Quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống

Cuộc lật đổ được báo trước
Quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống

Rạng sáng 4-7 (giờ Việt Nam), vài ngày sau khi Tổng thống Morsi kỷ niệm 1 năm cầm quyền, quân đội Ai Cập đã lật đổ ông với lý do người đứng đầu đất nước không hoàn thành mục tiêu của nhân dân và không đáp ứng yêu cầu của các tướng lĩnh đòi ông chia sẻ quyền lực với lực lượng đối lập.

Người dân ủng hộ phe đối lập vui mừng sau khi ông Morsi bị lật đổ.

Người dân ủng hộ phe đối lập vui mừng sau khi ông Morsi bị lật đổ.

Cuộc lật đổ được báo trước

Theo Reuters, cùng ngày, người đứng đầu Tòa án Hiến pháp tối cao Adli Mansour, 67 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Ai Cập cho đến khi nước này tiến hành cuộc bầu cử tổng thống mới. Trước đó, quân đội Ai Cập đã cam kết với Chính phủ Mỹ sẽ không nắm giữ quyền lực mà sớm thành lập một chính phủ kỹ trị để điều hành đất nước tạm thời. Ngay sau khi ông Morsi bị lật đổ, quân đội Ai Cập đã mở một cuộc họp để tham vấn thành lập một chính phủ mới.

Tướng Abdel-Fattah al-Sisi công bố lộ trình cho giai đoạn chuyển tiếp sau khi Tổng thống Morsi bị phế truất. Theo đó, dự thảo Hiến pháp do phe Hồi giáo soạn thảo sẽ bị đình chỉ và các cuộc bầu cử sẽ sớm được tổ chức.

Hãng tin Reuters cho biết, Tổng thống bị phế truất Morsi đã bị cô lập khỏi các phụ tá cấp cao và đã được đưa đến trụ sở Bộ Quốc phòng. Ông Morsi đã từ chối đề nghị rời đất nước này để đến Yemen, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác. Cảnh sát Ai Cập còn ra lệnh bắt giữ 300 thủ lĩnh và phát lệnh truy nã với một số nhân vật khác của phong trào Anh em Hồi giáo - lực lượng ủng hộ ông Morsi. Phong trào Anh em Hồi giáo ra tuyên bố mô tả việc quân đội phế truất Tổng thống Morsi là hành động “phản bội lại cuộc cách mạng và hàng triệu người dân Ai Cập tin vào dân chủ”.

Kể từ khi có thông báo của Tướng Sisi, các cuộc đụng độ đã bùng phát tại Cairo và một số khu vực phía Bắc Ai Cập, làm ít nhất 18 người thiệt mạng và hơn 340 người bị thương. Ai Cập đang bị chia rẽ bởi 2 luồng dư luận, một bên ủng hộ quyết định của quân đội, một bên ủng hộ Tổng thống Morsi đang bày tỏ sự bất bình. Đối với các nhà phân tích chính trị, việc Tổng thống Morsi từ chối thoái quyền đã được dự đoán trước.

Ông Michael Dunne, Giám đốc Trung tâm Rafik Hariri về Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định: “Ngay khi phe quân sự đưa ra tối hậu thư với thời hạn có 48 giờ, nó giống như việc truyền đi thông điệp rằng chính phủ của ông Morsi đã kết thúc”.

Tổng thống lâm thời Adli Mansour tuyên thệ nhậm chức.

Tổng thống lâm thời Adli Mansour tuyên thệ nhậm chức.

Quốc tế vừa lo, vừa mừng

Trước những biến chuyển nhanh chóng tại Ai Cập, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại, kêu gọi sự bình tĩnh và kiềm chế tại Ai Cập. Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo yêu cầu cho các nhân viên không thiết yếu của Chính phủ Mỹ và thành viên gia đình họ rời khỏi Ai Cập do những bất ổn về chính trị và xã hội.

Tổng thống Mỹ Obama cũng yêu cầu xem xét lại viện trợ quốc tế của Mỹ cho Ai Cập, mà theo luật pháp Mỹ là sẽ bị đình chỉ trong trường hợp một nhà lãnh đạo dân cử bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự. Thế nhưng, dư luận đang đặt câu hỏi Mỹ sẽ phản ứng thế nào khi quân đội Ai cập là đồng minh thân cận của Washington và việc ông Morsi bị lật đổ thật ra là điều Washington mừng hơn lo.

Trong khi đó, bà Catherine Ashton, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, đã lên án tình trạng đổ máu tại Ai Cập và kêu gọi nhanh chóng khôi phục nền dân chủ. Bộ Ngoại giao Anh đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về những diễn biến mới nhất tại Ai Cập. Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết: “Anh không ủng hộ sự can thiệp của quân đội là cách thức để giải quyết các tranh cãi trong một hệ thống dân chủ”.

Trong khi Mỹ và các nước Tây Âu bày tỏ lo ngại về tình hình tại Ai Cập, lãnh đạo nhiều quốc gia Ảrập và vùng Vịnh đã lên tiếng ủng hộ việc lật đổ ông Morsi. Quốc vương Saudi Arabia Abdullah đã gửi một thông điệp chúc mừng tới người đứng đầu Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập, ông Adli Mansour, sau khi ông được chọn làm Tổng thống lâm thời của Ai Cập. Các quốc gia vùng Vịnh khác cũng ủng hộ hành động của quân đội Ai Cập. Riêng Qatar, quốc gia vùng Vịnh duy nhất công khai ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo, chưa có bình luận nào.

Ai Cập từ khi bùng nổ Mùa xuân Ảrập

- Ngày 11-2-2011: Dưới sức ép của lực lượng biểu tình, Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức sau 30 năm cầm quyền.

- Ngày 24-6-2012: Ông Muhammad Morsi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên thời hậu Mubarak với tỷ lệ 51%. 

- Tháng 11-2012: Ông Morsi công bố bản dự thảo hiến pháp nhằm thâu tóm toàn bộ quyền tư pháp đã khiến Ai Cập bị phân hóa, gây làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dân chúng.

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2012 - 2013 (từ tháng 7-2012 đến tháng 6-2013) chỉ đạt 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên 7% trước thời điểm xảy ra làn sóng biểu tình lật đổ Hosni Mubarack. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng 13%. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ của Ai Cập hiện chỉ còn chưa tới một nửa so với thời điểm đầu năm 2011. Đồng nội tệ cũng đã mất giá hơn 10% từ cuối năm ngoái. Tình trạng cắt điện, thiếu hụt nhiên liệu và khí đốt diễn ra thường xuyên do chính phủ không còn đủ tiền để nhập khẩu. Theo một báo cáo của Trung tâm Phát triển Quốc tế (IDC), tổng cộng đã có 9.427 cuộc biểu tình lớn, nhỏ nổ ra tại Ai Cập từ ngày 1-7-2012 đến 20-6-2013.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục