Thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran

Nội dung chính của thỏa thuận
Thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran

Rạng sáng 24-11, Iran và nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc) đã đạt được thỏa thuận bước đầu về chương trình hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Iran. Đây được xem là bước đột phá đầu tiên sau một thập niên nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (bên trái) và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius vui mừng sau khi đạt được thỏa thuận.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (bên trái) và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius vui mừng sau khi đạt được thỏa thuận.

Nội dung chính của thỏa thuận

Phía Iran nhất trí ngừng toàn bộ hoạt động làm giàu urani trên 5% và tháo dỡ những kết nối về kỹ thuật cho phép hoạt động làm giàu ở mức trên 5%. Cam kết vô hiệu hóa kho urani được làm giàu lên cấp độ gần 20% bằng việc làm giảm mức độ này xuống. Không lắp đặt các máy ly tâm làm giàu urani mới, không xây dựng cơ sở có khả năng tái chế và ngừng tiến trình chạy thử một lò phản ứng tại cơ sở Arak. Cho phép các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới thanh sát cơ sở hàng ngày và chuyển thông tin về bản thiết kế của lò phản ứng Arak.

Đổi lại, nhóm P5+1 sẽ “áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế, tạm thời, có mục đích và có thể đảo ngược” có tổng trị giá khoảng 7 tỷ USD. Các cường quốc thế giới sẽ không áp đặt bất cứ biện pháp trừng phạt mới liên quan tới hạt nhân trong 6 tháng nếu Iran giữ được cam kết đến khi kết thúc thỏa thuận; tạm dừng một số biện pháp trừng phạt đối với vàng và kim loại quý, lĩnh vực ô tô của Iran và việc xuất khẩu chất hóa dầu của Tehran, tạo cơ hội để Iran thu về khoảng 1,5 tỷ USD; cho phép duy tu và kiểm tra an toàn đối với các hãng hàng không Iran hoạt động trong nước này. Trong 6 tháng tới, sẽ chuyển cho Iran khoảng 4,2 tỷ USD đang bị phong tỏa do các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Tehran. Hầu hết các biện pháp trừng phạt thương mại - tài chính của Mỹ cũng như toàn bộ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ vẫn có hiệu lực.

Chương trình hạt nhân được công nhận

Lâu nay, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích hòa bình và Tehran không có ý định chế tạo các loại vũ khí hạt nhân như phương Tây quan ngại. Ngày 24-11, trả lời kênh Press TV, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng thỏa thuận đạt được với nhóm P5+1 đã thừa nhận chương trình hạt nhân của Tehran và nằm trong bước cuối tiến tới việc dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng thỏa thuận này sẽ “mở ra các chân trời mới”.

Các nước trong nhóm P5+1 cũng đã có những phản ứng tích cực. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định “ai cũng có lợi” trong việc đạt được thỏa thuận lịch sử. Nội dung cơ bản của thỏa thuận phù hợp với quan điểm về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó nêu rõ “cần thừa nhận quyền phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình của Iran, trong đó quyền làm giàu urani”. Trung Quốc hoan nghênh thỏa thuận, nhấn mạnh rằng thỏa thuận này sẽ “giúp bảo vệ hòa bình và ổn định ở Trung Đông”.

Tại Mỹ, Tổng thống Barack Oabma đánh giá đây là “bước đi đầu tiên quan trọng” hướng tới một thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt sự đối đầu nguy hiểm xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran. Ông Obama cam kết không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, tuy thừa nhận vẫn tồn tại “những thách thức lớn” trước thềm các cuộc đàm phán để đi đến một thỏa thuận toàn diện. Cùng ngày, văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo nước này coi thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 là “tồi tệ”. Phía Israel tuyên bố không bị ràng buộc bởi thỏa thuận nói trên và vẫn có quyền phòng vệ.

Cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân ban đầu dự kiến diễn ra từ 20 đến 22-11 song đã phải kéo dài sang ngày thứ 5 do những bất đồng xung quanh việc ngừng hoặc hạn chế một phần chương trình hạt nhân của Iran. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và ngoại trưởng một số nước trong nhóm P5+1 đã bay sang Thụy Sĩ để tham gia với các trưởng đoàn đàm phán các bên khai thông bế tắc.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục