Chủ động trước vấn nạn hàng lậu

Năm hết, tết cận kề là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao đã khiến cho tình hình buôn lậu hàng hóa qua biên giới trở nên căng thẳng và phức tạp nhất. Nếu như ở khu biên giới Tây Nam, chủ yếu nóng bỏng mặt hàng thuốc lá, rượu bia thì tại khu vực biên giới phía Bắc lại tràn ngập đủ loại hàng lậu. Không chỉ có hàng hóa tiêu dùng thông thường được nhập lậu về Việt Nam như quần áo, vải vóc, giày dép, đồ điện tử mà nhiều mặt hàng cấm như pháo nổ, tiền giả, ma túy, công cụ hỗ trợ... cũng được nhập lậu vì lợi nhuận rất cao.

Rõ ràng hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là vào dịp cuối năm đang trở thành một vấn nạn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và sản xuất hàng hóa trong nước. Không chỉ có vậy, để đưa được các mặt hàng lậu, hàng giả, hàng nhái vào nội địa tiêu thụ, các đối tượng buôn lậu đã không từ bỏ bất cứ thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nào, thậm chí là côn đồ hung hãn.

Không chỉ lợi dụng người dân địa phương sống ở khu vực biên giới để thuê làm cửu vạn mang vác hàng qua các đường mòn lối mở trên biên giới mà dân buôn lậu còn lợi dụng chính sách ưu đãi cho cư dân biên giới để đưa hàng lậu qua bằng đường chính ngạch. Nguy hiểm nhất là việc lợi dụng kẽ hở của chính sách, nhiều đối tượng đã đặt hàng bên Trung Quốc, nhưng gắn mác “made in Vietnam” rồi đưa về thị trường trong nước tiêu thụ với khối lượng lớn.

Thậm chí, nhiều mặt hàng lậu sau khi được đưa vào nội địa, các đối tượng đã tìm cách mua bán hóa đơn, chứng từ nhằm hợp thức hóa nguồn gốc, hoặc chia nhỏ các mặt hàng lậu ra dưới khối lượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự để vận chuyển, buôn bán nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan chức năng.

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong năm vừa qua, các lực lượng có nhiệm vụ phòng chống buôn lậu như hải quan, công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng trăm ngàn vụ buôn lậu và gian lận thương mại. Trong đó, chỉ riêng lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 16.826 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với giá trị 191,7 tỷ đồng. Còn lực lượng công an cũng đã phát hiện xử lý trên 9.683 vụ buôn lậu với 8.599 đối tượng.

Đáng chú ý, nhiều đường dây, tổ chức buôn lậu lớn, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp như Quảng Ninh, Lạng Sơn đã bị triệt phá. Tuy nhiên, những số liệu về chống buôn lậu đạt được nói trên chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” khi thực tế số lượng hàng hóa nhập lậu được đưa vào thị trường nước ta, qua mặt được các lực lượng chức năng và chưa bị phát hiện và xử lý còn rất lớn.

Chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại dịp tết đang thật sự là một cuộc chiến rất cam go và đầy thử thách. Trước tình hình này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Ất Mùi 2015. Về phía lực lượng chức năng và chính quyền các tỉnh, thành có đường biên giới cũng đang căng sức, gồng mình để ngăn chặn những “cơn lũ” hàng lậu với rất nhiều các giải pháp được áp dụng. Từ việc rào dây thép gai, lập lán trại chốt chặn 24/24 giờ tại các đường mòn, lối mở trên biên giới cho tới việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, tuyên truyền vận động bà con cư dân biên giới không tham gia xách hàng cho buôn lậu...

Tuy nhiên, thực tế những giải pháp này chỉ là tình thế trước mắt và khó có thể bền vững lâu dài. Để có thể phòng chống được buôn lậu hàng hóa qua biên giới đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp chủ động phòng chống, ngăn chặn ngay từ trong nội địa. Đó là việc phải đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước đáp ứng được yêu cầu của thị trường cả về chủng loại, mẫu mã, chất lượng và giá cả, đồng thời phải nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, cũng như lực lượng chức năng, nhất là vai trò của người đứng đầu trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng lậu.

Nếu như chính quyền tại những địa phương có đường biên giới vẫn buông lỏng trách nhiệm quản lý, lực lượng chức năng chống buôn lậu vẫn còn những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thiếu bản lĩnh không thể vượt được qua những cám dỗ của đồng tiền của đối tượng buôn lậu thì cuộc chiến chống buôn lậu còn dai dẳng và khó có thể đạt được kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi chúng ta phải có những chế tài xử phạt phải thật sự nghiêm minh, đủ sức răn đe các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại.

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục