Thông tin cá nhân bị mua bán

Thời gian gần đây, thông tin cá nhân (data) của nhiều người dân bị kẻ xấu tùy tiện chiếm dụng, mua bán, dùng vào mục đích trái pháp luật. Trên các trang web và mạng xã hội, thông tin khách hàng bị rao bán thoải mái và công khai. 
Tra cứu trên mạng dễ dàng tìm thấy rất nhiều trang web công khai rao bán thông tin cá nhân
Tra cứu trên mạng dễ dàng tìm thấy rất nhiều trang web công khai rao bán thông tin cá nhân
Rao bán công khai trên mạng

Tự giới thiệu là một hướng dẫn viên du lịch mới vào nghề, cần một số lượng lớn thông tin khách hàng trên địa bàn TPHCM, chúng tôi nhắn liên hệ với một người phụ nữ đang rao bán thông tin khách hàng trên mạng xã hội có nick facebook là Hoa Hướng Dương. Khi chúng tôi hẹn gặp để giao dịch thì người này viện lý do bận việc, chỉ trao đổi qua facebook và chào mời: “Chị có data của 15.000 người mua bảo hiểm và gửi tiết kiệm tại TPHCM, ngoài ra còn có số điện thoại của hàng trăm bác sĩ và học sinh trên địa bàn TPHCM. Giá bán 250 - 400 đồng/ số, kèm theo gói khuyến mãi là dịch vụ phân loại số điện thoại theo từng nhà mạng để tiện liên hệ. Dữ liệu hoàn toàn chính xác, nếu không tin tưởng em có thể gọi đến từng số để kiểm tra”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn TPHCM hiện nay có rất nhiều người lấy danh nghĩa là một công ty nào đó (không có thật) để rao tuyển dụng nhân sự thường xuyên và liên tục trong nhiều năm. Thực chất họ không nhằm tuyển dụng, mà chỉ với mục đích lấy được thông tin từ những bộ hồ sơ xin việc, rồi phân loại đối tượng và rao bán trên các mạng xã hội. 

Anh S., nhân viên một công ty tài chính tại TPHCM, tiết lộ: “Công ty tôi thường xuyên mua data từ các công ty đối tác, các công ty bán hàng trả góp… Số lượng data được cập nhật liên tục. Khi có trong tay nguồn data dồi dào, công ty tôi sẽ nhắn tin, hoặc gọi điện mời chào khách hàng vay tiền mặt, hay mở thẻ”. Chị T., từng có thời gian làm việc ở một công ty bảo hiểm, cũng chia sẻ: “Công ty tôi làm ở lĩnh vực bảo hiểm, vừa tuyển dụng vừa bán bảo hiểm. Công ty vẫn lấy data từ những người mua bảo hiểm và data trên các website để hoạt động”. 

Cẩn trọng bảo vệ thông tin cá nhân

Anh T. (22 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Hồi trước, tôi có mua trả góp điện thoại ở một cửa hàng bán điện thoại di động. Sau khi kết thúc kỳ trả góp, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn mời chào vay tiền mặt với lãi suất thấp từ các công ty tài chính. Tôi không biết họ lấy số điện thoại tôi từ đâu, mặc dù tôi chưa từng quen biết và cung cấp thông tin cho các công ty đó. Nên tôi nghi có nhiều khả năng thông tin cá nhân khai khi mua điện thoại trả góp đã bị lạm dụng”.

Có nhiều trang web tìm việc online có hướng dẫn cách tạo CV (bản khai tóm tắt quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc, quá trình nghiên cứu và những kỹ năng chuyên môn để xin việc). Có thể nói đây là thủ thuật để những người mua bán data có được thông tin cá nhân một cách dễ dàng nhất. Vì vậy, mọi người cần phải tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình, chỉ cung cấp thông tin ở những nơi có uy tín và những lúc cần thiết. Không nên dễ dãi điền đầy đủ, công khai nội dung tự giới thiệu trên trang facebook cá nhân với các thông tin số điện thoại di động và email, chức danh, số điện thoại và địa chỉ nơi làm việc. Đặc biệt là nên hết sức cân nhắc việc gửi tên tài khoản, số thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng và các thông tin cá nhân qua email, Skype, Facebook Messenger, tin nhắn hay các dịch vụ chat...

Thông tin cá nhân của khách hàng không phải là thông tin có thể công khai hoặc rao bán như một loại hàng hóa; việc rao bán các thông tin cá nhân của khách hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Chỉ thị  11 về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM di động sai quy định. Theo đó, tùy theo tính chất và mức độ, các hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông bị phạt tiền 50 - 70 triệu đồng; hành vi tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông bị phạt tiền 30 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa quy định đầy đủ và cụ thể việc bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng, mức chế tài xử phạt các hành vi vi phạm còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.

Tin cùng chuyên mục