Nhiều nước tăng sức ép với Iran

Để hiện thực hóa lời đe dọa mạnh tay trừng phạt Iran, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm vận nhập khẩu dầu từ Iran, đóng băng nhiều cơ quan tài chính làm ăn với quốc gia này. “Phép thử” tuyên bố đóng cửa eo biển Hormuz dường như đã giúp phương Tây có cớ để gia tăng sức ép với Iran.
Nhiều nước tăng sức ép với Iran

Để hiện thực hóa lời đe dọa mạnh tay trừng phạt Iran, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm vận nhập khẩu dầu từ Iran, đóng băng nhiều cơ quan tài chính làm ăn với quốc gia này. “Phép thử” tuyên bố đóng cửa eo biển Hormuz dường như đã giúp phương Tây có cớ để gia tăng sức ép với Iran.

  • Nước lớn hợp lực

AP ngày 5-1 đưa tin, quyết định trên của EU được đưa ra sau cuộc họp ở Brussels (Bỉ). Động thái này càng làm tăng tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ giữa phương Tây và Iran trước thềm bầu cử Quốc hội Iran dự kiến diễn ra vào tháng 3 tới. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết, quyết định sẽ được công bố chính thức trong phiên họp ngày 30-1 tới tại Brussels.

Ông Alain Juppe cho rằng: “Đã đến lúc áp đặt lệnh cấm vận nhập khẩu dầu từ Iran và đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Iran. Điều này không cần phải bàn cãi thêm”. Ngoại trưởng Pháp cũng kêu gọi các nước thuộc EU nhanh chóng đứng về phía Mỹ trong bối cảnh căng thẳng về chương trình hạt nhân của Tehran ngày một leo thang.

Mỹ hoan nghênh thái độ trên của EU. Trước đó, ngày 31-12-2011, Tổng thống Mỹ B.Obama đã ký thành luật các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Ngân hàng Trung ương và ngành tài chính của Iran nói chung. Mọi hành động của Mỹ và phương Tây đều nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran. Hiện nền kinh tế Iran 80% dựa vào xuất khẩu dầu.

Năm 2010, Iran cung cấp 5% lượng dầu nhập khẩu vào châu Âu, chủ yếu là thị trường Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp. Tổng thống mới nhậm chức của Italia Mario Monti cho biết, Italia đã sẽ thi hành lệnh cấm vận nhập khẩu dầu từ Iran theo một lộ trình cụ thể và sẵn sàng hoàn lại Tehran khoản miễn thuế mà Iran dành cho Công ty năng lượng ENI của Italia trong quá trình giao dịch của hai bên.

Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi (trái) tiếp người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ (một trong những đối tác dầu mỏ thân thiết của Iran) Ahmet Davutoglu tại Tehran. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi (trái) tiếp người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ (một trong những đối tác dầu mỏ thân thiết của Iran) Ahmet Davutoglu tại Tehran. Ảnh: AFP

  • Iran đối phó linh hoạt

Ngay sau thông tin trên được công bố, ông SM Qamsari, Giám đốc quốc tế của Công ty dầu mỏ quốc gia Iran khẳng định, Tehran sẽ lựa chọn đối tác thay thế để giữ cho xuất khẩu ổn định ở mức 2,3 triệu thùng/ngày. Chủ yếu, Iran sẽ nhắm đến thị trường Trung Quốc, các nước châu Á khác và châu Phi.

Hiện khoảng 30% lượng dầu của Iran, tức khoảng 700.000 thùng/ngày được xuất qua phía Tây của kênh đào Suez. Chiếm hơn nửa số đó là xuất sang châu Âu, khoảng 200.000 thùng/ngày vận chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Iran hiện xuất khoảng 450.000 thùng dầu/ngày sang EU.

Một trong những lý do để Iran cương quyết bảo vệ chương trình hạt nhân của mình trước đe dọa của các nước lớn vì Iran tin rằng, bất kỳ động thái trừng phạt nào từ phương Tây sẽ đều gây thiệt hại cho người tiêu dùng châu Âu, vì họ buộc phải chấp nhận mức giá chênh lệch hơn nhiều khi sử dụng các nhà cung cấp khác. Theo Reuters, ông Qamsari một lần nữa nhắc đến việc đóng cửa eo biển Hormuz.

Iran hiện tại vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều nước đối tác. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia không nằm trong EU), đối tác dầu mỏ lớn của Iran đã yêu cầu Mỹ và EU từ bỏ ý định đóng băng Ngân hàng trung ương của Iran vì không muốn giao dịch dầu mỏ với Iran bị ảnh hưởng. Khoảng 30% nguồn cung thị trường dầu Thổ Nhĩ Kỳ là từ Iran.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia lên tiếng phản đối trừng phạt đơn phương của Mỹ với Iran. Vì thế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã sắp xếp đến Trung Quốc và Nhật Bản từ 10 đến 12-1 tới, để kêu gọi ủng hộ từ những nước trên đối với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran. Tại Trung Quốc, ông sẽ gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Ở Nhật Bản ông sẽ hội kiến Thủ tướng Yoshihiko Noda. 

NHƯ QUỲNH

- Thông tin liên quan:

>> Gia tăng nguy cơ Mỹ tấn công Iran

>> Tiền Iran giảm giá mạnh

>> Thêm khó khăn cho các công ty muốn làm ăn với Iran

>> Tổng thống Mỹ ký ban hành Luật Các biện pháp trừng phạt Iran

Tin cùng chuyên mục