Tổng Giám đốc ACB Lý Xuân Hải: Cần hiểu đúng thông tin xếp hạng tín nhiệm của Fitch Ratings

Tuần qua, thông tin tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings công bố hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã gây nên không ít tranh cãi và sự quan tâm của công chúng. Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB (ảnh) đã trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, việc Fitch Ratings hạ mức tín nhiệm của Vietcombank và ACB từ mức “D” xuống “D/E” thực sự mang ý nghĩa như thế nào?

Ông Lý Xuân Hải: Cách đây hơn 1 tháng, Fitch Ratings đã hạ bậc tín nhiệm tín dụng dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+ bởi tổ chức này lo ngại về chính sách kinh tế, dự trữ ngoại hối và sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các chuyên gia Fitch Ratings căn cứ trên các số liệu tự thu thập, thực hiện theo mô hình và phương pháp định giá riêng để thực hiện báo cáo này. Và ngay sau khi nhận được thông tin Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm tín dụng dài hạn của Việt Nam, chúng tôi đã dự báo trước là các ngân hàng Việt Nam sẽ bị đánh tụt hạng và không bất ngờ với thông tin Fitch Ratings hạ định mức tín nhiệm của ACB và Vietcombank.

Ở đây, chúng ta cần nhận thức rằng có một quy luật: định mức tín nhiệm của một doanh nghiệp không bao giờ cao hơn định mức tín nhiệm của quốc gia nơi doanh nghiệp hoạt động. Vì vậy, Vietcombank và ACB – 2 tổ chức tài chính vững mạnh có mức tín nhiệm tương đương với quốc gia, không phải là ngoại lệ.

Phải thừa nhận, thực tế Việt Nam có chuẩn mực kế toán nói chung và các quy định về hoạt động ngân hàng còn cần được điều chỉnh dần trong quá trình hội nhập. Chuẩn mực về phân loại nợ xấu cũng như quy định về vốn tự có trên tổng tài sản có rủi ro còn bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp thông lệ. Điều này khiến mức độ nhạy cảm của vốn đối với tài sản rủi ro là thấp, theo con mắt các nhà đầu tư nước ngoài - dù cách nhìn này chưa hẳn đã là hoàn toàn chính xác. Đó là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến các tổ chức xếp hạng cho rằng Hệ số An toàn vốn (CAR) của các Ngân hàng Việt Nam không phản ánh đúng lượng vốn cần thiết để đảm bảo hấp thụ rủi ro của ngân hàng, nhất là khi hệ thống quản lý rủi ro các ngân hàng Việt Nam còn yếu, tốc độ tăng trưởng dư nợ cao hơn tăng vốn...

Về việc Fitch Ratings hạ mức tín nhiệm của chúng tôi nhờ dựa trên những thông tin công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, rất thiếu thông tin chi tiết do họ không đề nghị ACB cung cấp thông tin phục vụ Thẩm định chi tiết (Due Dilligence). Cách làm này thiếu tính chính xác và hiển nhiên các báo cáo dựa trên số liệu này chưa thể đánh giá đầy đủ, chính xác chất lượng hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung và ACB nói riêng.

Không những vậy, cách cung cấp và bố trí thông tin của Fitch Ratings không phù hợp, còn có thể gây hiểu lầm. Khi họ nói ACB tăng trưởng tín dụng 42% yoy tức là 42% so với cùng kỳ (tháng 6-2009), họ lại đặt bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 52%/năm là kế hoạch tăng trưởng chung của ACB vào cuối năm 2010 so với đầu năm 2010. Điều này gây hiểu sai về tốc độ tăng trưởng của ACB. Cần nhìn lại 8 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt gần 30% và mục tiêu là 50% vào cuối năm. Nếu tính đến yếu tố mùa vụ (Tết) rất đặc thù của Việt Nam khi đánh giá tăng trưởng tín dụng (hầu như quý I không tăng tín dụng) thì việc 4 tháng cuối năm tăng trưởng 20% còn lại là không quá cao và không quá nóng. Do vậy họ nhận xét tăng trưởng tín dụng nửa sau 2010 sẽ nhanh và rủi ro tăng theo là không đúng.

Tiếp đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung trong 5 năm vừa qua là cao (34%/năm), ACB tăng tín dụng trong 5 năm ấy là hơn 4,6 lần (bình quân 55%/năm). Đối với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh (7,5%-8,0%/năm) và chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại (với tốc độ tăng trưởng cao trên 22%/năm) hơn là thị trường chứng khoán thì điều này là bình thường nếu mang tính so sánh với các kinh tế khác nếu nhìn vào tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia (Gross Domestic Product - GDP) .

Về tỷ lệ % tăng trưởng tín dụng cao, đúng là tăng trưởng tín dụng có thể cao về tỷ lệ % nhưng về tuyệt đối thì không cao. Năm 2010, sau 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tuyệt đối của ACB với trên tổng số 280 chi nhánh-phòng giao dịch là 17.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 60 tỷ đồng/chi nhánh-phòng giao dịch, là con số rất nhỏ nếu là số tuyệt đối. Chưa kể thị phần tín dụng của ACB còn rất nhỏ (trên dưới 4%) nên việc tăng trưởng nhanh không phải là quá bất thường.

- Dường như Fitch Ratings tỏ ra e ngại tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ ảnh hưởng đến an toàn vốn của ACB, trong khi, bản thân ngân hàng đánh giá rằng quá trình tăng trưởng nhanh không phải là quá bất thường. Liệu rằng có mâu thuẫn gì ở đây không, thưa ông?

Tính đến 31-8-2010, lợi nhuận của ACB là 1.814 tỷ đồng sau khi đã trích lập toàn bộ dự phòng theo quy định, dư nợ là 79.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 0.4% và có hơn 280 chi nhánh/phòng giao dịch trên toàn quốc

 - Fitch Ratings dự báo (tức bày tỏ e ngại) rằng tăng trưởng tín dụng cao sẽ có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chứ chưa khẳng định chất lượng tín dụng của ACB nói riêng và của ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung đã thực sự giảm sút. Điều này thể hiện tính khá cẩn trọng và chuyên nghiệp của Fitch Ratings khi họ nói rằng sẽ “nâng hoặc hạ mức tín nhiệm của ACB sau khi chất lượng tín dụng được (chứng tỏ là) nâng cao và vốn được nâng theo quy định. Điều này khác với nội dung của một số phương tiện thông tin đại chúng tự “dịch” ý của Fitch Ratings cho rằng: “Chất lượng của các khoản vay lại tương đối thấp”.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin chia sẻ thông tin hiện nay tỷ lệ an toàn vốn của ACB đang trên mức 9%. Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ACB sẽ đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước bằng việc nâng vốn (đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua) và phát hành vốn cấp 2. Khi tổ chức Fitch Ratings e ngại tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ làm ảnh hưởng đến thanh khoản thì có lẽ họ hơi lo xa quá. ACB luôn là một Ngân hàng có thanh khoản cao bởi tỷ lệ Cho vay/Huy động của ACB hiện là 56% (ACB không biết Fitch lấy đâu ra tỷ lệ 74% làm số liệu căn cứ?), tỷ lệ Cho vay/Huy động VND là 58%, tỷ lệ Cho vay/Huy động USD là 38%, với vàng là 50%. Fitch Ratings e ngại tín dụng bằng ngoại tệ sẽ rủi ro nếu lạm phát tăng cao và tỷ giá bất ổn sẽ làm khách hàng khó trả nợ. Song họ đâu có biết rằng, ACB cho vay ngoại tệ chủ yếu cho doanh nghiệp xuất khẩu hoặc khách hàng đã có các biện pháp bảo hiểm, nên rủi ro này hầu như không có.

Nhìn chung, theo quan điểm của chúng tôi thì rõ ràng Fitch Ratings chưa có đầy đủ số liệu chính xác nên đánh giá của họ rất chủ quan và còn có nhiều sai số.

- ACB đã làm việc với Fitch Ratings nhằm cung cấp số liệu chính xác hay thể hiện quan điểm chính thức chưa?

- Fitch Ratings không trao đổi với chúng tôi hoặc yêu cầu cung cấp số liệu bổ sung hoặc chi tiết khi thực hiện đánh giá định mức tín nhiệm của ACB. Hình như với Vietcombank cũng vậy. Theo tôi biết họ chỉ thu thập các thông tin của các ngân hàng lớn nhất Việt Nam thông qua báo cáo thường niên và phương tiện thông tin đại chúng là các số liệu tổng hợp, không chi tiết, để đánh giá.

Theo quan điểm của chúng tôi, việc các tổ chức định mức tín nhiệm như Fitch, Moody’s, S&P… nâng hay hạ mức tín nhiệm là chuyện bình thường. Đây chỉ là những thông tin có giá trị tham khảo cho các nhà đầu tư và bản thân tổ chức xếp hạng tín nhiệm hoàn toàn không khuyến cáo nhà đầu tư phải làm gì. Chúng ta không nên vì “nâng hạng” mà chủ quan hay tự tin quá mức hay “hạ hạng” mà quá lo ngại đến mức lo sợ để rồøi hành xử thiếu suy xét. Vấn đề là mọi người cần rất thận trọng khi đọc và hiểu báo cáo của họ. Ví dụ trong “cơn bão” khủng hoảng, một số công ty/ngân hàng trên thế giới chuẩn bị phá sản vẫn được các tổ chức này xếp hạng tín nhiệm AA/AA-… Trong khi, nhiều ngân hàng tại các quốc gia bị họ dự báo sẽ sụp đổ lại đang phát triển rất mạnh. Thậm chí nhiều nhà đầu tư đã bán tháo Trái phiếu Chính phủ Việt Nam do khuyến cáo của một số nhà tư vấn và họ đã lỗ nặng trong khi nhiều tổ chức tín dụng Việt Nam đã lãi lớn từ việc đầu tư vào nguồn trái phiếu đó.

Dưới góc nhìn khác, trong bảng xếp hạng tín nhiệm của Fitch Ratings còn có rất nhiều các ngân hàng hàng đầu mà tôi không muốn nêu tên (chúng ta có thể đọc thấy trên báo cáo của họ trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2010). Đây là những ngân hàng lớn và mạnh hàng đầu thế giới, như vậy mức Ratings D/E cũng không phải là tồi. Đơn giản rằng, các ngân hàng này cần nâng cao năng lực tài chính để đảm bảo sự tăng trưởng và hoạt động được an toàn và đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý (nâng vốn cần sự đóng góp của cổ đông cũng là từ bên ngoài). Không phải là các ngân hàng “Có vấn đề nghiêm trọng, cần sự trợ giúp từ bên ngoài” như một số phương tiện thông tin đại chúng dịch ra làm một số người hiểu là ngân hàng đang gặp rủi ro hay đang gặp vấn đề.

Mặc dù vậy, theo chúng tôi thì chúng ta vẫn rất nên lắng nghe các tổ chức lớn như Fitch Ratings vì họ rất có nhiều kinh nghiệm, nhiều chuyên gia giỏi và ảnh hưởng của họ rất lớn đến giới đầu tư. Việc điều chỉnh hay học hỏi từ các tổ chức này là điều rất cần thiết. Vấn đề là cần có cơ chế trao đổi thông tin nhanh và đầy đủ hơn với họ (là điều hiện nay đang thiếu) để có thể hỗ trợ cho công tác phân tích và tư vấn của các tổ chức như Fitch Ratings được tốt hơn và hệ thống ngân hàng Việt Nam có điều kiện được nghe những ý kiến đánh giá khách quan và chuyên nghiệp một cách đúng đắn hơn.

Đối với các cơ quan truyền thông, rất mong có nhiều điều kiện trao đổi thông tin 2 chiều với chúng tôi như hôm nay. Đơn giản vì dịch ý các văn bản của những tổ chức như Fitch Ratings không hề đơn giản và dễ gây hiểu lầm.

Đối với công chúng và nhà đầu tư, tôi xin nêu quan điểm rằng, hệ thống Ngân hàng Việt Nam ngày hôm nay vững và mạnh hơn nhiều so với cách đây 2 năm, và càng vững mạnh hơn so với cách đây 5 năm - khi xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam và các ngân hàng thương mại cao hơn hiện nay. Và vì vậy, chắc chắn rằng công chúng và khách hàng gửi tiền sẽ yên tâm hơn nhiều so với trước đây. Việc nâng hay hạ định mức tín nhiệm hoàn toàn không hề ảnh hưởng gì đến người gửi tiền.

- Xin cám ơn ông.

 MINH NGUYỄN thực hiện

Tin cùng chuyên mục