Sẽ hình thành nhiều trung tâm sơ chế, đóng gói nông sản sau thu hoạch

Sơ chế, đóng gói nông sản tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác thải đưa vào TPHCM, giảm thiểu mức độ ô nhiễm, hướng đến chuỗi cung ứng thực phẩm sạch và truy xuất nguồn gốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương TPHCM thực hiện từ nay đến năm 2020.
Để làm được việc này, cần có sự phối hợp, bàn bạc thật kỹ với các tỉnh, thành - nơi có nguồn cung lớn cho thị trường tiêu dùng của TPHCM, trong đó Lâm Đồng là địa phương đứng đầu trong danh sách này. Lâm Đồng đã và đang triển khai các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) hình thành các trung tâm sau thu hoạch. 
TPHCM - thị trường mục tiêu
Theo ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 368.000ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, chè, cà phê và các loại nông sản. Trong đó, nhiều vùng chuyên canh lớn như rau có 61.414ha, sản lượng 2,26 triệu tấn/năm, với đa dạng các loại rau ăn lá, rau củ, rau quả; vùng chuyên canh hoa 8.152ha, sản lượng 3,067 tỷ cành/năm; vùng chuyên canh chè (trà) với 18.881ha, sản lượng 240.363 tấn/năm; vùng trồng dâu nuôi tằm diện tích 5.663ha, sản lượng 100.747 tấn/năm; vùng chuyên canh cà phê lớn thứ nhì cả nước, diện tích 166.277ha, đang thu hoạch 100.747ha, sản lượng 454.019 tấn cà phê nhân. Năm 2017, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm gần 50% giá trị sản phẩm của tỉnh. 
Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 130 DN, HTX sản xuất kinh doanh rau củ quả các loại, 49 DN sản xuất kinh doanh hoa tập trung tại TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Tỉnh Lâm Đồng cũng có 2 chợ đầu mối nông sản là chợ Đà Lạt với khoảng 130 hộ kinh doanh và chợ đầu mối nông sản chất lượng cao Đức Trọng với khoảng 60 hộ kinh doanh. 
Sản phẩm rau củ quả của tỉnh Lâm Đồng chủ yếu tiêu thụ trong nước chiếm 99,52%, (xuất khẩu chỉ chiếm 0,48%); trong đó, thị trường TPHCM chiếm 60% sản lượng tiêu thụ nội địa, số còn lại đưa đến các tỉnh, thành trong cả nước như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội... Tương tự, sản phẩm hoa cắt cành cũng được tiêu thụ tại TPHCM chiếm 60% - 70% lượng tiêu thụ nội địa.
Sẽ hình thành nhiều trung tâm sơ chế, đóng gói nông sản sau thu hoạch ảnh 1 Dây chuyền sàng lọc và phân loại cà chua tại Công ty TNHH SXTM nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: VIÊN VIÊN  
Tại thời điểm này, TPHCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng và Lâm Đồng xác định TPHCM là thị trường mục tiêu, nhiều tiềm năng để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ mặt hàng nông sản của tỉnh.
Nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, ngành nông nghiệp Lâm Đồng thường xuyên kiểm tra, test mẫu nông sản, hỗ trợ xây dựng chuẩn VietGAP, chuỗi liên kết. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 39 chuỗi liên kết rau, hoa, cà phê Arabica đã được cấp các loại giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm, bao gồm 35 chuỗi rau củ quả với 1.144 hộ liên kết, diện tích 1.631,24ha, sản lượng 151.765 tấn/năm; 3 chuỗi hoa với 818 hộ liên kết, diện tích 236ha, sản lượng 181.840.000 cành; 1 chuỗi cà phê với 39 hộ liên kết, diện tích 75,4ha, sản lượng 1.130 tấn/năm. Kết quả test các mẫu rau đều đạt yêu cầu; các cơ sở xếp loại A, B tăng, cơ sở xếp loại C giảm dần. 
Hàng sơ chế, đóng gói chỉ chiếm 30% sản lượng
Lâm Đồng có lợi thế về sản xuất nông sản với quy mô lớn và đang hướng tới chất lượng cao, quản lý theo mô hình thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại. Do đó, hoạt động chế biến nông sản đang được tỉnh tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông sản và hướng tới tiêu thụ sản phẩm cuối cùng tới tay người tiêu dùng sử dụng ngay từ năm 2017.
Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ sản phẩm rau củ quả qua sơ chế, chế biến, bảo quản, phân loại mới chỉ chiếm khoảng 30% tổng sản lượng, tương đương 678.000 tấn/năm. Việc thực hiện sơ chế, đóng gói tập trung ở các DN, HTX như Công ty Thảo Nguyên, Công ty Nông sản thực phẩm Lâm Đồng, Công ty TNHH Đà Lạt GAP, Công ty Organik Đà Lạt, Công ty Trình Nhi, Công ty Nông sản An phú Đà Lạt, HTX Anh Đào, HTX Xuân Hương, HTX An Phú, HTX Tân Tiến và HTX Hiệp Nguyên.
Đặc biệt, năm 2017, được sự hỗ trợ của Tổ chức JICA Nhật Bản, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo lắp đặt và thí điểm hoạt động hệ thống máy phân loại nông sản (cà chua) tại Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng).
Đến nay, hệ thống hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả, đang thực hiện phân loại sản phẩm cà chua theo các tiêu chí về kích thước, màu sắc đảm bảo theo yêu cầu của DN và đơn đặt hàng của đối tác.
Hoạt động của trung tâm sau thu hoạch, hệ thống máy giúp tăng năng suất phân loại cà chua, từ 120 tấn/tháng lên 200 tấn/tháng (tăng 66,67% năng suất phân loại/tháng); giảm công lao động từ 8 người/8 giờ/ngày xuống còn 8 người/2 giờ/ngày (giảm 75% công lao động/ngày). 
Trên cơ sở hoạt động hiệu quả của trung tâm sau thu hoạch thuộc Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy, tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch nhân rộng mô hình này.
Đến năm 2020, tỉnh sẽ hình thành từ 4 - 6 trung tâm sau thu hoạch có công suất chế biến từ 50.000 - 120.000 tấn sản phẩm/năm/trung tâm. Với các nội dung hỗ trợ về đầu tư chuyển giao công nghệ và máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến để xây dựng các trung tâm; hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, ISO 22000, ISO 14001, HACCP, OHSAS 18001, FSSC 22000, ISO 50001… nhằm quản lý chất lượng toàn diện, quản lý tinh gọn, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; mức hỗ trợ và kinh phí thực hiện lồng ghép từ nguồn vốn dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; tổ chức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; trong đó hỗ trợ một phần chi phí thực hiện quảng bá thương hiệu sản phẩm rau củ quả xuất khẩu của tỉnh… 
Năm 2018, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 450 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh cho 4 đơn vị là HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (đầu tư máy đóng gói rau chế biến liên tục dạng nằm cho trung tâm sau thu hoạch tại phường 8, TP Đà Lạt); HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú (đầu tư máy móc, thiết bị chế biến rau cho trung tâm sau thu hoạch tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng); HTX Su Su Công Thành (đầu tư máy móc, thiết bị chế biến rau cho trung tâm sau thu hoạch tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) và Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (đầu tư máy móc, thiết bị cho phòng kiểm soát chất lượng sản phẩm rau chế biến của trung tâm sau thu hoạch tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng).
Đồng thời, tỉnh cũng phối hợp với các sở, ngành và TPHCM tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về sơ chế, đóng gói, cũng như công nghệ sau thu hoạch để các nhà vườn nắm vững kiến thức triển khai thực hiện.
Cũng theo ông Bùi Thế, với việc hỗ trợ các đơn vị một cách toàn diện, trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ từng bước đầu tư hình thành nhiều trung tâm sau thu hoạch nhằm đáp ứng hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói, phân loại cho các sản phẩm rau củ quả cung ứng cho thị trường TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Tin cùng chuyên mục