Tăng cường thanh tra công vụ để tránh tiêu cực

Theo Điều 104 Luật Xây dựng, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng phải chủ trì và phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép xây dựng. Qua đó, việc đình chỉ xây dựng, thu hồi giấy phép xây dựng tiến hành khi phát hiện vi phạm nghiêm trọng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Để đảm bảo thực hiện quy định trên thì cần phân cấp quản lý xây dựng theo hướng cơ quan nào cấp phép cơ quan đó có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo giấy phép đã cấp.
Trong thực tế, số lượng giấy phép xây dựng do quận - huyện cấp chiếm đa số. Do đó, với nguyên tắc được nêu ở trên thì cấp này phải có lực lượng có chức năng, đủ thẩm quyền kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép do mình cấp.
Mặt khác, phường - xã là cấp cơ sở sâu sát nhất với địa bàn quản lý nên họ cũng cần có lực lượng để kịp thời vào cuộc, ngăn chặn ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm xây dựng, đặc biệt là công trình xây dựng không phép.
Tuy nhiên, theo Luật Thanh tra và Nghị định 26/2013 (về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành xây dựng), thanh tra xây dựng (TTXD) chỉ được tổ chức ở 2 cấp là cấp trung ương và cấp tỉnh.
Do đó, cấp quận và phường hiện thiếu lực lượng có chức năng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy, quy định của pháp luật có sự thiếu đồng nhất, tạo ra độ vênh giữa thực tiễn và pháp lý, gây bất cập trong công tác quản lý xây dựng, tạo kẽ hở cho một số TTXD tiêu cực.
Chính vì vậy, việc đề xuất đưa TTXD về quận - huyện (có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng) để không xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau (khi phát hiện vi phạm) là cần thiết.
Tuy nhiên, dù mô hình thế nào thì hiệu quả quản lý cũng như thái độ, trách nhiệm phục vụ người dân là tiêu chí quan trọng hàng đầu cần hướng đến.
Yêu cầu đặt ra là TTXD phải đảm bảo làm việc có trách nhiệm, công tâm và khách quan để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm và dứt khoát không có sự thỏa hiệp hoặc bảo kê đối với sai phạm; đồng thời cũng không có tình trạng TTXD nhũng nhiễu, gây khó dễ đối với người dân.
Do đó, bên cạnh việc khắc phục bất cập về tổ chức thì cần lưu ý đến việc kiểm tra, giám sát công vụ đối với lực lượng TTXD. Lâu nay, công tác này chưa thật sự sâu sát, chặt chẽ dẫn đến một số cán bộ TTXD lợi dụng trục lợi.
Cụ thể, trong một số trường hợp, cán bộ TTXD đã không làm tròn chức trách, nhiệm vụ, ngó lơ, thậm chí “bảo kê” đối với công trình vi phạm. Đã có nhiều công trình vi phạm xây dựng nghiêm trọng nhưng đến khi gần hoàn thành, hoặc hoàn thành, đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, và phải tổ chức cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm. Tình trạng này gây thiệt hại lớn cho người dân và khiến dư luận bức xúc. 

Tin cùng chuyên mục