Ngân hàng “bệnh nặng”, buộc phải điều trị

Một trong những vấn đề hết sức quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra là tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Bên lề kỳ họp Quốc hội, TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này. 

Một trong những vấn đề hết sức quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra là tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Bên lề kỳ họp Quốc hội, TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này. 
 
* Phóng viên: Ông từng cho rằng tái cơ cấu ngân hàng hiện nay “đã là chuyện cấp bách lắm rồi”. Xin ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này?
 
* TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Chưa bao giờ quá trình tái cấu trúc ngân hàng lại được đồng thuận như lúc này. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI vừa rồi đã kết luận phải ưu tiên hàng đầu cho việc đó. Một trong những gánh nặng lớn nhất cho nền kinh tế lúc này là lãi suất cho vay quá cao, chứng tỏ hiệu quả trong hoạt động ngân hàng đang rất kém nên họ mới dồn hết chi phí lên doanh nghiệp. Thêm vào đó, thanh khoản của nhiều ngân hàng thương mại có vấn đề. Vì thế họ liên tục cạnh tranh với nhau trong cuộc đua huy động vốn, thậm chí phải hạ mình thương lượng với người gửi tiền, có thể dẫn tới những bất trắc trong hoạt động. 
 
Tổng tài sản của Ngân hàng Thương mại Việt Nam hiện nay rất lớn, gấp đôi GDP của Việt Nam - một tỷ lệ rất cao. Dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng chiếm trên 125% GDP. Ai cũng nhìn thấy kết quả đó nhưng thực chất bên trong chất lượng của chúng ra sao? Chúng ta hoàn toàn chưa thể khẳng định được. Nợ xấu do các ngân hàng báo cáo là trên 3% nhưng các tổ chức nước ngoài đánh giá ít nhất là 10% và đang tăng nhanh. Nếu chúng ta chậm trễ trong việc tái cơ cấu, khoản nợ xấu này sẽ “ăn” hết vào vốn tự có của ngân hàng, đe dọa an toàn hệ thống.
 
* Theo ông, chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu?
 
* Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, cần những phân tích, đánh giá độc lập về chất lượng tài sản có của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trên cơ sở đó mới đưa ra được những bài thuốc cụ thể để sắp xếp lại hệ thống ngân hàng thương mại. Anh nào có thể tồn tại thì hỗ trợ để tồn tại, anh nào yếu kém thì phải điều trị. Và có thể là có vài sự hợp nhất, sáp nhập diễn ra sau đó.
 
* Nhưng có lẽ tâm lý chung là không thích sáp nhập do bị mất tính tự chủ?
 
* Đúng là ai cũng muốn mình độc lập tự chủ. Nhưng với những ngân hàng bệnh nặng thì cũng không thể để họ tự nguyện mà bắt buộc phải điều trị, giám sát đặc biệt để tránh lây bệnh ra cho nền kinh tế. Ngân hàng không thể nào cho doanh nghiệp vay 17%-18% mà phải huy động trên thị trường liên ngân hàng qua đêm, qua tháng hay qua ngày với lãi suất trên 30%. Đó chính là dấu hiệu bệnh nặng, phải được giám sát đặc biệt.
 
* Trong quá trình “chữa bệnh” cho ngân hàng, làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền cũng như của các cổ đông?
 
* Người gửi tiền của chúng ta có bảo hiểm tiền gửi. Tới đây Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi, nâng cao giá trị pháp lý của các quy định hiện hành về vấn đề này. Nhưng cũng cần lưu ý người gửi tiền phải thận trọng trong việc lựa chọn ngân hàng tốt, hiệu quả để gửi tiền, tránh chạy theo các hình thức khuyến mãi lãi suất cao. Lãi suất cao luôn luôn đi kèm với rủi ro rất cao, đó là bài học từ những vụ vỡ nợ tín dụng chợ đen đang diễn ra gần đây.

ANH THƯ ghi

Tin cùng chuyên mục