Cây thông đỏ tại Việt Nam: “Vàng” bị lãng quên

Một loại dược liệu quý
Cây thông đỏ tại Việt Nam: “Vàng” bị lãng quên

Trong chuyến về nước vào cuối năm 2006, Tiến sĩ khoa học Trần Khánh Viễn, Việt kiều Pháp, Nghiên cứu viên trưởng Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (C.N.R.S) đã đánh giá rất cao về tiềm năng sản xuất nguyên liệu làm thuốc chống ung thư từ cây thông đỏ của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, thông đỏ dường như vẫn chưa “lọt vào mắt xanh” của các bộ chủ quản có liên quan đến loại cây quý giá này.

Một loại dược liệu quý

Cây thông đỏ tại Việt Nam: “Vàng” bị lãng quên ảnh 1

Kỹ sư Lê Xuân Tùng và thông đỏ được nhân giống trồng thử nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh Lâm Đồng. Ảnh: HOÀNG DUY

Trong lời mở đầu về “Dự án sản xuất thuốc generic chống ung thư Taxol và Taxotere ở Việt Nam”, TS Viễn khẳng định: Hiện nay, trong hóa trị, 2 dược phẩm được sử dụng nhiều và hiệu quả nhất trong điều trị ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi là: Taxol (được phát triển từ phân tử Paclitaxel hoạt hóa của Công ty Bristol Myers Squibb - Mỹ) và Taxotere (được phát triển từ phân tử Docetaxel hoạt hóa của công ty Sanofi – Aventis Pháp). Cả hai hoạt chất này đều được chiết xuất từ vỏ và lá cây thông đỏ, mang về những nguồn thu khổng lồ cho các hãng sản xuất.

Dẫn chứng của TS Viễn cho thấy, trong 10 năm qua, Bristol Myers Squibb đã thu được 11 tỷ USD từ vệc bán Taxol. Riêng Sanofi Aventis, trong năm 2005 đã thu được 1,7 tỷ USD từ việc bán Taxotere.

Theo các chuyên gia về dược, hai loại thuốc này vẫn còn được sử dụng trong nhiều năm tới mặc cho những hứa hẹn ra đời của những thuốc mới, đặc biệt là những liệu pháp tế bào gốc và gen. Tại Việt Nam, chỉ tính riêng Bệnh viện Ung bướu TPHCM, trong năm 2006, số tiền chi để mua các biệt dược từ Paclitaxel và Docetaxel đã lên tới 19 tỷ đồng. Với giá thuốc Taxol và Taxotere hiện rất cao so với mức thu nhập của người dân hiện nay thì hướng sản xuất thuốc generic là vô cùng cần thiết nhất là khi chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ vùng nguyên liệu quý giá là cây thông đỏ.

Theo các nhà khoa học, thông đỏ không phải là loài cây đặc hữu chỉ có ở Việt Nam mà phân bố rải rác suốt từ châu Mỹ, châu Âu sang châu Á. Tuy nhiên loài thông đỏ mọc ở vùng rừng Việt Nam được chứng minh là có giá trị cao hơn thông đỏ ở các vùng khác vì chỉ số tích lũy hoạt chất cao hơn. Theo TS Trần Khánh Viễn, hàm lượng hoạt chất tích lũy trong cây thông đỏ tại Việt Nam tương đương với cây thông đỏ ở Pháp – loại đang được Sanofi Aventis dùng để bào chế Taxotere. Thật có lý khi chúng ta nghĩ đến việc phát triển các trang trại trồng thông đỏ theo mô hình công nghiệp để chiết xuất các phân tử hoạt hóa để bào chế thuốc generic Taxol và Taxotere.

Các cơ quan chức năng không quan tâm

Dù tất cả những lý lẽ, lập luận đều rất chặt chẽ và thuyết phục để thấy sự cần thiết về việc hình thành vùng nguyên liệu thông đỏ tại Việt Nam, nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn không thu hút được sự quan tâm của nhà nước cũng như các bộ chủ quản có liên quan đến loại cây này.

Theo TS Dương Tấn Nhật, Phân viện phó Phân viện Sinh học Đà Lạt, những giá trị của cây thông đỏ chỉ được khuấy động lên ngay thời điểm người ta tìm ra nó tại Việt Nam, nhưng cũng chỉ ở mức cảnh báo về nguy cơ diệt vong của loài cây này và đặt vấn đề làm sao bảo tồn chứ không nói đến vấn đề phát triển, không xem đây là một vấn đề xã hội.

Sau đó, thông đỏ gần như đã bị lãng quên. Những dự án về cây thông đỏ phần lớn được các nhà khoa học tâm huyết thực hiện bằng những nguồn kinh phí chắp vá hoặc kêu gọi tài trợ với nguồn kinh phí hỗ trợ rất ít ỏi từ các tổ chức khoa học.

Theo “nhật ký khoa học” của các cán bộ Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh Lâm Đồng thì ở Việt Nam, vào năm 1995, Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia khảo sát tại vùng Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình đã gặp 5 cây thông đỏ bên trái dòng núi đá vôi. Riêng ở Lâm Đồng đã phát hiện một loài thông đỏ Himalaya mọc rải rác ở vùng rừng Đà Lạt và một số huyện lân cận.

Đến năm 2004 tại Đà Lạt, các nhà khoa học tiếp tục phát hiện ra 2 quần thể cây thông đỏ. Quần thể thứ nhất nằm ở núi Voi, trải trên diện tích chừng 10ha, với 60 cây. Quần thể thứ hai nằm trong những thung lũng thuộc địa phận Phát Chi, thuộc xã Xuân Trường, giáp ranh giữa huyện Đơn Dương với thành phố Đà Lạt, với số cây đếm được 200, trên diện tích khoảng 50ha.

TS Dương Tấn Nhật cho biết: Cho đến nay, Phân viện Sinh học Đà Lạt đã nghiên cứu thành công nhiều chương trình liên quan đến cây thông đỏ như: nhân giống hữu tính, vô tính; nuôi cấy tế bào thông đỏ…, nhưng chưa có bất cứ một chương trình nào lấy nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Phần lớn là chia sẻ nguồn kinh phí từ các đề tài khác sang hoặc kêu các quỹ hỗ trợ như dự án nghiên cứu tế bào thông đỏ sử dụng nguồn kinh phí khá nhỏ nhoi (khoảng 75 triệu đồng) do Quỹ Hỗ trợ Phát triển Châu Á cấp.

Riêng tại Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh Lâm Đồng, dự án trồng thử nghiệm 3ha thông đỏ cũng chỉ thu hút được nguồn kinh phí ít ỏi từ Sở Khoa học – công nghệ tỉnh với 100 triệu đồng. Sau 3 năm, dự án đã hoàn tất trong im lặng.

Dù nguồn kinh phí ít ỏi là vậy nhưng các nhà khoa học tâm huyết đã nghiên cứu thành công nhiều vấn đề hữu ích để nhân rộng và phát triển cây thông đỏ. Theo TS Nhật, cho đến nay, chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ về việc nhân giống bằng phương pháp vô tính giâm hom. Việc trồng trọt, nghiên cứu điều kiện sinh thái cho cây phát triển cũng đã được Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh Lâm Đồng thực hiện với 3ha thông đỏ được trồng ở trại thực nghiệm Mang Linh. Đây là một điều kiện rất tốt để Việt Nam có thể hình thành và phát triển thông đỏ thành vùng nguyên liệu quý giá.

Tuy nhiên, theo TS Nhật, để có thể khai thác được giá trị kinh tế rất cao từ cây thông đỏ thì điều cần thiết nhất vẫn là sự quan tâm đúng mức của nhà nước hoặc các bộ chủ quản có liên quan đến cây trồng này.

Kim Liên

Tin cùng chuyên mục