Thị trường giải trí 2018: Nhiều gam màu sáng

Những vở múa đương đại cháy vé, những chương trình nghệ thuật đỉnh cao ngày càng được quan tâm… cũng góp thêm những nét chấm phá tích cực cho bức tranh thị trường giải trí trong thời gian tới.
Cảnh trong phim Về quê ăn tết
Cảnh trong phim Về quê ăn tết
Bằng chứng, ngoài mảng phim chiếu rạp đang tồn tại yếu tố mua - bán rõ ràng và ngày càng sôi động, các lĩnh vực còn lại đều phi thị trường hoặc mới chỉ tiệm cận kiểu tồn tại nhờ vào tài trợ, như ca nhạc sống lay lắt, như sân khấu, cải lương èo uột… Tuy nhiên, với những gì diễn ra trong năm 2017, có thể nhìn về những năm sau bằng gam màu tươi sáng hơn…

Phim chiếu rạp tiếp tục sôi động
Dù không phải là thắng lợi rực rỡ, nhưng năm 2017 có thể nói là năm khá sôi động và thành công của điện ảnh Việt, đủ sức tạo nên tiền đề để có một năm 2018 hưng phấn hơn. Theo báo cáo của Cục Điện ảnh, năm 2017 có khoảng 38 phim Việt được sản xuất (tính đến 31-12-2017) và thị trường phát hành vẫn ngày càng được mở rộng. Cụ thể, cả nước có 740 phòng chiếu phim với 111.000 ghế, ước tính doanh thu đạt 3.250 tỷ đồng, thu hút hơn 45 triệu lượt khán giả đến rạp xem phim. Nhà phát hành đang chiếm thị phần áp đảo là CGV, không giấu tham vọng sẽ đưa Việt Nam vào tốp những thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới, bằng việc theo đuổi mục tiêu mở thêm 12-15 cụm rạp mỗi năm (dù hiện đã sở hữu trên 50 cụm rạp), hay như Lotte Cinema vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc chơi với hơn 30 cụm rạp ở 19 tỉnh, thành phố cả nước. 
Ngoài việc đầu tư phát triển các cụm rạp để phủ sóng cả nước, số lượng phim được đầu tư sản xuất cũng ngày một nhiều hơn. Chuyện mỗi tuần một phim Việt ra rạp, hay khả năng “đụng” lịch phát hành, đã không còn là điều xa lạ với giới làm phim trong những năm gần đây. Đặc biệt là năm 2018, khi lượng phim Việt đã và đang được sản xuất ngày một nhiều. Số lượng phim ra rạp nhiều khiến yếu tố cạnh tranh trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Một trong những yếu tố được các nhà làm phim lẫn đơn vị phát hành quan tâm là chất lượng phim.
Đã không còn cảnh một bộ phim có thể được ưu ái chiếm rạp nửa tháng, hay một tháng như trước đây, áp lực doanh thu khiến “vòng đời” một bộ phim tại các phòng chiếu hiện chỉ còn tính bằng tuần, thậm chí chỉ 3 ngày đầu ra rạp. Chưa kể, trước đây các đơn vị phát hành xem kịch bản là có thể đi đến thỏa thuận về kế hoạch hợp tác, lịch phát hành…, nhưng hiện nay nhà phát hành phải xem bản quay trước khi đồng ý hay không. Ở góc độ nào đó, điều này gây áp lực cho các đơn vị làm phim, nhưng về lâu dài khán giả sẽ là những người được lợi. Trong bối cảnh mà niềm tin của khán giả vào phim Việt đang bị vơi dần vì kiểu làm ăn chụp giật, cẩu thả của những năm trước thì điều này là cần thiết. Muốn thị trường phát triển, khán giả phải là yếu tố tiên quyết, nhưng một khi khán giả quay lưng thì yếu tố thị trường tồn tại đã khó, nói gì đến phát triển lành mạnh.
Nói chung, nhìn ngắn hạn trong vài năm tới, dù đầu tư làm phim còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng số lượng phim Việt được sản xuất sẽ vẫn ngày càng nhiều và thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam vẫn là “miếng bánh” ngon. Minh chứng rõ nhất là sự thắng thế của phim Việt trong mùa phim Tết 2018. 
Ca nhạc - nhiều dấu hiệu tích cực
Dù những năm qua, thị trường ca nhạc gần như thoái trào, các chương trình bán vé ngày càng ít, nhường chỗ cho các chương trình được tài trợ mang yếu tố quảng bá thương hiệu, tri ân khách hàng… Điều dễ dàng nhận thấy là TPHCM từng là thị trường ca nhạc sôi động, ăn nên làm ra, đã trở nên đìu hiu. Hàng loạt tụ điểm ca nhạc ngoài trời từng như một nét sinh hoạt văn hóa và món ăn tinh thần quen thuộc của khán giả như Trống Đồng, 126…, phần thì đóng cửa, phần hoạt động cầm chừng, dịp lễ lạc mới sáng đèn. Hàng loạt phòng trà ca nhạc cũng biến mất trên bản đồ giải trí của người dân như MTV, Da vàng…
Thị trường giải trí 2018: Nhiều gam màu sáng ảnh 1 Cảnh trong phim Về quê ăn tết
Tuy nhiên, dù chưa chuyển biến tích cực và yếu tố tài trợ vẫn sẽ còn chi phối mạnh mẽ đời sống ca nhạc trong những năm tới, nhưng cũng đã có những dấu hiệu cho thấy xu hướng thị trường đang thay đổi tích cực hơn. Đầu tiên là vấn đề bản quyền gắn với phát hành album và các sản phẩm âm nhạc. Khi thị trường phát hành album truyền thống gần như mất đi bởi sự cạnh tranh của các trang nghe nhạc online thì nhiều nghệ sĩ Việt như Mỹ Tâm, Uyên Linh, Đức Tuấn… đã hợp tác với các trang mua bán nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới để bán sản phẩm của mình.
Một sự thay đổi để bắt nhịp và thích ứng với tác động từ công nghệ là dự án See Sing Share của Hà Anh Tuấn. Có thể nói, sau nhiều loay hoay, năm 2017 Hà Anh Tuấn đã mở ra cho mình cánh cửa mới, tới gần hơn với khán giả, đó là việc làm mới lại loạt ca khúc hit trong See Sing Share. Dự án làm mới lại các ca khúc tên tuổi bằng cách hát mộc, với tiêu chí trân trọng, nâng niu những cảm xúc chân thành nhất, hòa quyện giữa kỷ niệm và cảm xúc, giữa người hát và khán thính giả, được phát chủ yếu qua kênh YouTube đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, đưa tên tuổi Hà Anh Tuấn trở lại “đường đua”. Để rồi từ đó, ba đêm liveshow Fragile tại Hà Nội và TPHCM liên tục cháy vé, là minh chứng cho những tìm tòi thay đổi để có hướng đi phù hợp, tiệm cận khán giả. Một thành công đáng nhớ khác cũng đến từ sự thay đổi đó là Mỹ Tâm với album vol.9 Tâm 9, cho thấy một Mỹ Tâm không cũ kỹ, khuôn sáo… 
Thị trường ca nhạc cuối năm 2017 và đầu năm 2018 cũng ghi nhận sự lên ngôi của dòng nhạc underground, cùng với những giọng ca chất lượng cao đang tạo nên diện mạo mới mẻ cho nhạc Việt. Không chỉ tạo hiện tượng trên mạng xã hội, những show diễn “cháy” vé của những tên tuổi như Ngọt band, Soobin Hoàng Sơn, Erik, Hương Tràm…, hay sức hút mãnh liệt của Sơn Tùng M-TP, cho thấy một diện mạo đáng chờ đợi của nhạc Việt 2018.
Song song với thị trường phim ảnh và ca nhạc, thị trường thời trang cũng hứa hẹn sẽ có một năm tiếp tục ghi dấu ấn sau những thăng hoa đáng kể của năm 2017. Những vở múa đương đại cháy vé, những chương trình nghệ thuật đỉnh cao ngày càng được quan tâm… cũng góp thêm những nét chấm phá tích cực cho bức tranh thị trường giải trí trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục