Xáo trộn nhân sự cao cấp ngành ngân hàng

Tái cơ cấu ngân hàng không chỉ là hợp nhất, sáp nhập, xử lý nợ xấu… mà còn là quản trị ngân hàng, quản trị nhân sự, minh bạch thông tin để ngân hàng ngày càng phát triển. Thế nhưng, mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngành ngân hàng năm 2016 cho thấy, vấn đề nhân sự, chủ yếu nhân sự cấp cao của ngành ngân hàng đang là vấn đề lớn trong quá trình tái cấu trúc.
Xáo trộn nhân sự cao cấp ngành ngân hàng

Tái cơ cấu ngân hàng không chỉ là hợp nhất, sáp nhập, xử lý nợ xấu… mà còn là quản trị ngân hàng, quản trị nhân sự, minh bạch thông tin để ngân hàng ngày càng phát triển. Thế nhưng, mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngành ngân hàng năm 2016 cho thấy, vấn đề nhân sự, chủ yếu nhân sự cấp cao của ngành ngân hàng đang là vấn đề lớn trong quá trình tái cấu trúc.

“Điểm nóng” Eximbank

Tâm điểm “rối ren” về nhân sự cao cấp hiện nay là Eximbank. Sau hai lần tổ chức ĐHCĐ bất thành vào ngày 29-4 và 24-5, lần đại hội bất thường theo kế hoạch vào ngày 2-8 vừa qua cũng không thể diễn rado Ngân hàng Nhà nước (NHNN)chỉ đạo Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử và ứng cử của các nhóm cổ đông và báo cáo trước khi cơ quan này phê duyệt nhân sự bầu bổ sung HĐQT. Cuộc chiến nhân sự giữa các nhóm cổ đông là nguyên nhân dẫn đến hai lần đại hội của Eximbank đều không thành công. ĐHCĐ lần thứ nhất bất thành do nội dung đưa ra bàn thảo không thể hiện nguyện vọng của các nhóm cổ đông lớn khác, nên nhóm cổ đông này không tham dự, do đó không đủ số cổ đông để tiến hành đại hội theo quy định là 65%. Lần thứ hai, một ĐHCĐ hết sức hỗn loạn đã diễn ra vì sự tranh cãi quyết liệt hơn 3 tiếng đồng hồ giữa các nhóm cổ đông về việc HĐQT 9 hay 11 người, nên ĐHCĐ bắt đầu trễ và cuối cùng không kịp thời gian kiểm phiếu. Chính vì thế, để thống nhất nhân sự cao cấp trong kỳ ĐHCĐ bất thường lần tới, NHNN đã phải vào cuộc.

Chuyện nhân sự cấp cao chưa có hồi kết khiến kết quả kinh doanh Eximbank gặp không ít khó khăn. Ảnh Huy Anh

Trả lời câu hỏi khi nào Eximbank tái tiến hành ĐHCĐ bất thường, ông Đặng Anh Mai, thành viên HĐQT Eximbank cho biết, theo chỉ đạo của NHNN, hiện Eximbank đang trong quá trình kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của các nhóm cổ đông để báo cáo trước khi NHNN phê duyệt nhân sự đề cử, ứng cử bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo ông Mai: “Sau khi có danh sách ứng viên đã được NHNN phê duyệt này thì Eximbank mới xác định được thời gian tổ chức ĐHCĐ sắp tới”. Được biết, hiện danh sách ứng viên ứng cử bổ sung thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 còn 8 người, sau khi ông Cao Xuân Ninh có đơn xin từ nhiệm, mặc dù chưa được ĐHCĐ thông qua vì hai lần đại hội đều bất thành. Tài liệu chuẩn bị cho ĐHCĐ ngày 2-8 có nội dung về việc đề nghị cổ đông bầu và thông qua danh sách trúng cử bổ sung thêm 3 thành viên HĐQT. Theo thông tin SGGP có được, trong 3 thành viên này, có người từ NHNN sẽ được đề cử thế vào vị trí ông Cao Xuân Ninh.

Khi câu chuyện nhân sự cấp cao vẫn là cuộc tranh giành chưa có hồi kết, hoạt động của Eximbank cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Từ một ngân hàng lớn mạnh có lợi nhuận ngàn tỷ đồng nhưng hiện nay, hàng loạt các chỉ tiêu kinh doanh của Eximbank đang xuống dốc. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế giảm 86% so với cùng kỳ, xuống 79 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,9% lên 5,3%. Như vậy, qua nửa năm 2016, kết quả kinh doanh của Eximbank vẫn còn kém xa so với kế hoạch (đó là lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng và kế hoạch xin điều chỉnh là 400 tỷ đồng).Tính đến ngày 30-6-2016, tổng tài sản của Eximbank ghi nhận là 121.682 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cuối năm 2015. Lỗ lũy kế tính đến cuối quý II-2016 là 756 tỷ đồng. Huy động vốn có tăng nhẹ 2% lên 100.728 tỷ đồng, nhưng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng lại giảm giảm 4,6% so với đầu năm, xuống 80.842 tỷ đồng.

“Tướng” còn biến động

Đã hết mùa ĐHCĐ năm 2016 nhưng ngoài Eximbank, còn có Sacombank vẫn chưa tiến hành ĐHCĐ, trong đó có nguyên nhân liên quan đến vấn đề nhân sự. Sau khi được gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015, HĐQT Sacombank đã xin phép các cơ quan quản lý được tổ chức ĐHCĐ dự kiến trong tháng 6-2016 thay tháng 4-2016 với lý do ngân hàng này đã nhận sáp nhập SouthernBank và đang chờ hướng dẫn và phê duyệt đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập của NHNN. Tuy nhiên, đến nay đã là tháng 8, ngày họp ĐHCĐ của Sacombank vẫn chưa được ấn định.

Đáng chú ý về nhân sự, ông Trầm Bê đã chính thức rời ghế Phó chủ tịch HĐQT vào tháng 11-2015 và không tham gia quản trị Sacombank sau tái cơ cấu. Theo báo cáo quản trị năm 2015 của Sacombank, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 179,3 triệu cổ phần Sacombank, tương đương 9,49% vốn điều lệ ngân hàng. Toàn bộ số cổ phần của ông Trầm Bê và người có liên quan tại Sacombank được ủy quyền không hủy ngang vô thời hạn cho NHNN. Như vậy, việc ai sẽ ngồi “ghế nóng” của Sacombank hiện vẫn là ẩn số và thị trường đang chờ đợi kết quả trong đợt ĐHCĐ sắp tới. Trong tài liệu ĐHCĐ dự kiến diễn ra trong tháng 6-2016, Sacombank xin ý kiến cổ đông thông qua số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020 là 9 người, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Hiện Chủ tịch HĐQT của Sacombank kiêm thành viên độc lập là ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN. Với cổ phần chi phối tại Sacombank, NHNN rất có thể sẽ điều động nhân sự tham gia điều hành ngân hàng này.

Bổ sung nhân sự quản trị điều hành có năng lực góp phần quan trọng giúp Ngân hàng NamA tự tái cơ cấu thành công Ảnh: Huy Anh

Không chỉ Eximbank và Sacombank, nhiều ngân hàng khác cũng thay đổi lớn về nhân sự cấp cao. Cụ thể, trong quá trình thực hiện đề án tự tái cấu trúc, chỉ trong 1 năm, VietA Bank đã miễn nhiệm 6 phó tổng giám đốc và 1 thành viên HĐQT. VietA Bank cũng miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với bà Phương Thanh Nhung và bổ nhiệm bà Nhung làm Phó chủ tịch HĐQT. Đồng thời thay phó tổng giám đốc điều hành ngân hàng mới. Tương tự, sau những đồn đoán “về cùng nhà” với Eximbank không xảy ra, NamA Bank cũng đang thực hiện đề án tự tái cấu trúc. Hiện 3 “tướng” của NamA Bank sau khi từ nhiệm trong năm 2015 cũng đã quay trở lại, trong đó có sự trở lại của ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm (đã từ nhiệm) để ứng cử vào thành viên HĐQT Eximbank. Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Toàn hiện đã được ĐHCĐ thông qua và được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Ông Trần Ngô Phúc Vũ (từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc) hiện đã trở lại Nam A Bank làm Phó Chủ tịch HĐQT. Ông Trần Ngọc Tâm cũng đã được bổ nhiệm lại làm Phó Tổng Giám đốc NamA Bank…

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, các ngân hàng sẽ còn thay đổi đáng kể về nhân sự cấp cao khi ngành ngân hàng đang ở giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc,vì làn sóng mua bán - sáp nhập trong ngành này được nhận định vẫn chưa lặng sóng.

Nhung Nguyễn

Tin cùng chuyên mục