Đúng lúc, đúng địa chỉ

Cả tháng nay, truyền thông đã phản ánh nỗi vất vả mua vé tàu xe ngày tết của những người lao động ngoại tỉnh, của các công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất ở các đô thị lớn. Họ đã phải vật vã cả đêm thâu ở bến xe, bến tàu chỉ để chờ mua được một cái vé về tết với người thân. Đối với nhiều người, số tiền bỏ ra mua một tấm vé tết không là điều phải bận tâm, nhưng với những người lao động nghèo, các em sinh viên nông thôn, đó là cả một khoản chi tiêu lớn trong bối cảnh đồng tiền làm ra còn vất vả hiện nay.

Tấm vé tàu xe ngày tết chỉ là một lát cắt nhỏ trong bộn bề mối lo ngày tết của người lao động nghèo. Biết bao hộ gia đình ở nông thôn, ở vùng miền núi, vùng khó khăn đang gắng gượng lo cho một cái tết đã ở rất gần. Năm nay là một năm kinh tế tiếp tục có nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn phá sản và dừng hoạt động, nhiều lao động khó kiếm việc làm hoặc làm việc với mức lương thấp, đời sống của một bộ phận không nhỏ rất khó khăn. Đó là thực tế được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, trước nhân dân. Minh chứng một cách rõ ràng hơn, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu thực trạng đời sống của người lao động, của công nhân hiện nay rất khó khăn.

Mức lương tối thiểu mà người lao động, công nhân đang được hưởng hiện quá thấp, chỉ bảo đảm 60% - 70% đời sống tối thiểu. Đó là chưa kể họ thường xuyên bị tước đoạt về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường thì khẳng định, thu nhập nông dân hiện chỉ khoảng 4 triệu đồng/người/năm so với mức bình quân gần 2.000 USD của cả nước, ở vùng trồng lúa còn thấp hơn. Ở Bắc bộ, một sào đất làm cả vụ chỉ lãi 100.000 - 200.000 đồng, không bằng một ngày công đi làm thuê, khiến nhiều nông dân bỏ ruộng. Nhiều nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Có không ít bà con ngư dân, diêm dân vẫn gian nan bám biển ngay cả khi cái tết đã cận kề để mong có thêm đồng tiền chi tiêu cho ngày tết cổ truyền.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn đó, Đảng, Nhà nước cũng đã thể hiện sự quan tâm tối đa để mong các đối tượng chính sách, người nghèo, bà con vùng dân tộc, người lao động thu nhập thấp có được một cái tết ấm áp. Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng các gia đình chính sách, người có công 2 mức quà tặng 400.000 và 200.000 đồng/người, tổng cộng nhà nước hỗ trợ tiền và quà cho hơn 2,5 triệu người có công, gia đình chính sách với số tiền là 250 tỷ đồng. Ngoài ra, ít nhất đã có 20 tỉnh, thành phố cũng thông báo trích ngân sách của địa phương để lo cho người có công với tổng số tiền là 500 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến thời điểm này, Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 12.322 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho 9 địa phương trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2014. Theo yêu cầu của Thủ tướng, trường hợp tiếp tục khó khăn, các địa phương báo cáo để đề xuất trình Thủ tướng hỗ trợ, bảo đảm không để dân bị đói trong dịp Tết Nguyên đán 2014.

Bên cạnh chính sách chăm lo tết của Đảng, Nhà nước, trong thời gian qua, hàng trăm tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân... với tất cả tình cảm, trách nhiệm của mình dành cho đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em khó khăn... đã có hàng trăm hoạt động thiện nguyện chăm lo tết. Đơn cử như Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã kêu gọi các tấm lòng nhân đạo trong cả nước hỗ trợ chương trình chăm lo tết cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam. Đến thời điểm này, thông qua Hội Chữ thập đỏ đã có hơn 3.000 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 700.000 phần quà tết trị giá 197 tỷ đồng. Mục tiêu của chương trình là vận động được 1 triệu phần quà cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng tổ chức vận động để tặng quà tết cho trẻ em vùng tuyết rơi, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo. Và không chỉ các tổ chức, doanh nghiệp, rất nhiều cá nhân là ca sĩ, nhà văn, nhà báo... với tấm lòng thiện nguyện của mình cũng nỗ lực hết sức để vận động xã hội cùng chăm lo tết cho đồng bào nghèo vùng thiên tai...

Dù trong điều kiện khó khăn như hiện nay nhưng Đảng, Nhà nước vẫn quyết tâm bảo đảm không để nhân dân bị đói trong dịp tết. Trong lúc phải tính toán chi tiêu từ nguồn ngân sách, các địa phương cũng thể hiện trách nhiệm chăm lo tết cho các đối tượng người có công, người nghèo. Chính phủ tuy không có chính sách hỗ trợ tiền cho các hộ nghèo đón tết nhưng đã có 20 tỉnh, thành trên cả nước thông báo sẽ trích ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của xã hội hóa để hỗ trợ cho người nghèo với mức trung bình là 200.000 - 300.000 đồng/hộ. Các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, cá nhân hảo tâm cũng đang tăng tốc để chăm lo tết cho đồng bào nghèo. Tinh thần chung là mọi người dân được đón tết ấm áp dù phải tiết kiệm. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc từ nhiều ngày qua, cái tết đã cận kề, điều quan trọng hiện nay là việc triển khai quà tết tới các đối tượng thụ hưởng ở thôn, xã phường phải kịp thời, chuẩn xác, tránh tình trạng quà tết không đến được đúng lúc, đúng địa chỉ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, điều này càng trở nên đặc biệt ý nghĩa hơn với những “miếng” quà tết, vì đó không phải chỉ là sự cứu đói, hỗ trợ thông thường, đó là nghĩa tình đồng bào cao cả trong dịp tết cổ truyền của dân tộc. Vì thế, đòi hòi hơn lúc nào hết, việc cấp phát, chuyển giao quà tết cho người có công, người nghèo phải được chính quyền, đoàn thể ở cơ sở thực thi với trách nhiệm cao nhất.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục