Nhiệm vụ dập dịch Ebola khó hoàn thành

Sputnik ngày 29-11 đưa tin, theo thống kê mới công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca tử vong do virus Ebola tại 3 nước Tây Phi Guinea, Liberia và Sierra Leone đã tăng lên 6.928 người trong tổng số hơn 16.000 người nhiễm bệnh. Con số này cho thấy mục tiêu dập dịch Ebola đến ngày 1-12 của Liên hiệp quốc (LHQ) là rất khó hoàn thành.
Nhiệm vụ dập dịch Ebola khó hoàn thành

Sputnik ngày 29-11 đưa tin, theo thống kê mới công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca tử vong do virus Ebola tại 3 nước Tây Phi Guinea, Liberia và Sierra Leone đã tăng lên 6.928 người trong tổng số hơn 16.000 người nhiễm bệnh. Con số này cho thấy mục tiêu dập dịch Ebola đến ngày 1-12 của Liên hiệp quốc (LHQ) là rất khó hoàn thành.

WHO cần cải tổ

Số ca tử vong vẫn tập trung nhiều nhất ở Liberia với 4.181 người chết, Guinea là 1.284 người, ở Sierra Leone là 1.463 người. Ông Anthony Banbury, Trưởng Phái đoàn chống dịch Ebola của LHQ (UNMEER) cho biết, mặc dù đã có một số tiến triển ở một vài khu vực Tây Phi, nhưng những thất bại trong việc đẩy lùi dịch ở các khu vực khác đã khiến sứ mệnh của LHQ không thể đạt được mục tiêu đề ra.

Vào tháng 9, UNMEER cho biết, họ hy vọng tới đầu tháng 10 sẽ có 70% bệnh nhân Ebola được chữa trị, 70% nạn nhân tử vong được chôn cất an toàn. Nhưng thực tế, theo báo cáo của UNMEER, chỉ có 13% bệnh nhân nhiễm Ebola được cách ly điều trị tại Sierra Leone.

Nhân viên y tế làm việc tại vùng dịch Ebola ở Tây Phi.

Tình hình dịch bệnh Ebola với tỷ lệ tử vong cao khiến WHO hứng chịu không ít chỉ trích. Cựu Thủ tướng Australia, Kevin Rudd - người đã dành 2 năm nghiên cứu về tính hoạt động hiệu quả của LHQ và các cơ quan liên quan cho rằng WHO cần tiến hành cải cách để phòng ngừa việc xảy ra cuộc khủng hoảng vì Ebola như vừa qua. Văn phòng WHO tại châu Phi đã xem nhẹ nguy cơ lây lan Ebola và dẫn tới việc Ebola trở thành đại dịch khó kiểm soát. Ông Rudd cho rằng, WHO đã vướng phải một lỗi hệ thống trong việc chia sẻ thông tin giữa các văn phòng.

Nạn đói đe dọa

Trong lúc dịch Ebola ở Tây Phi vẫn đang ở mức đáng báo động thì các chuyên gia dự báo một đại dịch khác có thể sẽ bùng nổ tiếp theo: đó là nạn đói. Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới (WB), kể từ khi cuộc khủng hoảng Ebola bắt đầu, gần một nửa dân số Liberia không còn việc làm. Trong khi đó ở Sierra Leone, sức tiêu dùng sụt giảm tới 20%, còn mức này tại Liberia là hơn 25%. Các khu chợ, trung tâm thương mại phải đóng cửa, khiến nhiều người mất việc làm và nguồn cung ứng lương thực cũng bị cắt đứt.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng có cảnh báo tương tự khi cho rằng hàng triệu người ở các quốc gia vùng dịch Ebola đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực gây ảnh hưởng tới an sinh xã hội. WFP cho biết, tình trạng thiếu lương thực tại các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone đang diễn ra ở các cấp độ khác nhau. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola, chính quyền các nước đã tiến hành phân vùng cách ly nhiều khu vực cộng đồng. Dịch Ebola tấn công vào thời điểm trồng trọt và thu hoạch mùa vụ khiến nông dân không thể canh tác và chăn nuôi gia súc. Kể từ tháng 4 tới nay, WFP đã phải phân phát hơn 9.000 tấn lương thực cho người dân ở các nước Tây Phi nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Cơ quan này đang khẩn cấp huy động các nhóm công tác đưa thực phẩm vào các khu vực bị cách ly để ngăn nạn đói và tử vong hàng loạt.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB), dịch Ebola tồi tệ nhất lịch sử khiến nền kinh tế khu vực Tây Phi chịu tổn thất lớn. Do đầu tư nước ngoài bị thu hồi, dự án thương mại và các dự án khác bị hủy bỏ, các chuyến bay không còn hạ cánh, ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ sụt giảm khoảng 1,5% ở mỗi nước Tây Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục