Sự cố hàng không - Do ý thức con người

Vào lúc 20 giờ ngày 3-8, trên chuyến bay khai trương đường bay TPHCM - Nha Trang, Hãng Hàng không Viet Jet đã tổ chức một sự kiện gây xôn xao dư luận, bởi hãng này cho phép các tiếp viên của mình mặc bikini trình diễn phục vụ hành khách trong gần như suốt thời gian bay. Nhiều người cho rằng màn trình diễn đó đã vi phạm thuần phong mỹ tục, gây khó chịu và ảnh hưởng đến rất nhiều hành khách là người già và trẻ em đi trên chuyến bay.

Vào lúc 20 giờ ngày 3-8, trên chuyến bay khai trương đường bay TPHCM - Nha Trang, Hãng Hàng không Viet Jet đã tổ chức một sự kiện gây xôn xao dư luận, bởi hãng này cho phép các tiếp viên của mình mặc bikini trình diễn phục vụ hành khách trong gần như suốt thời gian bay. Nhiều người cho rằng màn trình diễn đó đã vi phạm thuần phong mỹ tục, gây khó chịu và ảnh hưởng đến rất nhiều hành khách là người già và trẻ em đi trên chuyến bay.

Chưa hết, việc Viet Jet cho phép hành khách sử dụng điện thoại chụp ảnh, quay phim ghi hình các tiếp viên biểu diễn bikini là vi phạm an toàn an ninh hàng không. Bởi lẽ, đã có những điều luật cấm hành khách không được sử dụng điện thoại di động trong suốt chuyến bay.

Ngày 7-8, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Cục trưởng Cục Hàng không VN Phạm Quý Tiêu cho biết: Theo quy định hiện hành, khi đi máy bay hành khách không được sử dụng điện thoại và các máy thu phát sóng cho đến khi rời khỏi máy bay. Vì vậy, việc cho phép hành khách sử dụng điện thoại trên máy bay là sai nguyên tắc, nếu hãng nào vi phạm chắc chắn sẽ bị xử phạt.

Theo số liệu thống kê, hiện nay có tới 50% sự cố trong lĩnh vực hoạt động bay là do lỗi chủ quan gây ra, trong đó phần lớn do chuyên môn kém hoặc ý thức con người kém. Đó là, các trường hợp trục trặc hệ thống thiết bị bảo đảm hoạt động bay trên đường cất hạ cánh 11L tại sân bay Nội Bài hay hệ thống radar tại đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất mất nguồn điện ngày 22-4, 2 kiểm soát viên không lưu đánh nhau khi đang điều hành bay tại AACC Hồ Chí Minh (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) ngày 17-1. Sự việc này khiến việc điều hành bay tại đây bị gián đoạn, nhiều máy bay lúc đó buộc phải bay trong trạng thái không có sự chỉ dẫn, theo dõi và giám sát của hệ thống kiểm soát không lưu.

Một sự cố tương tự cũng xảy ra tại sân bay Đà Nẵng ngày 16-5 khi máy bay hạ cánh nhầm đường băng… Ngoài ra, thời gian qua còn có nhiều trường hợp động vật (chó, mèo, trâu, bò) xuất hiện trong khu hoạt động hàng không tại sân bay, gây ảnh hưởng đến hoạt động bay và công tác điều hành bay.

Để ngăn ngừa và hạn chế tối đa các sự cố hàng không, tại Thông báo số 242/TB-VPCP ban hành cuối tháng 7-2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo kiên quyết khắc phục xử lý, thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, phòng ngừa xảy ra các sự cố, tai nạn hàng không. Đồng thời chỉ đạo việc nâng cao trình độ, kỹ năng và ý thức kỷ luật của nhân viên hàng không, đặc biệt là phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều khiển phương tiện mặt đất tại sân bay.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định của ngành về công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Trong đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các lỗi của hệ thống quản lý khai thác, đảm bảo kỹ thuật và an toàn chất lượng, lỗi do ý thức của nhân viên hàng không…

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của những sự cố uy hiếp an toàn bay thời gian qua vẫn do con người, sự nhận thức về an toàn hàng không từ cán bộ, nhân viên hàng không, đến hành khách và cộng đồng xã hội vẫn còn hạn chế.

Nguyễn Thu Tuyết

Tin cùng chuyên mục