Trầy trật xây mới, nâng cấp bệnh viện

Đã qua 3 tháng, kể từ ngày Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng kết luận sau buổi làm việc với Đảng ủy Sở Y tế, chỉ đạo tăng cường đẩy nhanh các dự án y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhưng đến nay một số dự án xây mới, nâng cấp bệnh viện (BV) vẫn “án binh bất động”. Có dự án đã được HĐND TP đưa vào nghị quyết, ghi vốn; có dự án đã thiết kế xong, vài dự án đã có kết quả trúng thầu, thậm chí đang triển khai xây dựng nhưng tiến độ như... rùa.
Trầy trật xây mới, nâng cấp bệnh viện

Đã qua 3 tháng, kể từ ngày Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng kết luận sau buổi làm việc với Đảng ủy Sở Y tế, chỉ đạo tăng cường đẩy nhanh các dự án y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhưng đến nay một số dự án xây mới, nâng cấp bệnh viện (BV) vẫn “án binh bất động”. Có dự án đã được HĐND TP đưa vào nghị quyết, ghi vốn; có dự án đã thiết kế xong, vài dự án đã có kết quả trúng thầu, thậm chí đang triển khai xây dựng nhưng tiến độ như... rùa.

Trầy trật xây mới, nâng cấp bệnh viện ảnh 1

Quá tải nghiêm trọng tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM


Trúng thầu vẫn “treo”khởi công

Điển hình cho những dự án y tế thuộc diện “ngâm giấm” phải kể đến BV Ung bướu cơ sở 2 (quận 9, TPHCM). Đã được quy hoạch gần 20 năm qua và mất hơn 10 năm đền bù giải tỏa, đến năm 2014, BV Ung bướu cơ sở 2 (quy mô 1.000 giường) mới khởi động phần… thiết kế. Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu, ngán ngẩm: “Bệnh viện hiện đang quá tải nghiêm trọng, có muốn cơi nới cũng không còn chỗ, bệnh nhân phải nằm… dưới gầm giường. Còn cơ sở mới thì mòn mỏi chờ đợi”. Công tác tại BV Ung bướu đã mấy chục năm và chỉ còn mấy tháng nữa nghỉ hưu, BS Lê Hoàng Minh cho biết, bệnh viện đã tiếp đón hàng chục lần đại diện của HĐND và UBND TPHCM đến làm việc về đầu tư xây dựng BV Ung bướu cơ sở 2 nhưng họp xong, hứa hẹn… rồi thôi. “Tôi vẫn đau đáu nỗi lòng làm sao cho người bệnh có được cơ sở khám và điều trị rộng rãi, hiện đại; đỡ phải chen lấn, nằm ghép như hiện nay. Nhưng xem ra đến lúc về hưu rồi, mong ước của tôi vẫn chưa thành hiện thực”, BS Minh buồn bã. Trong lần ghé thăm BV Ung bướu tặng quà bệnh nhi hồi đầu tháng 5 này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng xót xa trước cảnh quá tải, bệnh nhân nằm ghép chưa giảm.

Đến nay, BV Ung bướu cơ sở 2 đã được ghi vốn đầu tư và có kết quả trúng thầu xây dựng; thế nhưng ít nhất đã 3 lần khởi công “hụt”. Theo ông Huỳnh Văn Biết, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở Y tế) - chủ đầu tư, kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu “Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị xây dựng - thuộc dự án Đầu tư xây dựng cơ sở 2 BV Ung bướu TPHCM” được công bố từ tháng 3-2016. “Việc xây dựng tiêu chí, mở thầu công khai và lựa chọn nhà thầu là đúng quy trình. Hồ sơ mời thầu tuân thủ theo tiêu chí dự thầu, đã báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư và được thẩm định đúng quy định”, ông Biết nói. Tuy nhiên, nguyên nhân chưa khởi công được, theo ông Biết, là đang chờ kết luận của UBND TPHCM về một số kiến nghị của nhà thầu!

Vướng chỗ nào, gỡ ngay chỗ đó

Một trong những dự án xây mới BV cũng “rùa bò” là dự án của BV Chấn thương chỉnh hình. Dự án này được thành phố cho chủ trương xây dựng theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao), đổi đất lấy hạ tầng từ năm 2009. Đã 7 năm qua, dự án vướng mắc khâu đền bù giải tỏa, nhưng chủ đầu tư vừa cho biết đã giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hiện chỉ chờ UBND TPHCM có quyết định giao đất, đổi đất nữa là khởi công. Mới đây, tại cuộc họp với các sở ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho biết, trong tháng 6-2016, thành phố sẽ giao đất sạch và chủ đầu tư cam kết khởi công xây dựng trong 2 năm phải xong và bàn giao vào năm 2018.

Điều đáng nói là, hiện còn có dự án ghi vốn gần cả chục năm, có dự án “treo” vô thời hạn mà đến nay chưa hứa hẹn ngày khởi động. Tiêu biểu như các dự án: Viện - Trường y khoa (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi) quy hoạch từ 2001-2002 với diện tích gần 100ha; dự án BV cửa ngõ Đa khoa khu vực Thủ Đức với quy mô 1.000 giường; dự án BV Đa khoa khu vực Củ Chi quy mô 1.000 giường; dự án BV Đa khoa Hóc Môn quy mô 1.000 giường; dự án Trung tâm Y tế dự phòng mới (quận 8)… Chưa kể, hàng loạt dự án nâng cấp, cải tạo các cơ sở y tế, BV hiện hữu cũng đang trầy trật. Có những dự án “ngâm” hơn chục năm vẫn chưa khởi công được như dự án xây mới BV Cấp cứu Trưng Vương; dự án cải tạo, nâng cấp khu hành chính BV Hùng Vương…

Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, năm 2015, hệ thống BV thành phố đã khám và điều trị cho gần 35 triệu lượt bệnh nhân, trong đó chiếm 40% - 50% là từ các tỉnh chuyển về. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người bệnh, dẫn đến quá tải. “Tăng giường bệnh, xây dựng BV mới, nâng cấp các BV công, phát triển hệ thống y tế tư nhân là những giải pháp chống quá tải mà thành phố đã đặt ra”, ông Thượng nói. Hiện chỉ có một số công trình “cơi nới” ở các BV hoàn thành; còn các dự án xây mới như BV Nhi thành phố; Khu khám, chẩn đoán, điều trị kỹ thuật cao của BV Ung bướu; mở rộng BV Tai Mũi Họng… còn dang dở.

Tại buổi làm việc với Đảng bộ Sở Y tế mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo nhanh chóng thực hiện các giải pháp giảm tải BV, chọn cái để làm nhanh, làm mạnh trước. Đồng thời, đẩy nhanh các dự án y tế, vướng mắc cái gì tháo gỡ ngay cái đó, thiếu tiền thì sớm cấp tiền, chưa xong mặt bằng thì chủ động giải quyết cho xong, dự án tư nhân phải càng thúc đẩy sớm. Bí thư Thành ủy cũng đồng ý cho các BV xuống cấp được tự làm chủ đầu tư nâng cấp, cải tạo nhưng không khuyến khích mở rộng.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục