Giảm sốc cho nông hộ

Thời gian qua, khi xảy ra suy thoái kinh tế, nông nghiệp luôn là “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Thế nhưng, do tình trạng suy thoái khá nặng, giá nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh đã tạo ra những “cú sốc” khiến nhiều nông hộ khó vượt qua. Không chỉ thế, thiên tai, dịch bệnh, biến động giá tiêu dùng, mất việc, mất đất… đang là những cú sốc chính gây tổn thương cho sinh kế của nông hộ tại Việt Nam. Vì thế, nếu không đảm bảo được đời sống cho người nông dân, sẽ rất khó đảm bảo được ổn định xã hội, giúp tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), từ năm 2006, 2 năm một lần, Ipsard điều tra tình hình đời sống nông hộ. Đến nay, Ipsard đã điều tra trên 12 tỉnh ở cả 3 miền về đời sống của 3.000 hộ nông dân. Điều tra cho thấy, mức độ thu nhập, chi tiêu và hiệu quả sản xuất nông nghiệp đều khá lên, nhưng không đều nhau. Các tỉnh như Long An, Lâm Đồng khá lên nhưng Lào Cai lại có xu hướng giảm; đặc biệt vấn đề thúc đẩy sản xuất còn chậm, tích tụ ruộng đất rất yếu, trung bình nhiều hộ chỉ có 0,7ha. Trong khi đó, rủi ro tăng cao nên các hộ dân rất khó đầu tư mở rộng sản xuất...

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, động đất, nước biển dâng… với thiệt hại hàng năm do thiên tai là 1,5% GDP, trong đó mùa màng và chăn nuôi là 2 lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất do thiên tai và dịch bệnh. Đây chính là những cú sốc trực tiếp tác động tiêu cực đến thu nhập, của cải, sức khỏe và khiến cho nông hộ dễ tiếp tục lún sâu vào tình trạng đói nghèo. Theo Th.S Trần Thị Thanh Nhàn, Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (CAP), các loại sốc của nông hộ Việt Nam gồm sốc mang tính cá nhân như ốm đau, thất nghiệp, mất đất sản xuất, gánh nặng các khoản đóng góp, khó khăn khi tiếp cận thị trường… và sốc mang tính tập thể như thiên tai, bệnh dịch, biến động giá cả lương thực… Bản chất của những cú sốc khác nhau dẫn đến những khả năng ứng phó khác nhau, tuy nhiên sốc cá nhân thường phổ biến hơn và cũng dễ đối phó hơn với sự hỗ trợ của cộng đồng hoặc thông qua các hợp đồng bảo hiểm.

Thu nhập và của cải là những yếu tố quan trọng có tác động tích cực đến khả năng phục hồi từ các cú sốc của gia đình. Theo đó, số hộ ở mức giàu có tỷ lệ phục hồi sau sốc nhanh và nhiều hơn số hộ ở mức nghèo (55% so với 35%). Ngoài ra, gia đình càng vay mượn nhiều thì càng khó phục hồi sau các cú sốc, điều này cho thấy các gia đình bị mắc nợ sẽ khó khăn hơn trong ứng phó với các cú sốc. Trên bình diện chung, cơ chế ứng phó rủi ro của nông hộ hiệu quả nhất là bảo hiểm chính thức nhưng hiện nay vẫn còn hạn chế về quy mô cũng như các sản phẩm bảo hiểm. Thống kê cho thấy, năm 2012 có 35,2% trên tổng số 2.740 số hộ được điều tra tham gia bảo hiểm y tế nhưng chỉ có 2,7% tham gia bảo hiểm nhân thọ và chỉ chưa đầy 1% tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Chính vì vậy, nhiều gia đình khi gặp rủi ro, đặc biệt là rủi ro do thiên tai thường là “tự bảo hiểm” thông qua bán tài sản, rút các khoản tiết kiệm hoặc vay mượn từ người thân, bạn bè và các tổ chức tín dụng.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ người nghèo như Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình vệ sinh và nước sạch nông thôn… nhằm hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, sản xuất, nhà ở, nước sạch, đào tạo nghề, tín dụng… nhưng vẫn cần hỗ trợ nông hộ nhiều hơn để nâng cao khả năng ứng phó với các cú sốc. Từ đó, các chuyên gia gợi mở, tới đây, nhà nước nên thiết kế chính sách hỗ trợ “3 vòng” để giảm sốc hiệu quả cho nông hộ. Trong đó, vòng trong cùng là tăng hỗ trợ trực tiếp đối với các rủi ro thiên tai, dịch bệnh; phát triển mạng lưới an sinh xã hội nông thôn như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người nghèo. Tiếp đến là vòng giữa gồm phát triển hệ thống cảnh báo thiên tai, nâng cao năng lực thông tin thị trường, phát triển bảo hiểm nông nghiệp cũng như phối hợp với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp hỗ trợ phát triển các quỹ bảo hiểm cộng đồng. Cuối cùng là vòng ngoài hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ nghèo, ít đất, sống ở những địa bàn xung yếu; phát triển cơ sở hạ tầng, đê điều… để các nông hộ chủ động phòng chống thiên tai, thích nghi với biến đổi khí hậu.

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục