Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM Phan Minh Tân:

Nhà khoa học phải gắn chặt với nơi ứng dụng đề tài

3 quy định mới trong quản lý nghiên cứu khoa học* Phóng viên:
Nhà khoa học phải gắn chặt với nơi ứng dụng đề tài

3 quy định mới trong quản lý nghiên cứu khoa học

* Phóng viên:
Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM đã hoàn tất dự thảo sửa đổi “Quyết định của UBND TPHCM về việc ban hành quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ TPHCM giai đoạn 2007-2010”. Thưa ông, trong giai đoạn 2007-2010 sẽ có những quy định nào mới so với trước đây để tăng cường ứng dụng vào thực tế cho các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH)?

* Ông PHAN MINH TÂN:
Có 3 điểm mới nổi bật nhất. Trước hết, ngoại trừ các đề tài NCKH cơ bản, các đề tài khác phải có địa chỉ ứng dụng. Sản phẩm dự kiến của đề tài nghiên cứu phải được cơ quan ứng dụng chấp nhận.Tiến độ, thời gian, chất lượng sản phẩm phải được thảo luận, cam kết giữa nhà khoa học và đơn vị triển khai. Trong quá trình thực hiện đề tài, nhà khoa học sẽ được sự góp ý từ đơn vị ứng dụng. Các cơ quan ứng dụng sẽ tham gia vào quá trình khảo sát, nghiệm thu đề tài.

Nhà khoa học phải gắn chặt với nơi ứng dụng đề tài ảnh 1
Trình bày, bán ý tưởng tại sàn giao dịch ý tưởng lần 3.

Đơn vị ứng dụng cũng là đơn vị đặt hàng đề tài NCKH, và hợp đồng NCKH chỉ được thanh lý khi bàn giao kết quả nghiên cứu cho đơn vị đặt hàng.

Đã tham gia suốt quá trình thực hiện đề tài và chấp nhận từ lúc ý tưởng được đưa ra cho đến khi thực hiện nghiệm thu đề tài, vì vậy đơn vị đặt hàng có trách nhiệm triển khai đề tài vào thực tế.

Theo các quy định này, nhà khoa học phải tìm được đơn vị chấp nhận ứng dụng đề tài NCKH của họ vào thực tế, phải liên lạc với đơn vị ứng dụng đề tài chặt chẽ hơn trước đây.

Điểm mới thứ hai là cơ cấu đầu tư. Trước đây gần như nhà nước tài trợ 100% kinh phí cho đề tài. Bây giờ các đề tài, dự án được chia thành 3 nhóm.

Các đề tài NCKH cơ bản, các đề tài nghiên cứu về lợi ích công sẽ được tài trợ 100% từ ngân sách khoa học và được phân bổ 40%-50% tổng kinh phí nghiên cứu hàng năm.

Các đề tài khoa học kỹ thuật, công nghiệp phục vụ cho doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp đầu tư là chủ yếu, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí về chất xám KHCN. Khoản hỗ trợ về kinh phí này sẽ chiếm khoảng 10%-20% kinh phí hàng năm.

Những đề tài, dự án lớn tạo sản phẩm công nghệ mới trên cơ sở công nghệ cao góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế được nhà nước đầu tư ban đầu, sau đó thu hồi kinh phí qua chuyển giao, mua bán công nghệ. Nhóm này chiếm khoảng 30%-40% kinh phí nghiên cứu hàng năm.

Điểm mới thứ ba, bắt đầu từ năm 2007 thực hiện khoán kinh phí nghiên cứu theo Thông tư 93 của Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính. Theo đó, chủ nhiệm đề tài sẽ được chủ động trong một số chi tiêu để thực hiện đề tài hiệu quả hơn.

Nói khác đi các nhà quản lý quan tâm nhiều hơn đến kết quả nghiên cứu nên tạo cơ chế thoáng hơn về chi phí nghiên cứu cho nhà khoa học.

Bán đề tài khoa học, bao giờ?

* Với các điểm mới nêu trên, trách nhiệm ứng dụng các đề tài vào thực tế là của đơn vị đặt hàng. Nhưng nếu việc nghiên cứu tiến hành quá chậm, họ không thể triển khai đề tài vào thực tế thì lỗi của ai, thưa ông?

Nhà khoa học phải gắn chặt với nơi ứng dụng đề tài ảnh 2

... và đây là nơi mà nhà khoa học rao bán đề tài, ý tưởng của mình trực tiếp cho doanh nghiệp. Ảnh: Tấn Ba

* Các quy định về thời gian hoàn thành đề tài nghiên cứu đã được ký từ khi đề tài bắt đầu được thực hiện. Nếu có sự chậm trễ khiến đề tài không thể triển khai ứng dụng được, nhà khoa học phải chịu trách nhiệm.

* Chịu trách nhiệm như thế nào?

* Về vấn đề này, cũng đang có nhiều ý kiến trái ngược. Nhiều người cho rằng cần phải có chế tài trong nghiên cứu. Nhiều ý kiến cho rằng các nhà khoa học sử dụng ngân sách nhà nước để nghiên cứu mà không đúng cam kết ban đầu, không thể không có trách nhiệm.

Có người cho rằng khi đề tài không được hoàn thành đúng hợp đồng, nhà khoa học sẽ không được phép nghiên cứu trong một thời gian nào đó. Nhiều nhà khoa học cũng đồng ý như vậy.

Tuy nhiên, thực tế là chúng ta phải chấp nhận rủi ro trong NCKH. Theo tôi, cần có chế tài, nhưng cũng cần xem xét trường hợp cụ thể. Cũng là thất bại, nhưng bản chất của thất bại có thể khác nhau. Nếu thất bại là do nhà khoa học bỏ bê công việc, không nỗ lực trong nghiên cứu thì không chấp nhận được.

Một thực tế hiện nay là các hợp đồng NCKH không phải là hợp đồng kinh tế, việc thực hiện cũng không được chặt chẽ.

* Ngoài việc thay đổi về chính sách, còn có giải pháp nào để thúc đẩy các nhà khoa học và thị trường xích lại gần nhau hơn không, thưa ông?

* Hiện nay có một điểm rất đáng chú ý là sàn giao dịch ý tưởng - nơi các nhà sáng tạo, nhà khoa học và đơn vị ứng dụng có thể gặp nhau, trao đổi, mua bán các đề tài khoa học, ý tưởng sáng tạo cho nhau theo phương thức tự điều tiết của thị trường. Theo tôi, sàn giao dịch ý tưởng là một trong những bước đi đúng và cần thiết để nhà khoa học và đơn vị ứng dụng đến gần nhau hơn.

* Như vậy, sắp đến sẽ có một sàn giao dịch đề tài NCKH?

* Theo tôi, khoán kinh phí là một bước chuyển dịch trong quá trình chuyển sang mua sản phẩm khoa học. Nếu có thể phát triển thành một thị trường đề tài NCKH, mà ở đó nhà nước hay các doanh nghiệp có thể đặt hàng nhà khoa học và nhà khoa học có thể ra bán công trình nghiên cứu của mình cho doanh nghiệp hay nhà nước, tôi nghĩ lúc đó tính ứng dụng của các đề tài NCKH sẽ được tăng lên rất nhiều so với hiện nay.

* Xin cảm ơn ông.

Báo SGGP mở diễn đàn

Làm gì để ứng dụng nhanh và hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học?

Hiện nay, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học bị đánh giá là thiếu thực tế, không ít đề tài nghiên cứu khoa học không được ứng dụng.

Thực trạng đó là niềm trăn trở của các cơ quan quản lý nhà nước, là bức xúc của người dân phải đóng tiền vào ngân sách hàng năm, cũng là nỗi đau của các nhà khoa học chân chính khi nhìn “đứa con” trí tuệ của mình “được” cất kỹ sau nghiệm thu. Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Và những giải pháp nào để giải quyết?

Trên trang Khoa học – công nghệ của Báo Sài Gòn Giải Phóng từ tuần này mở diễn đàn ghi nhận ý kiến của bạn đọc và các nhà khoa học về thực trạng, giải pháp để tăng cường ứng dụng vào thực tế các đề tài nghiên cứu khoa học…

Các ý kiến, bài viết cho diễn đàn, xin gửi về Ban Khoa giáo Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 432-438 Nguyễn Thị Minh Khai quận 3 TPHCM, ĐT: (08) 8 397628. Những bài viết tốt sẽ được đăng và được trả nhuận bút theo quy định.

Bài viết đầu tiên về vấn đề này, chúng tôi giới thiệu những quan điểm, ý kiến của PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM.

MINH TÚ

Tin cùng chuyên mục