Trăn trở... công nghệ cao

Trăn trở... công nghệ cao

Buổi góp ý dự thảo Luật Công nghệ cao do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức ngày 12-9 không chỉ đơn thuần là một buổi góp ý dự thảo luật mà còn như một diễn đàn để các đại biểu, những nhà khoa học, những nhà quản lý công nghệ cao thổ lộ những băn khoăn, bức xúc và trăn trở của mình…

Cho tôi định nghĩa

Trong dự thảo Luật Công nghệ cao có đưa ra hai phương án để định nghĩa cho cụm từ công nghệ cao (CNC). Có đại biểu đồng ý với phương án một, có đại biểu đồng ý với phương án hai, cũng có đại biểu không hoàn toàn đồng ý với phương án nào, chỉ là “thích cái này hơn cái kia”. Thế nhưng, đối với một dự thảo luật, vấn đề không phải là thích hay không thích, mà là những định nghĩa đó phải chính xác để xem xét tới đối tượng điều chỉnh của luật.

Bà Lê Thị Thanh Mỹ, Phó Trưởng ban quản lý Khu CNC TPHCM bức xúc về vấn đề thường gặp trong thực tế của mình: “Tiêu chí cụ thể cho các doanh nghiệp CNC, các cơ sở đào tạo CNC hiện nay có nhưng… rất khó áp dụng. Ví dụ như quy định rằng các doanh nghiệp CNC phải có đầu tư 5% cho nghiên cứu và phát triển.

Thực tế, đối với các doanh nghiệp CNC lớn trên thế giới, phần nghiên cứu phát triển họ đều đặt tại nước chủ nhà. Doanh nghiệp cơ sở đặt tại Việt Nam là doanh nghiệp sản xuất. Quy định này nhiều lúc làm chúng tôi tìm không ra doanh nghiệp. Một khó khăn khác có thể nêu ra là đơn vị đào tạo nhân lực CNC. Như thế nào là nhân lực CNC? Thế nào là không phải đào tạo nhân lực CNC? Quả thực rất khó để phân định rạch ròi, trong luật cũng không đề cập đến”.

Trăn trở... công nghệ cao ảnh 1

Đóng gói thành phẩm vỏ máy vi tính của Công ty Allied - Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đối với nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, như thế nào là đào tạo nhân lực CNC vốn không chỉ là một câu hỏi để mà… chơi. Điều 27 của dự thảo Luật CNC quy định các cơ sở đào tạo nhân lực CNC được những ưu đãi về thuế, hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị đào tạo nhân lực CNC, có tài trợ hỗ trợ từ các quỹ KHCN…

Đối với Giáo sư Phạm Phụ, đó là một quy định nguy hiểm, dễ mang màu sắc “xin-cho” và có thể gây thất thoát lớn, đơn giản chỉ vì không có tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là đơn vị đào tạo nhân lực CNC. Không xác định rõ ràng được, mà cứ ưu đãi nhiều, là rất nguy hiểm!

“Thực ra không có đơn vị đào tạo nào mở ra để đào tạo ra những người có óc tò mò, thích tìm tòi khám phá sáng chế khoa học. Trong thực tế, khi xem xét hồ sơ xin vào khu CNC TPHCM, chúng tôi đành phải xét duyệt cho các đơn vị đào tạo cung ứng nguồn nhân lực cho khu CNC trước” bà Mỹ cho biết.

Câu chuyện từ ngữ đối với dự thảo luật CNC còn được nhắc đến ở danh mục 4 lĩnh vực CNC được tập trung đầu tư phát triển là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa.

Theo các đại biểu, liệt kê thành danh sách như vậy, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, thì danh sách này vừa thừa, vừa thiếu. Nếu luật mà không chỉ ra được cụ thể từng loại hình nào là CNC được ưu tiên, thì khi áp dụng vào thực tế, các đơn vị lại có thể bị làm khó khi muốn chứng minh rằng mình là doanh nghiệp CNC!

Lo tổng quan, buồn chi tiết

Buổi tọa đàm góp ý về dự thảo luật CNC của đoàn đại biểu quốc hội TPHCM có những ý kiến đáng chú ý về sự phát triển của KHCN nước ta hiện nay, chứ không chỉ đơn thuần góp ý cho một dự thảo luật. Đối với Giáo sư Hoàng Anh Tuấn, một vấn đề rất quan trọng hiện nay là cái nhìn về hoạt động khoa học công nghệ. Trọng tâm của cái nhìn đó là cái nhìn bao cấp, hay cái nhìn theo nền kinh tế hướng thị trường.

Theo các nhà khoa học, khi nhìn theo cái nhìn của nền kinh tế hướng thị trường, thì việc phát triển khoa học công nghệ không chỉ là việc của nhà nước. “Chúng ta dành hơn 2% ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ là một tỷ lệ đầu tư không lớn so với các quốc gia khác trên thế giới. Thế nhưng, số tiền đầu tư này đã khiến cho đầu tư từ ngân sách nhà nước của chúng ta chiếm 80%-90% tổng đầu tư cho khoa học công nghệ. Trong khi đó, tỷ lệ tương ứng ở Trung Quốc là 30%, ở EU là 13%, ở Nhật là 9%, ở Hoa Kỳ là 8%” - Giáo sư Phạm Phụ cho biết.

Điểm khác biệt ở đây, theo Giáo sư Phạm Phụ, trong khi các nước phát triển đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp thì ở nước ta hiện nay, phần lớn đầu tư chỉ là từ nhà nước.

Theo các nhà khoa học, trong định hướng phát triển khoa học công nghệ nói chung, các nhà hoạch định chính sách cần phải phân định rõ ràng giữa khoa học và công nghệ. “Khoa học” thì có thể phổ biến rộng rãi, khó có thể thương mại. Còn “công nghệ” thì độc quyền và có thể mua, bán, chuyển giao. Với định hướng này, nhà nước nên tập trung đầu tư vào khoa học và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ nhiều hơn.

Một băn khoăn lớn khác của các nhà khoa học là chúng ta xác định các mục tiêu phát triển khoa học công nghệ còn chung chung quá, dàn trải quá. Thậm chí, có đại biểu còn hồ nghi rằng: hình như chúng ta mong muốn rất nhiều từ khoa học công nghệ và CNC, nhưng lại… chưa hiểu rõ lắm về nó! Dẫn chứng mà đại biểu này đưa ra là những quy định chung chung, dàn trải, và những quyết định về ưu đãi cho CNC lúc nới ra, lúc siết lại và những định hướng phát triển CNC tràn lan trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực…

Xem ra, câu chuyện về phát triển khoa học công nghệ, phát triển CNC vẫn đang còn nhiều trăn trở. 

MINH TÚ

Tin cùng chuyên mục