Kiểm soát chặt hoạt động của công ty chứng khoán

Ngày 23-4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố việc kiểm soát đặc biệt với 6 công ty chứng khoán (CTCK). Trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này cũng như việc kiểm tra, giám sát các CTCK, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh UBCKNN, cho biết:
Kiểm soát chặt hoạt động của công ty chứng khoán

Ngày 23-4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố việc kiểm soát đặc biệt với 6 công ty chứng khoán (CTCK). Trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này cũng như việc kiểm tra, giám sát các CTCK, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh UBCKNN, cho biết:

Với các CTCK rơi vào diện kiểm soát đặc biệt thì theo quy định, một tuần sau khi có quyết định kiểm soát đặc biệt, hội đồng quản trị công ty phải trình phương án và báo cáo vốn khả dụng (là vốn chủ sở hữu có thể chuyển thành tiền trong vòng 90 ngày) hàng ngày, không được phép mở chi nhánh. Trong nhóm này, có công ty lỗ lên tới 87% vốn điều lệ như CTCK Hà Nội. Với những trường hợp bị kiểm soát đặc biệt, trong vòng 6 tháng nếu lỗ gộp vượt 50% vốn điều lệ và chỉ tiêu an toàn tài chính không vượt được 120% thì họ sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Các CTCK rơi vào kiểm soát đặc biệt là do các nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, CTCK Hà Nội không vay nợ nhưng vốn 50 tỷ đồng, sau 4 năm hoạt động ăn cụt vào vốn, khách hàng ít; CTCK Vina, Mekong bị lỗ tự doanh các năm trước; CTCK Cao Su do vừa lỗ tự doanh, vừa không tăng vốn được, chi phí hoạt động nhiều quá ăn cụt vào vốn; CTCK Trường Sơn vay nợ nhiều, lỗ, khả năng bơm thêm tiền không có.

Trong số các CTCK bị kiểm soát đặc biệt được công bố lần này thì thực ra bản thân công ty cũng đã biết tình trạng của họ rồi. Bản thân CTCK Hà Nội và Trường Sơn đã tự xin rút nghiệp vụ môi giới do cảm thấy năng lực không đủ để cạnh tranh.

Một sàn giao dịch chứng khoán tại TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Một sàn giao dịch chứng khoán tại TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

° Phóng viên: Trong danh sách công bố lần này, nhà đầu tư không thấy những công ty vốn có nhiều “điều tiếng” trong thời gian qua như CTCK SME và Tràng An. Xin ông cho biết nguyên nhân?

° Ông PHẠM HỒNG SƠN: CTCK Tràng An đang được yêu cầu phải tính toán lại mức vốn khả dụng do chúng tôi cho rằng số liệu họ đưa ra không phù hợp với tình trạng của công ty. CTCK SME hiện chưa nộp báo cáo tình hình hoạt động từ tháng 10-2011 đến nay và chúng tôi đang yêu cầu nộp báo cáo. Khi nào có kết quả chúng tôi sẽ công bố.

° Thưa ông, tại sao nhiều CTCK lỗ lũy kế rất nặng nhưng lại không nằm trong danh sách kiểm soát?

° CTCK dù lỗ nhiều nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính thì vẫn không bị kiểm soát. Bởi có những CTCK lỗ nhưng họ vẫn phát hành trái phiếu chuyển đổi được để đảm bảo vốn. Nếu CTCK huy động được vốn thì vẫn được phép, do đó làm tăng vốn khả dụng lên.

° Thị trường có thể hiểu 6 công ty này sẽ bị đóng cửa không, thưa ông?

° Điều này phụ thuộc vào công ty. Nếu công ty không trụ được, không cải thiện được tình hình thì có thể bị rút giấy phép. Thực ra, một số CTCK xin rút nghiệp vụ môi giới tức là họ cũng ý thức được sự khó khăn trong hoạt động và có thể họ đã tính đến khả năng xấu nhất là rút khỏi thị trường.

° Thời gian vừa qua, hoạt động của các CTCK diễn ra khá lộn xộn. Để thực hiện đề án tái cấu trúc CTCK cũng như cải thiện, củng cố lại hoạt động của các CTCK, UBCKNN sẽ có những biện pháp gì?

° Chúng tôi đang tiến hành soạn thảo thông tư thay thế Quyết định 27 về quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK. Trong đó sẽ hạn chế đầu tư của CTCK. Vừa qua, nhiều CTCK đầu tư tràn lan, đặc biệt là đi vay cũng như cho vay. Sắp tới sẽ phải siết chặt để đảm bảo chức năng chính của CTCK là cung cấp dịch vụ, mà yêu cầu hàng đầu là đảm bảo an toàn tài chính để nâng cao chất lượng dịch vụ. Cụ thể, trong dự thảo mới sẽ quy định một số hạn chế với CTCK như: chỉ được vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu (hiện là 6 lần) để ngăn ngừa rủi ro và trong một năm CTCK nào chưa đạt được thì phải thoái hết để đưa về tỷ lệ an toàn. Quan điểm của chúng tôi là những hoạt động đầu tư của CTCK phải tập trung vào vốn chủ sở hữu là chính còn nếu đi vay thì cũng chỉ để làm dịch vụ giao dịch ký quỹ chứ không phải đi vay về để đầu tư cho chính mình.

Hoạt động vay của CTCK cũng quy định là chỉ được vay từ tổ chức tín dụng nhằm tránh tình trạng vay lung tung, dễ tranh chấp. Hoặc vay bằng hình thức phát hành trái phiếu, chuyển đổi hay trường hợp khẩn cấp cứu doanh nghiệp thì có thể đi vay nhưng trước khi vay phải báo cáo UBCKNN. Đây là thông lệ quốc tế để người đi vay và cho vay đều có sự giằng chéo nhau để luồng tiền vào CTCK tốt hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định trách nhiệm của CTCK với từng hoạt động của họ. Ví dụ như môi giới, CTCK phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vấn đề về nhân viên môi giới, tránh tình trạng tranh chấp giữa nhân viên lạm dụng tài khoản khách mà CTCK kêu là không có trách nhiệm. Ngoài ra, chúng tôi cũng quy định rõ hơn về quản trị rủi ro của CTCK, đặc biệt là hệ thống kiểm soát tài chính. Bản thân hội đồng quản trị cũng phải lập kiểm toán nội bộ để kiểm soát hoạt động một cách chặt chẽ hơn. Thông tư này hết sức quan trọng. Sau khi lấy ý kiến các thành viên thị trường xong chúng tôi sẽ ban hành.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục