Thảo luận tại tổ về dự án Luật Trọng tài thương mại: Cần có cơ chế đảm bảo phán quyết trọng tài được thực thi nghiêm túc

(SGGPO).- Thảo luận tại tổ về dự án Luật Trọng tài Thương mại sáng nay, 21-11, nhiều ĐBQH bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành Luật để tạo điều kiện giải quyết các tranh chấp tư một cách nhanh chóng, đơn giản và bảo đảm bí mật kinh doanh. Luật còn có thể góp phần khiến cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, các thương nhân nước ngoài.

Các ĐB đoàn TPHCM thống nhất với việc mở rộng phạm vi vụ việc được thụ lý của trọng tài, theo đó khái niệm “thương mại” được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm thương mại hàng hóa, đầu tư, dịch vụ và sở hữu trí tuệ; kể cả những tranh chấp về bất động sản trong quan hệ kinh tế.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị có điều riêng trong Luật quy định đầy đủ và cụ thể hơn về các vấn đề có yếu tố nước ngoài (trọng tài viên nước ngoài, các bên tranh chấp, địa điểm xảy ra tranh chấp... có yếu tố nước ngoài).

Nhiều ĐB còn phân vân về tính khả thi của quy định cho phép Hội đồng Trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm đảm bảo sự thi hành phán quyết trọng tài. “Hội đồng Trọng tài khó có thể thực hiện được các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có sự giúp đỡ của các cơ quan tư pháp. Nên quy định Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu cơ quan Tòa án các cấp thực hiện các biện pháp ngăn chặn tạm thời, đồng thời bổ sung những nội dung cụ thể để đảm bảo các biện pháp đó được thực hiện nhanh chóng, kịp thời”, ông Lịch nói.

Đây cũng là mối quan tâm của ĐB Ngô Minh Hồng. Bà Hồng nhấn mạnh, chỉ khi có cơ chế hỗ trợ tích cực của hệ thống tư pháp thì những phán quyết của trọng tài mới được thực hiện nghiêm túc, bởi lẽ trên thực tế, ngay cả khi có phán quyết của tòa thì việc thi hành án trong nhiều trường hợp cũng rất khó khăn, có khi mất hàng năm trời.

Tham dự phiên thảo luận tại tổ ĐB TPHCM – Hà Giang, LS Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cung cấp thêm thông tin, do chưa có chế tài xử lý thích đáng hành vi khởi kiện sai, nên nhiều khi bên bị phán quyết tùy tiện khởi kiện tại tòa án, cố tình kéo dài thời gian thực hiện phán quyết trọng tài.

Ông Huỳnh cũng cho biết, theo thông lệ quốc tế, trọng tài được phép phân xử tất cả các tranh chấp tư mà pháp luật không cấm (ở Việt Nam, vấn đề nuôi con nuôi hoặc các tranh chấp lao động... nằm ngoài phạm vi xử lý của trọng tài), kể cả các tranh chấp mà trong đó một bên là cơ quan quản lý nhà nước.   

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục