Chờ số phận VEIL

Bất chấp những tín hiệu tích cực từ TTCK thế giới, đặc biệt là việc chỉ số Dow Jones tái lập ngưỡng 10.000 điểm, TTCK trong nước cũng chỉ tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 9-7. Dường như cả NĐT trong nước và NĐTNN vẫn đang hồi hộp chờ đợi thông tin số phận của VEIL trước khi đưa ra các quyết định đầu tư.

Giá trị giao dịch của phiên giao dịch ngày 9-7 đã thể hiện rõ ràng hơn tâm lý chờ đợi của cả bên mua và bên bán. Bên mua chưa sẵn sàng trả giá cao khi số phận của VEIL chưa rõ ràng, bên bán không muốn bán CP với giá thấp hơn nữa khi các yếu tố kinh tế trong và ngoài nước đều đang có xu hướng ủng hộ thị trường.

Đây là phiên giao dịch có giá trị thấp nhất kể từ đầu năm 2010 đến nay, với hơn 30 triệu CP giao dịch trên sàn HOSE và gần 27 triệu CP trên sàn HNX. Giá trị giao dịch trên cả 2 sàn đều dưới 1.000 tỷ đồng: HOSE 860 tỷ đồng và HNX 785 tỷ đồng. Không chỉ NĐT trong nước, ngay cả khối ngoại cũng đang rất quan tâm đến sự kiện VEIL bị buộc thoái vốn.

Dù duy trì việc mua ròng nhưng giá trị giao dịch của khối ngoại cũng liên tục suy giảm trong những phiên giao dịch gần đây. Ngay trong phiên giao dịch ngày 9-7, khối ngoại cũng giao dịch cầm chừng khi mua vào trên 1,4 triệu đơn vị và bán ra 0,87 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 31,74 tỷ đồng. Tương tự, khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp tại sàn HNX, nhưng giá trị mua ròng không cao, phiên này chỉ 3,37 tỷ đồng, tổng khối lượng CP giao dịch trên thị trường chỉ đạt 258.600 đơn vị.

Theo quan điểm chung của giới phân tích, VR Capital sẽ khó có khả năng thu thập đủ số phiếu cần thiết để giải thể VEIL nhưng nếu tỷ lệ tán thành trên 50% cũng phản ánh niềm tin đối với ban lãnh đạo của quỹ này đang bị lung lay mạnh mẽ. Đặc biệt, nếu tỷ lệ tán thành việc giải thể này có thấp hơn 50%, Dragon Capital vẫn sẽ cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình. Nghĩa là kể cả trong trường hợp không giải thể quỹ, Dragon Capital vẫn phải tiến hành thanh lý bớt một phần danh mục đầu tư được đánh giá là thiếu hiệu quả hiện nay.

Trong trường hợp nếu VEIL bị buộc thoái vốn, khả năng sẽ chỉ ảnh hưởng mạnh đến tâm lý NĐT trong một vài phiên đầu chứ không có tác động nặng nề đến thị trường như suy nghĩ của không ít NĐT. Bởi lẽ danh mục đầu tư của VEIL chủ yếu là blue chips, vốn được khối ngoại ưa thích và việc mua bán có thể thực hiện theo phương pháp thỏa thuận (không có tác động nhiều đến giá CP).

Giống như trường hợp của STB vừa qua, tổ chức nào bán ra CP này lập tức có lực cầu khác hấp thụ. Ngược lại, nếu VEIL không bị thoái vốn, thị trường rất có thể sẽ tăng điểm mạnh. Vì lý do này, thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang cho đến khi có kết quả chính thức về số phận của VEIL. Tuy nhiên, trên thực tế, sự lo ngại về cung CP mới và sự thắt chặt của chính sách tiền tệ mới chính là yếu tố tác động đến TTCK chứ không phải số phận của VEIL như lo ngại của các NĐT.

KIM GIANG

Tin cùng chuyên mục