Bài học mới về hợp tác làm phim quốc tế

Bộ phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long” - sản phẩm hợp tác giữa Công ty Trường Thành với Trung Quốc, trong thời gian qua, đã gây khá nhiều xôn xao trong dư luận và thu hút sự chú ý đặc biệt của không ít công chúng. Tâm điểm của vấn đề nằm ở chỗ, bộ phim đã thể hiện sai lạc một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam, do bóp méo các sự kiện lịch sử cũng như hình ảnh các nhân vật lịch sử chủ chốt mà bộ phim đề cập.

Việc hợp tác làm phim giữa các quốc gia là hoạt động bình thường lâu nay. Điện ảnh nước ta đã từng hợp tác với điện ảnh Liên Xô, Trung Quốc, Algeria, Mỹ, Pháp, Hồng Công (Trung Quốc)... cùng sản xuất thành công nhiều bộ phim truyện và tài liệu. Ngay với phim nghệ thuật, khi miêu tả thực tại xã hội cũng như khắc họa tinh tế tâm lý nhân vật, mặc dù vốn có điều kiện rộng đường hư cấu, các nghệ sĩ chân chính vẫn không rời bỏ những nét đặc trưng cùng những dấu ấn riêng của nơi xuất xứ câu chuyện phim.

Còn với phim lịch sử - nhất là phim lịch sử được xây dựng trên cơ sở chính sử, sự kiện và nhân vật luôn là hai nhân tố trọng tâm xác lập giá trị lịch sử cùng giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật được phản ánh cũng như được biểu hiện. Đối với người xem - nhất là người xem trẻ, phim lịch sử không khác gì bộ sách giáo khoa bằng hình ảnh. Do đó, trong trường hợp này, tuyệt đối không được phép coi nhẹ tính xác thực lịch sử - cho dù trong quá trình chế tác, thành tố hư cấu có khoảng rộng tới mức độ nào đi nữa.

Kịch bản “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” đã phạm sai sót nghiêm trọng khi trình bày lệch lạc tinh thần cùng sự kiện lịch sử được đề cập. Bộ phim đã làm sai lệch hình ảnh chiến đấu oanh liệt một mất một còn vì độc lập tự chủ của dân tộc Việt trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược, bằng cách bỏ qua hàng loạt chứng cứ lịch sử tiêu biểu và chỉ tập trung vào một trận đánh không rõ địa danh, trong lúc đó lại tập trung làm nổi bật những cuộc tranh giành nội bộ, chém giết hỗn mang của các quan triều đình và dòng họ.

Mặt khác, phẩm chất nhân thân, phẩm chất chính trị của các nhân vật trung tâm cũng bị bóp méo vô nguyên tắc, đẩy các nhân vật sang phía bên kia của sự thật lịch sử. Vua Lê Hoàn từ chỗ là một ông vua có công lớn của dân tộc bị xuyên tạc thành một con người ích kỷ, vụ lợi, nhu nhược. Thái hậu Dương Vân Nga bị thêu dệt trái với lịch sử, như một phụ nữ tối trí, yếu đuối và bất lực...

Hình thức thể hiện tác phẩm điện ảnh góp phần trọng yếu làm nên bộ mặt được tái hiện của lịch sử. Tính xác thực của lịch sử, vì thế hiện hình rõ nét ở bối cảnh (bối cảnh xã hội cũng như bối cảnh sinh hoạt), trang phục, các loại đạo cụ... “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” thực tế đã được giao khoán cho các nhà làm phim Trung Quốc chế tác mà thiếu sự phối hợp chủ động, rõ ràng là một sai lầm to lớn.

Người ta đã thực hiện một câu chuyện lịch sử quan trọng của Việt Nam phần lớn trên đất Trung Quốc, do người Trung Quốc giữ các vai trò chế tác chủ chốt, sử dụng đông đảo diễn viên quần chúng tại chỗ, dùng lại hàng loạt đạo cụ, binh khí có sẵn của phim trường Hoành Điếm với kiểu dáng, màu sắc đặc trưng thuần Trung Quốc... thì không khí lịch sử, bối cảnh xã hội, môi trường sinh hoạt của câu chuyện phim nhuốm đậm màu sắc Trung Quốc là điều hiển nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên.

Những yếu tố kể trên có mặt trong khắp bộ phim, trở thành những tế bào biểu hiện của một bộ phim đã được hoàn tất, làm sao có thể “gỡ” ra để “chế” lại, trừ phi thực hiện một bộ phim khác!

Rõ ràng là qua sự kiện này, có thể thấy sự thiếu cẩn trọng do thiếu kinh nghiệm và thiếu tầm nhìn trong việc làm phim lịch sử và hợp tác làm phim lịch sử với nước ngoài, đặc biệt trong điều kiện hợp tác ở thế phụ thuộc như đã diễn ra.

Trong điều kiện hiện nay, hợp tác quốc tế làm phim (điện ảnh và truyền hình) là hoạt động hữu ích cần được tăng cường, nhằm tạo cơ hội giao lưu nghiệp vụ, học hỏi kỹ năng để bước mạnh và bước nhanh trên con đường hội nhập toàn cầu.

Tuy nhiên, hơn các lĩnh vực khác, trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, vào thời điểm này, để đạt hiệu quả cao ta phải hội đủ nội lực để thực hiện hợp tác bình đẳng trong tư thế chủ động. Với những phim quan trọng về nội dung, cần phải được quản lý chặt chẽ ngay từ khâu quan trọng đầu tiên là kịch bản, và sau đó là quá trình hợp tác không lơi lỏng trong suốt tiến trình chế tác bộ phim.

Bài học này đáng được ghi nhận cho những dịch vụ hợp tác làm phim quốc tế trong tương lai.

TRẦN LUÂN KIM

Tin cùng chuyên mục