Đua hút tiết kiệm vượt trần lãi suất: Thanh khoản ngân hàng chưa vững

Rầm rộ lôi kéo khách hàng
Đua hút tiết kiệm vượt trần lãi suất: Thanh khoản ngân hàng chưa vững

Thời gian qua, cuộc vượt rào lãi suất huy động vẫn âm thầm tiếp diễn. “Cuộc đua” này không chỉ dừng lại ở các ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ mà lan đến cả những NH lớn. Lý do được đưa ra là cho dù không thiếu thanh khoản, các NH lớn vẫn phải vào cuộc để giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, việc vượt trần lãi suất là do thanh khoản của các NH không bền vững cho dù các NH vẫn được NHNN hỗ trợ thanh khoản trong trường hợp khó khăn.

Khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Eximbank.

Khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Eximbank.

Rầm rộ lôi kéo khách hàng

Thời gian gần đây, có nhiều số điện thoại lạ gọi đến là của nhân viên NH. Vừa nhấc điện thoại và chưa kịp phản ứng gì, cô nhân viên NH này đã vào đề ngay: “Em H ở ngân hàng BA. nè chị còn nhớ không? Bên em đang có chương trình dành cho khách hàng thân thiết, chỉ cần gửi trên 100 triệu đồng kỳ hạn 3 đến 6 tháng, em sẽ trả ngay chênh lệch cho chị thêm 2,5% so với lãi suất quy định”. Cuối cùng, cô này cũng đồng ý “giá chót” ở mức 50 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng với lãi suất 10,5%/năm, số tiền % chênh lệch được nhận ngay sau khi gửi.

Liên tục nhận được điện thoại của các nhân viên NH này, hỏi mới biết nhân viên được giao chỉ tiêu huy động từ 1-2 tỷ đồng/tháng.

Không chủ động gọi điện để lôi kéo, nhưng khi đến tìm hiểu lãi suất tại NH lớn B., nhân viên của NH này cho biết chỉ cần gửi kỳ hạn trên 12 tháng thì lãi suất khách hàng nhận được linh hoạt từ 11%-13%/năm nhưng không cần phải lãnh cuối kỳ. “Hàng tháng, tụi em sẽ chuyển lãi suất vào tài khoản của chị chứ không cần 12 tháng mới lãnh” - cô nhân viên đon đả.

Ngoài ra, nhân viên NH này còn cho biết, nếu gửi kỳ hạn 24 tháng, thì sau 12 tháng không rút gốc với lãi suất 12%/năm thì qua tháng thứ 13, khách hàng có thể rút gốc bất cứ lúc nào mà vẫn nhận được lãi suất 12%/năm, còn để gốc đến tháng thứ 24 thì lãi suất lên đến gần 13%/năm.

“Đó là chưa kể tụi em còn có hàng loạt các chương trình dự thưởng trị giá 1,2 tỷ đồng cộng với bốc thăm thẻ cào trúng liền từ 50.000 – 200.000 đồng” - cô nhân viên tư vấn thêm. Tôi tỏ ý muốn chọn NH có lãi suất cao để gửi nhưng ngại chuyển, cô nhân viên nói ngay: “Nếu số tiền gửi ở NH hiện tại lớn, tụi em sẽ có xe tới tận NH đó để hỗ trợ khách hàng chuyển tiền về”.

Chị Anh Hoài (quận Bình Thạnh) cho biết, chị gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng A. với kỳ hạn 1-3 tháng nhưng chưa bao giờ có lãi suất dưới 11%/năm. Với số điện thoại từ chị Anh Hoài, tôi gọi điện đặt vấn đề muốn gửi tiền tiết kiệm trong thời hạn ngắn với lãi suất cao nhưng được cô nhân viên này khẳng định nếu gửi kỳ hạn dưới 12 tháng chỉ được hưởng lãi suất 9%/năm theo quy định.

Thế nhưng, sau khi nhờ chị Hoài gọi, cô nhân viên này đã đồng ý chi chênh lệch lãi suất 2%/năm bằng tiền mặt so với quy định chỉ kỳ hạn gửi 3 tháng. Để hợp thức hóa việc này, khách hàng ký nhận lãi suất chênh lệch bằng một tờ giấy trúng thưởng của chương trình dự thưởng.

Ngân hàng H., mặc dù không có chủ trương vượt trần huy động nhưng các nhân viên của NH chủ động chi tiền túi để trả lãi suất chênh lệch để đạt chỉ tiêu thưởng do NH này đặt ra. Vì nếu trong 1 quý, nhân viên nào đạt được chỉ tiêu nhất định thì sẽ được thưởng. Và giải thưởng dành cho nhân viên có giá trị khá lớn nên không ít nhân viên đã chi chênh lệch từ 2%-4% cho các khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn.

Thực tế cho thấy, không chỉ có “cuộc đua” ở những kỳ hạn ngắn mà hàng loạt NH, trong đó có nhiều NH lớn đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng cho khách lên đến 13%-14%/năm và tung ra hàng loạt khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng khủng để thu hút khách hàng gửi tiền. 

Chỉ ổn bề ngoài

Các NH đưa ra lý do tăng cường huy động trong giai đoạn này là để đảm bảo hệ số an toàn vốn, đảm bảo tính chủ động của NH và để chuẩn bị giải quyết nhu cầu vay tiền cuối năm. Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, việc huy động ồ ạt nhưng lại cho vay nhỏ giọt là hiện tượng tắc nghẽn dòng vốn lưu thông, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bởi lẽ, DN không có vốn để hoạt động, NH cũng không thể thu lợi từ việc cho vay dù nguồn vốn nhiều, trong khi hệ thống NHTM hiện nay thu nhập lãi từ cho vay vẫn là nguồn lợi nhuận chính.

Một vị nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, câu chuyện vượt trần lãi suất là sự phản ứng của thị trường do yếu tố không bền vững của chính thị trường cũng như sự không ổn định trong thanh khoản của NH. Một giám đốc NHTM cũng cho biết, hiện không phải ngân hàng nào cũng vay được ở thị trường liên NH vì để được vay, NH phải không có các khoản nợ quá hạn đối với các giao dịch liên NH từ 10 ngày trở lên tại thời điểm thực hiện giao dịch.

“Mức lãi suất liên NH hiện rất hấp dẫn nhưng không mấy NH thỏa mãn được điều kiện trên nên buộc phải chạy đua huy động tiền gửi bên ngoài với lãi suất cao hơn”- vị này thừa nhận. Đó cũng chính là lý do dù lãi suất trên thị trường liên NH 3 tuần qua không có gì biến động nhưng lãi suất huy động thị trường dân cư đã “nổi sóng”.

Ông Phạm Thiện Long, Phó Tổng giám đốc HD Bank cho rằng, việc các NH nhỏ huy động với lãi suất cao trên thị trường dân cư thì các NH lớn cũng không thể khoanh tay đứng nhìn mà cũng phải tăng lãi suất theo để giữ chân khách hàng. Đó là chưa kể thị trường vàng, USD biến động đã hút một lượng không nhỏ tiền từ kênh tiết kiệm nên các NH phải tăng lãi suất để giữ tiền đồng. Hơn nữa, các NH gặp sự cố cũng phải tăng huy động để giữ thanh khoản.

Về việc này, một vị đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM lo ngại, với cuộc đua lãi suất của các NH như hiện nay thì nỗ lực hạ lãi suất để gỡ khó khăn cho DN của hệ thống NH sẽ bị cản trở vì lãi suất huy động cao thì không thể cho vay lãi suất thấp được. “Chính động thái này của NHTM có thể khẳng định lãi suất từ nay đến cuối năm khó có thể giảm theo lộ trình mà NHNN đề ra” - vị này nói.

Nhung Nguyễn

Tin cùng chuyên mục