Ai Cập chìm trong làn sóng bạo lực mới

Thế giới cùng lên tiếng phản đối
Ai Cập chìm trong làn sóng bạo lực mới

* Trấn áp biểu tình: Hơn 500 người chết

* Thế giới lên án dùng vũ lực

Hơn 40 ngày qua, kể khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamaed Morsi, Mỹ vẫn không xem đó là cuộc đảo chính và vẫn  tiếp tục viện trợ quân sự. Thế nhưng với vụ trấn áp người biểu tình ngày 14-8 làm hơn 500 người chết, Washington đang đứng trước áp lực phải xem lại quan hệ với giới quân đội Ai Cập.

Thế giới cùng lên tiếng phản đối

Theo AFP, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc quân đội Ai Cập trấn áp người biểu tình khi mà chỉ trong một ngày (14-8) họ tấn công vào trại của người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. Theo Bộ Y tế Ai Cập, ít nhất 525 người bị thiệt mạng, trong đó có 43 cảnh sát. Còn theo Tổ chức Anh em Hồi giáo, có 2.200 người chết và hơn 10.000 người bị thương. Theo Washington Post, có 3 nhà báo thiệt mạng, trong đó có nhà báo của Đài truyền hình Anh Sky News, ông Mick Deane, 61 tuổi và 1 phóng viên tờ báo có trụ sở ở Dubai. Một số nhà báo khác bị thương. Ông Deane cùng nhiều người khác là nạn nhân của các vụ bắn tỉa do quân đội Ai Cập chủ trương. 

Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, ông lên án việc sử dụng bạo lực để giải tán biểu tình và kêu gọi lực lượng an ninh kiềm chế. Người phụ trách đối ngoại EU  Baroness Ashton ra tuyên bố cho rằng “đối đầu và bạo lực không phải là cách để giải quyết các vấn đề chính trị mấu chốt”. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon lên án bạo lực và thúc giục nỗ lực hòa giải toàn diện. Pháp và Đức kêu gọi đối thoại. Thổ Nhĩ Kỳ, nước ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo, lên án mạnh mẽ nhất và thúc giục HĐBA LHQ, Liên đoàn Ảrập nhanh chóng hành động để ngăn chặn “nạn diệt chủng”. Iran cảnh báo về nguy cơ nội chiến ở Ai Cập. Anh, Pháp và Đức cũng đã triệu tập đại sứ của Ai Cập tại các nước này để bày tỏ quan ngại.

Có vẻ bất ổn ngày càng tăng khi giới quân sự cầm quyền Ai Cập áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài trong 1 tháng. Phó Tổng thống Mohamed ElBaradei cũng đã từ chức, rút khỏi chính phủ lâm thời được quân đội ủng hộ. Hiện chưa rõ bước đi sắp tới của lực lượng ôn hòa (lực lượng thứ ba) do ông ElBaradei đứng đầu sẽ như thế nào.

Trong khi đó, trên các đường phố Ai Cập, nhiều lực lượng ủng hộ quân đội đã tham gia vào việc chặn xe, kiểm soát giấy tờ. Phía các lực lượng Hồi giáo tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình. Liên minh quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) đã kêu gọi toàn dân Ai Cập xuống đường để “ngăn chặn diệt chủng” sau khi cảnh sát tràn vào 2 trại biểu tình ngồi của NASL ở Cairo. NASL do tổ chức Anh em Hồi giáo đứng đầu, yêu cầu khôi phục chức vụ tổng thống cho ông Morsi.

Tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết một cuộc xuống đường rầm rộ đã được lên kế hoạch từ các thánh đường Hồi giáo ở thủ đô Cairo để phản đối cái chết của người thân trong các cuộc biểu tình. Ít nhất bốn nhà thờ Thiên Chúa giáo bị đốt phá khi cảnh sát giải tán các cuộc biểu tình. Các nhà hoạt động Thiên Chúa giáo cáo buộc những người trung thành với ông Morsi tiến hành cuộc thánh chiến ở Ai Cập.

Cairo thực sự trở thành chiến trường.

Cairo thực sự trở thành chiến trường.

Mỹ chưa ngưng viện trợ Ai Cập

Phản ứng trước diễn tiến tại Ai Cập, theo CNN, ngày 15-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố hủy cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Ai Cập, đồng thời kêu gọi Chính phủ quân sự Ai Cập dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Ngoại trưởng John Kerry “cực lực lên án” bạo lực chống lại người biểu tình và phản đối việc áp đặt tình trạng khẩn cấp.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng: “Bạo lực chỉ gây khó cho Ai Cập trên con đường tiến đến ổn định và dân chủ, đi ngược lại cam kết của chính phủ lâm thời về việc theo đuổi hòa hợp dân tộc”.

Giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế trường Đại học George Washington Marc Lynch nhận xét trên tờ Foreign Policy rằng: “Đã đến lúc  Washington ngừng giả vờ. Nỗ lực của họ duy trì mạng lưới thông tin liên lạc với quân đội Ai Cập, lặng lẽ hòa giải cuộc khủng hoảng và giúp đặt nền móng cho một số quá trình chính trị, dân chủ mới đã hoàn toàn thất bại. Chế độ quân sự mới của Ai Cập và phần lớn người dân Ai Cập cho thấy rằng họ chỉ muốn Mỹ để tự họ giải quyết vấn đề”.

Trước đó, Washington tuyên bố ngừng chuyển giao 4 máy bay chiến đấu F-16 cho quốc gia Bắc Phi này. Vấn đề quan trọng là Washington vẫn chưa xem cuộc lật đổ Tổng thống Morsi là đảo chính nên đương nhiên khoản viện trợ quân sự hàng năm trị giá 1,3 tỷ USD dành cho Ai Cập vẫn còn giá trị.

Có lẽ Washington cũng chỉ đang đứng ở mức “đe dọa” với giới quân đội Ai Cập, tiếp tục nuôi hy vọng gây ảnh hưởng với giới quân sự Ai Cập như họ đã từng có suốt thời gian Tổng thống Hosni Mubarak cầm quyền  hơn là để các lực lượng Hồi giáo cực đoan lên cầm quyền ở Ai Cập.

Theo CNN, Ai Cập là một trong hai nước Ảrập ký kết hiệp ước hòa bình với Israel nên Mỹ muốn duy trì đồng minh để giữ cân bằng quyền lực. Mặt khác, Ai Cập sở hữu kênh đào Suez.  4% lượng dầu thế giới và 8% tổng lượng thương mại toàn cầu vận chuyển qua kênh đào này. Nếu ngừng viện trợ quân sự, các công ty Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa kể sẽ gây mất an ninh cho các tàu quân sự của Mỹ qua lại kênh đào này. Hơn nữa, lực lượng quân đội Ai Cập phụ thuộc vào thiết bị quân sự và đào tạo của Mỹ. Sự phụ thuộc này có nghĩa là Ai Cập về cơ bản là một khách hàng lớn của giới quân sự Mỹ và tiền viện trợ quân sự cũng là cách mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục