Sắp hoàn tất cổ phần hóa nhiều cảng biển

(SGGP).- Ngày 13-8, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về công tác tái cơ cấu và cổ phần hóa (CPH) Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Thông tin tại cuộc họp cho biết, công ty mẹ Vinalines và các cảng biển thành viên đang rốt ráo thực hiện công tác CPH để đồng loạt thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào quý 4-2014 và quý 1-2015.

(SGGP).- Ngày 13-8, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về công tác tái cơ cấu và cổ phần hóa (CPH) Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Thông tin tại cuộc họp cho biết, công ty mẹ Vinalines và các cảng biển thành viên đang rốt ráo thực hiện công tác CPH để đồng loạt thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào quý 4-2014 và quý 1-2015.

Cụ thể, tính đến nay đã có 6 doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, bao gồm cảng Khuyến Lương, Quy Nhơn, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng và Công ty TNHH một thành viên Vinalines Nha Trang. Đồng thời, cảng Quảng Ninh - một trong 2 cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc cũng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để chuyển sang hoạt động theo mô hình này.

Ngoài ra, 5 cảng biển khác gồm Sài Gòn, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh và cảng Cần Thơ cũng đã hoàn thành hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp, đang chờ thẩm tra. Dự kiến các cảng này sẽ thực hiện IPO vào cuối năm 2014, riêng cảng Sài Gòn vướng mắc do đang di dời nhưng vẫn sẽ thực hiện IPO trước quý 2-2015. Đối với việc CPH công ty mẹ Vinalines, dự kiến ngày 24-10 sẽ công bố giá trị doanh nghiệp, phương án CPH công ty mẹ sẽ được đưa ra trong tháng 12-2014 và thực hiện IPO vào quý 1-2015.

Về công tác tái cơ cấu nợ, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines cho biết, khó khăn hiện nay là vẫn chưa có cơ chế cho Công ty mua bán nợ Việt nam (DATC) mua nợ của tổng công ty tại các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có cơ chế cho phép một số ngân hàng chấp nhận chuyển nợ thành vốn góp vào các cảng biển, các khoản đầu tư mà tổng công ty đang thoái vốn hoặc vào công ty mẹ. Việc tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các cảng biển duy trì ở mức 75% cũng đang là một trong những cản trở việc Vinalines cơ cấu nợ bởi một số ngân hàng chỉ đồng ý chuyển nợ thành vốn góp tại các cảng với điều kiện nhà nước giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 51% hoặc dưới 51%.

Để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa và tái cơ cấu, ông Lê Anh Sơn đề xuất cơ quan chức năng sớm giao DATC tham gia mua nợ của tổng công ty tại các tổ chức tín dụng có nhu cầu bán nợ trong thời gian tới, đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép Vinalines được giữ lại tiền IPO các cảng biển và công ty mẹ, và cho phép DATC được hoán đổi nợ thành vốn góp vào công ty mẹ khi thực hiện IPO. 

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục