Hàng loạt quan chức Olympus bị bắt vì scandal tài chính

Lừa đảo, làm giả báo cáo tài chính
Hàng loạt quan chức Olympus bị bắt vì scandal tài chính

Các công tố viên Nhật Bản ngày 16-2 cho hay cựu Chủ tịch tập đoàn Olympus, ông Tsuyoshi Kikukawa, đã bị bắt giữ tại Tokyo. Ông Kikukawa bị tình nghi làm sai báo cáo tài chính để che giấu thất thoát 1,7 tỷ USD của công ty có bề dày 92 năm tuổi này của Nhật Bản.

Cựu Chủ tịch Olympus, Kikukawa (phải) và cựu Phó Chủ tịch Mori.

Cựu Chủ tịch Olympus, Kikukawa (phải) và cựu Phó Chủ tịch Mori.

Lừa đảo, làm giả báo cáo tài chính

Theo cơ quan công tố Tokyo, vụ gian lận tài chính của Olympus là một trong những scandal tài chính lớn nhất Nhật Bản gây chấn động kinh tế nước này.

Theo cơ quan trên, cựu Phó chủ tịch Hisashi Mori; cựu kiểm toán viên Hideo Yamada của Olympus và 2 cựu quan chức làm trong lĩnh vực đầu tư là Akio Nakagawa và Nobumasa Yokoo cũng đã bị bắt giữ. Nakagawa, bắt đầu sự nghiệp từ công ty đầu tư Nomura Securities, là nhà sáng lập tập đoàn Axes - trung tâm của vụ scandal này. Axes nổi tiếng với vụ tư vấn đình đám với mức phí lên đến 687 triệu USD khi tư vấn Olympus mua lại công ty sản xuất thiết bị y tế Gyrus (Anh) năm 2008.

Trong khi đó, Yokoo, một cựu nhân viên khác của Normura, điều hành công ty kiểm toán Global Company được Olympus thuê năm 2000 để “thám thính” các doanh nghiệp và vạch ra kế hoạch đầu tư cho Olympus.

Tất cả những người bị bắt giữ đều bị cáo buộc âm mưu làm sai bảng cân đối kế toán của Olympus trong năm 2006 và 2007. Theo đó, giá trị tài sản ròng của Olympus năm tài khóa 2006 được báo cáo hơn 334 tỷ yên (4,4 tỷ USD), trong khi thực tế chỉ hơn 233 tỷ yên. Việc gian lận kê khai tiếp tục được thực hiện trong năm tài khóa 2007, khi giá trị tài sản ròng thực tế của Olympus chỉ hơn 254 tỷ yên nhưng đã được khai báo hơn 367 tỷ yên.

Trước đó, tháng 12-2011, trụ sở của Olympus đã bị khám xét phục vụ cho việc điều tra. Hãng truyền hình Nhật Bản NHK dẫn nguồn tin điều tra ban đầu cho hay, 2 ông Mori và Yamada bước đầu đã thừa nhận dính líu đến vụ làm giả báo cáo và ông Kikukawa cũng biết việc làm này.

Theo Reuters, cơ quan điều tra cho biết họ nghi ngờ các tổ chức tội phạm (yakuza) có liên quan tới vụ gian lận tài chính này.

Mặt trái trong quản lý doanh nghiệp

Theo hãng tin Jiji của Nhật Bản, những vụ bê bối trong làm ăn của Olympus thực ra đã xuất hiện từ những năm 1990. Khi được thăng chức lên vị trí quản lý cấp cao giải quyết các vấn đề về tài chính năm 1991, Kikukawa đã “thừa kế” kế hoạch khai gian tài chính từ người tiền nhiệm. Cấp dưới của ông Kikukawa thời điểm đó đã mô tả ông là người tích cực tiếp xúc với các doanh nghiệp và các phi vụ mua bán.

Một cựu giám đốc điều hành (CEO) của Olympus thời điểm đó phản đối việc gian dối tài chính đã bị buộc phải từ chức. Mọi việc chỉ được đưa ra ánh sáng sau khi công ty sản xuất máy ảnh và dụng cụ y tế nổi tiếng Nhật Bản thừa nhận việc kê khai gian lận hồi đầu tháng 11 năm ngoái. Người vạch trần sự gian dối của Olympus là ông Michael Woodford, một CEO người nước ngoài hiếm hoi tại Olympus.

Ông Woodford đã bị ban lãnh đạo của Olympus cách chức hồi tháng 10-2011 sau khi đưa ra thắc mắc về những hợp đồng sáp nhập và mua lại không rõ ràng của công ty. Sau khi nghỉ việc, ông Michael Woodford đã thông qua truyền thông quốc tế tấn công các ông chủ cũ của mình, tố cáo các sai trái trong các hợp đồng làm ăn tại Olympus.

Một ủy ban điều tra của Olympus được lập ra trước đây cho biết vụ việc bị bưng bít lâu như vậy là do ban lãnh đạo của Olympus trong một thời gian dài luôn tạo ra “bầu không khí làm việc không khuyến khích đưa ra các ý kiến trái chiều”. Ngoài ra, các tổ chức tài chính như công ty bảo hiểm và ngân hàng đều có cổ đông trong Olympus nên các bên đã tạo thành mạng lưới bảo vệ Olympus vô cùng vững chắc.

Theo AFP, câu chuyện về Olympus cũng cho thấy mặt trái trong quản trị doanh nghiệp ở Nhật Bản. Đó là các tổ chức tài chính thường có mối quan hệ mật thiết với các hội đồng quản trị của các công ty và thường là cổ đông trong các doanh nghiệp. Điều này đã tạo thành mạng lưới liên kết vì lợi nhuận, một bức tường chắn vững chắc, che đậy cho những sai trái của doanh nghiệp. Điều này cũng được thấy rõ khi các cổ đông cuối tháng trước đã yêu cầu công ty bồi thường 2,9 triệu USD khi giá trị cổ phiếu bị giảm do scandal. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm và ngân hàng quan hệ với Olympus đã từ chối yêu cầu này.

Chủ tịch đương nhiệm của Olympus Shuichi Takayama cam kết Olympus sẽ thay đổi trong thời gian tới. Bước đi đầu tiên là bầu ra ban quản trị mới trong cuộc họp cổ đông vào tháng 4 với kỳ vọng sẽ thúc đẩy công ty phát triển. Ông Takayama cùng 5 nhân vật khác của hội đồng quản trị Olympus dự kiến sẽ từ chức trong cuộc họp lần này do đang bị kiện làm ngơ vụ gian lận. Tuyên bố của ông Takayama được đưa ra sau khi Olympus vừa báo cáo sẽ lỗ 32 tỷ yên trong năm tài khóa 2012 do vụ scandal khai gian tài chính.

Đỗ Văn (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục