Sổ xố kiến thiết TPHCM dựng xây những công trình

Một số công trình tiêu biểu được đầu tư từ nguồn thu XSKT TPHCM

Ít ai biết được rằng, có hàng trăm công trình mang ý nghĩa văn hóa lịch sử, giáo dục, y tế tại TPHCM, như: Đền Tưởng niệm Bến Dược (Củ Chi), Khu Tưởng niệm liệt sĩ Tết Mậu Thân 1968 (Bình Chánh), Nhà Thiếu nhi (các quận: 7, 8, Cần Giờ, Gò Vấp…), Trường PTTH Lê Thánh Tôn (Q.7), Trường THCS Lý Nhơn (Cần Giờ), Trường PTTH An Lạc (Bình Tân), Trường THCS Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức), Trường THPT Nguyễn Huệ (Q.9), Khu xạ trị gia tốc Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Quận 2 , tuyến đường Nhà Bè-Cần Giờ… đã và đang được “xây” từ những… tờ vé số.

Thắng lợi từ trong khó khăn

Sổ xố kiến thiết TPHCM dựng xây những công trình ảnh 1

Nhiều thiết bị tại Bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM) được đầu tư từ nguồn thu kinh doanh vé số.

Ban Xổ số kiến thiết (XSKT) TPHCM được UBND TP ký quyết định thành lập vào ngày 25-10-1978. Sự ra đời của Ban XSKT khi đó (thời bao cấp) là một trong những phương án của lãnh đạo thành phố nhằm giảm bớt khối lượng tiền tệ trong lưu thông để khắc phục tình trạng đang mất cân đối nghiêm trọng giữa tiền và hàng hóa.

Để kịp ra kỳ xổ số đầu tiên vào ngày 9-1-1979, 5 đảng viên cùng 6 cán bộ được điều động về thành lập bộ khung và gấp rút tuyển dụng lại 43 nhân viên có kinh nghiệm của Nha XSKT (chế độ cũ), 102 nhân viên mới và xây dựng mạng lưới đại lý tiêu thụ vé số lên đến 700 tập thể, cá nhân là những cơ quan, xí nghiệp, phường xã, lao động nghèo, CB-CNV nhà nước…

Ngay trong năm đầu tiên với lượng tiêu thụ từ 2-4 triệu vé mỗi tuần/kỳ (30-50 xu/vé) và 1 triệu vé tháng/kỳ (1 đồng/vé), đơn vị đã thắng lợi với doanh thu 89 triệu đồng, lãi 36 triệu đồng và đem về cho ngân sách thành phố 34 triệu đồng. Tuy nhiên, sang đến năm 1981 và 1982 thì ngành XSKT TP bị “đụng hàng” ngay tại “sân nhà” vì lần lượt có thêm 17 tỉnh-thành phố ở phía Nam tham gia phát hành vé số, khiến doanh thu giảm rõ rệt.

Trước tình hình này, lãnh đạo Ban XSKT TP đã sắp xếp lại mạng lưới đại lý; cải tiến chất lượng, mẫu mã tờ vé số, đưa thêm sáng kiến trả thưởng bằng… xe gắn máy, ti-vi, cát-sét… cho các vé trúng (thời điểm này, có tiền cũng khó tìm mua được những hiện vật trên), đồng thời kiến nghị với UBND TP và Bộ Tài chính nhiều giải pháp về quản lý, cơ cấu giải trúng, hoa hồng, ngày mở thưởng… cho ngành xổ số khu vực miền Nam. Những kiến nghị trên lần lượt được giải quyết đã mở ra thời kỳ mới giúp vé số thành phố phục hồi và phát triển liên tục đến nay, trở thành “anh cả” trong ngành, ở khu vực miền Nam.

Dựng xây những công trình

Năm 1989, Ban XSKT được đổi tên thành Công ty XSKT TPHCM và trở thành doanh nghiệp nhà nước vào năm 1992. Bước sang thời kỳ đổi mới, công ty tổ chức lại mạng lưới tiêu thụ gọn nhẹ, còn khoảng 80 đại lý, đây cũng là những “đại gia” có khả năng tài chính và kinh nghiệm tổ chức đội ngũ bán sỉ, lẻ vé số đến tay khách hàng.

Những chiếc lồng cầu quay số bằng tay cũng được công ty đổi mới bằng những chiếc lồng phun hơi điện tử có màn hình quan sát từ xa từng con số hiện lên, đem lại niềm tin cho người chơi vé số sau những vụ “tráo số” ở một vài nơi mà báo chí phanh phui. Nhờ đó, doanh thu, lợi nhuận, khoản nộp ngân sách của công ty mỗi năm một tăng và liên tục được UBND TPHCM, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ trao tặng nhiều danh hiệu.

Đặc biệt, Công ty đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba vào các năm 2004, 2000 và 1996. Năm 2007 cũng là năm đáng nhớ của Công ty XSKT TPHCM khi lần đầu tiên lọt vào TOP 5 doanh nghiệp hàng đầu nộp ngân sách cho thành phố với 575 tỷ đồng.

Và từ khi Bộ Tài chính ra Thông tư 04 TC/TCNH (ngày 5-1-1996) chỉ đạo: “Nguồn thu xổ số chỉ dùng đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa tại địa phương…” thì lãnh đạo TPHCM đã thực hiện nghiêm túc và hàng trăm công trình xây dựng mang ý nghĩa trên đã lần lượt hiện diện.

Ông Đỗ Quang Vinh, Giám đốc Công ty XSKT TPHCM, tâm sự: “30 năm qua, những tờ vé số không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của người dân mà còn góp phần giải quyết việc làm chân chính cho hàng ngàn lao động nghèo, trở thành công cụ huy động có hiệu quả các nguồn vốn nhỏ lẻ trong xã hội, tạo thành nguồn vốn lớn để phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế…của thành phố. Vì vậy, phía sau tờ vé số không chỉ là niềm vui riêng  người trúng số mà còn là niềm vui của hàng vạn em học sinh, sự phấn chấn của bệnh nhân và người dân… khi được tận hưởng những lợi ích mà công trình phúc lợi xã hội mang lại”.

Một số công trình tiêu biểu được đầu tư từ nguồn thu XSKT TPHCM

Khu xạ trị gia tốc Bệnh viện Ung Bướu (20,553 tỷ đồng); Khoa sơ sinh BV Nhi Đồng 1 (15,929 tỷ đồng);  Khu cấp cứu - lao - HIV/AIDS BV Phạm Ngọc Thạch (16 tỷ đồng); BV quận 6 (36,476 tỷ đồng); BV quận 12 (23,061 tỷ đồng); BV Nhân dân Gia Định, BV Nhi Đồng 2 và ngân hàng máu của BV Truyền máu-huyết học (15 tỷ đồng/đơn vị); Trường Mầm non P.5, Q.8 (15,330 tỷ đồng); Trường PTTH Đa Phước, H.Bình Chánh (27,28 tỷ đồng); Khu tưởng niệm Ngã ba Giồng (15 tỷ đồng).
(Nguồn: Sở Tài chính TPHCM)

DŨNG LÊ

Tin cùng chuyên mục