Thái Lan: Thủ tướng bác tối hậu thư của phe đối lập

Tối hậu thư 48 giờ
Thái Lan: Thủ tướng bác tối hậu thư của phe đối lập

Ngày 2-12, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã bác đề nghị của những người biểu tình phe đối lập đang muốn phế truất chính phủ để thay thế bằng một “Hội đồng Nhân dân”.

Người biểu tình tại thủ đô Bangkok, Thái Lan

Người biểu tình tại thủ đô Bangkok, Thái Lan

Tối hậu thư 48 giờ

Trước đó, phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Yingluck vào ngày 1-12, thủ lĩnh lực lượng đối lập Suthep Thaugsuban ra tối hậu thư yêu cầu bà Yingluck phải “trao trả quyền lực cho nhân dân” trong 48 giờ và giải tán Hạ viện. Ông Suthep Thaugsuban khẳng định cuộc gặp duy nhất và cuối cùng này không phải là một cuộc đàm phán. Phe đối lập cũng từ chối thương lượng thêm.

Theo Tân Hoa xã, cuộc gặp trên có sự hiện diện của tất cả các tướng lĩnh cấp cao quân đội Thái Lan, trong đó có Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha. Đây cũng là lần đầu tiên giới chức quân đội hiện diện trong cuộc xung đột chính trị đã kéo dài hơn một tuần qua tại quốc gia Đông Nam Á này. Mục đích của ông Suthep Thaugsuban trong khi phát động các cuộc biểu tình là khiến các hoạt động từ trung ương đến các bộ, ngành của Thái Lan bị tê liệt hoàn toàn để thể hiện cái mà ông ta gọi là sự yếu kém của chính phủ.

Hiện cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cùng với các thủ lĩnh cấp cao của đảng Dân chủ còn thành lập một nhóm mới có tên gọi là Ủy ban nhân dân vì sự thay đổi của Thái Lan với 37 thành viên, trong đó ông Suthep Thaugsuban được bầu làm Tổng thư ký.

Cùng ngày, Tòa án Hình sự Thái Lan đã phát lệnh bắt giữ đối với ông Suthep Thaugsuban vì các cáo buộc nổi loạn, có những hành động vi hiến và kích động mọi người bao vây nhiều tòa nhà chính phủ. Đây là lệnh bắt giữ thứ 2 được đưa ra đối với ông Suthep Thaugsuban. Hồi tuần trước, ông Suthep Thaugsuban cũng bị truy nã vì tội tổ chức chiếm giữ các khuôn viên của Bộ Tài chính và Vụ Ngân sách.

Theo Bangkok Post, bà Yingluck đã cho biết bà sẵn sàng từ chức hoặc giải tán Quốc hội để lập lại trật tự, đem lại bình yên cho đất nước. Nhưng các biện pháp đó phải hợp hiến. Đề nghị của ông Suthep Thaugsuban về việc lập một “Hội đồng Nhân dân” thay thế chính phủ là không phù hợp với Hiến pháp hiện hành. Chính phủ luôn để ngỏ cửa cho mọi cuộc đối thoại vào bất kỳ thời điểm nào.

Đây là lần đầu tiên bà Yingluck công khai lên tiếng kể từ khi các cuộc biểu tình ôn hòa chuyển sang bạo lực từ hơn một tuần trước. Theo hãng tin AFP, những người biểu tình vẫn tiếp tục tìm cách xông vào các cơ quan chính phủ, ném gậy gộc, gạch đá và chai thủy tinh vào lực lượng an ninh đang cắm chốt bảo vệ tại đây, khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán. Các trường học ở thủ đô Bangkok đã được lệnh đóng cửa vì lý do an ninh.

Liên hiệp quốc cũng đã đóng cửa trụ sở của mình tại đây để đảm bảo an toàn cho nhân viên. Phát ngôn viên cảnh sát Piya Utayo cho hay lực lượng an ninh sẽ được triển khai để giành lại các địa điểm bị người biểu tình chiếm giữ trong tuần qua.

Nhiều luồng ý kiến

Giới phân tích nhận xét những người biểu tình càng hung hăng hơn sau thất bại của đảng Dân chủ đối lập trong kế hoạch lật đổ Thủ tướng Yingluck bằng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Đảng Dân chủ đã tính đến nước cờ đẩy những người nhà Shinawatra ra khỏi Thái Lan để có thể nắm quyền điều hành đất nước. Điều này cũng đã được chính các thủ lĩnh cấp cao của đảng Dân chủ thừa nhận trong các cuộc nói chuyện, tiếp xúc với những người biểu tình chống chính phủ trên đường phố thủ đô Bangkok.

Nhìn vào Thái Lan trong những ngày qua đều không khó để nhận thấy đất nước này bị chia rẽ từ 2 luồng dư luận: một ủng hộ chính phủ và một ủng hộ lật đổ chính phủ. Báo chí Thái Lan cũng rơi vào tình trạng tương tự khi có không ít những bài bình luận trên các trang báo cho rằng Thủ tướng Yingluck nên giải tán Hạ viện sớm để tránh các hậu quả nặng nề cho đất nước.

Theo báo Nation, những thông tin trung lập hiện nay lại xuất hiện trên các trang mạng xã hội ở Thái Lan. Những trang mạng này yêu cầu người Thái nên bình tĩnh, suy xét mọi khía cạnh và đừng để đất nước rơi vào cảnh đổ máu. Hình ảnh đại diện trên rất nhiều trang mạng xã hội tại Thái Lan là biểu tượng hòa bình và lá quốc kỳ đi cùng với dòng chữ “Mang lại hòa bình cho Thái Lan. Cầu nguyện cho Thái Lan”.

Những chủ nhân của các trang mạng có trách nhiệm với cộng đồng khuyên các công dân mạng nên cảnh giác với những thông tin gây kích động trên các mạng xã hội cũng như những hình ảnh nhằm xuyên tạc, gây thù hằn giữa những người biểu tình từ hai phe.

THANH HẰNG (tổng hợp)

- Phe đối lập ra tối hậu thư với Chính phủ Thái Lan

Tin cùng chuyên mục