườn mái của hội quán này còn có những nhóm tượng thể hiện hình ảnh lầu các, cung điện xưa. Những trang trí độc đáo ấy khiến cho mái ngói của Hội quán Hà Chương trông thật lạ mắt và đầy quyến rũ.

Trên mái của nhiều hội quán khác cũng không thiếu những mảng tượng gốm như thế. Mấy lần gặp những đoàn khách du lịch đến tham quan các Hội quán xưa tôi đều thấy họ tỏ ra rất thích thú và đua nhau chụp hình rất kỹ lưỡng những mảng tượng gốm trang trí trên các mái ngói này.

Nằm lặng lẽ trên những con đường tấp nập, những mái ngói hội quán ấy vẫn không hề bị mờ, bị khuất lấp bởi những khối nhà bê tông đang mọc lên ngày càng nhiều. Chúng đã góp phần tạo nên một nét rất riêng cho nhiều con đường tại TPHCM ở khu vực Chợ Lớn.

SƠN TRANG
(58 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q1, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục