Những bài học từ sai lầm của IMF

Sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bất ngờ thừa nhận về tính toán sai trong chính sách thắt lưng buộc bụng tại châu Âu, hãng tin Reuters đã có bài viết điểm lại một số sai lầm của IMF về các chính sách kinh tế.

IMF vừa công bố nghiên cứu cho thấy các biện pháp khắc khổ quá đà khiến nền kinh tế châu Âu thiệt hại gấp 3 lần dự kiến. IMF đã “giảm tông” đối với khuyến nghị trước đó về biện pháp khắc khổ để đối phó với bão nợ ở Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone). Giờ đây, theo IMF, chính sách buộc Hy Lạp và các nước đang ngập nợ phải giảm thâm hụt ngân sách quá nhanh có thể phản tác dụng.

Argentina, Indonesia và Hàn Quốc, từng bị yêu cầu cắt giảm mạnh ngân sách để đổi lấy hàng chục tỷ USD tiền cứu trợ của IMF, nhận định thể chế này cuối cùng đã có bài học về những sai lầm trong cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á và Mỹ Latinh. Năm 1997, Indonesia vay IMF 10 tỷ USD khi cuộc khủng hoảng tài chính đang hoành hành châu Á. Đổi lại, quốc đảo này cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, đóng cửa một số ngân hàng và thắt chặt chính sách tiền tệ, yếu tố mà theo IMF sẽ hạn chế sự sa sút của nền kinh tế. Kết quả, kinh tế Indonesia kết thúc năm 1998 với mức suy giảm lên tới 13%, ngược hẳn với mức dự báo của IMF tăng trưởng 3%.

Hàn Quốc vay của IMF 21 tỷ USD và nhất trí với một chương trình kinh tế hứa hẹn giúp GDP nước này tăng ở mức 3% năm 1998. Tuy nhiên, nền kinh tế Hàn Quốc đã sụt giảm gần 6% trong năm 1998. Chung Duck-koo, người đứng đầu phái đoàn Hàn Quốc tham gia cuộc đàm phán về gói cứu trợ năm 1997, cho rằng IMF đã chẩn đoán sai cuộc khủng hoảng tiền tệ, coi đó là vấn đề về ngân sách tài chính và đưa ra các cải cách sai lầm.

Trong khi đó, Malaysia đã trở thành tấm gương thoát khỏi suy thoái bằng những tính toán dựa vào thực trạng nền kinh tế trong nước. Thời điểm đó, Thủ tướng Mahathir Mohamad kiên quyết không vay tiền của IMF, đồng thời đưa ra những chính sách kinh tế hợp lý như khuyến khích doanh nghiệp cổ phần hóa, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào Malaysia... Nhờ đó, Malaysia từng bước thoát khỏi khủng hoảng.

Mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Bolivia, ông Luis Arce, tuyên bố chính phủ nước này quyết định lờ IMF bởi nhận thấy các chính sách của quỹ này thất bại tại các nước khác. Theo ông Arce, Bolivia đã giảm tỷ lệ cực nghèo xuống còn 24% dân số năm 2011, so với mức hơn 38% năm 2005, nhờ việc theo đuổi các chính sách ngược với khuyến nghị của IMF. Từ 2005 đến 2011, GDP/đầu người tại Bolivia cũng đã tăng gấp đôi.

Năm 2010, cựu Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn đã phải thừa nhận rằng quỹ đã phạm sai lầm ở châu Á. Đến hôm nay, danh tiếng của IMF tại châu Á vẫn chưa được khôi phục. Hiện các quốc gia tại khu vực này đã tích lũy được khoảng 6.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, một phần trong nỗ lực đảm bảo sẽ không phải tìm cứu trợ.

Hernon Lorenzino, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính công của Argentina, cho rằng sự thừa nhận sai lầm của IMF là bước đi đầu tiên có thể dẫn tới sự thay đổi thuật pháp ở châu Âu, nơi quỹ này đã cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha mượn tiền.

Theo vị Bộ trưởng của Argentina, IMF đã và đang áp dụng các chiến lược cải cách và những điều kiện chính sách có xu hướng thất bại, khi tình trạng suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp tại các nước tham gia chương trình của IMF đang tồi tệ đi, dẫn đến nguy cơ mắc nợ tới mức không thể chịu đựng được và bất ổn xã hội. 

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục