Trường đại học chưa “buông” hệ cao đẳng

Theo Thông tư 32/2015 của Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ năm 2016, cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đang đào tạo hệ cao đẳng (CĐ) mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo CĐ ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015, để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020. 

Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn nhiều trường bất chấp quy định trên trong khi chất lượng đào tạo hệ ĐH vẫn cứ làng nhàng. 

Trường bỏ, trường không

Tuân thủ quy định của Thông tư 32, một số trường tại TPHCM như ĐH Nông Lâm, ĐH Sài Gòn, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM… đã chủ động dừng tuyển sinh hệ CĐ cách đây vài năm. Tuy nhiên, từ kết quả tuyển sinh của nhiều trường ĐH trong năm 2018 cho thấy còn nhiều trường vẫn tuyển sinh hệ CĐ với chỉ tiêu rất lớn. 

Từ năm 2016, Hội đồng tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM đã từng đề nghị cắt giảm và tiến tới bỏ tuyển sinh hệ CĐ ở 2 trường thành viên là ĐH Khoa học Tự nhiên (ngành Công nghệ thông tin) và ĐH Bách khoa (ngành Bảo dưỡng công nghiệp).

Tuy nhiên, trong năm 2018, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên vẫn còn tuyển sinh. Hai trường ĐH lớn của Bộ Công thương là Công nghiệp TPHCM và Công nghiệp thực phẩm TPHCM vẫn còn tuyển hàng ngàn chỉ tiêu cho hệ CĐ.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết: “Năm nay, hệ CĐ tuyển sinh tốt hơn nhiều. Năm 2017 chỉ tuyển được 2.400 chỉ tiêu và năm nay tuyển được 3.500 chỉ tiêu”.

Trường đại học chưa “buông” hệ cao đẳng ảnh 1 Trường ĐH Công nghiệp TPHCM vẫn tuyển hàng ngàn chỉ tiêu cho hệ CĐ
Theo ông Nhân, chỉ tiêu này không cần báo cáo hay xin phép Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH), bởi vì khi thành lập trường đã được phê duyệt cho tuyển sinh hệ CĐ.

Trong khi đó, theo Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, trường đăng ký 1.200 chỉ tiêu cho 9 ngành và đến nay tuyển được 800 sinh viên. Trường vẫn tuyển sinh vì một số ngành có nhu cầu và để có giờ dạy cho giảng viên.

Trường ĐH Công nghệ TPHCM tuyển đến 15 ngành và tổng chỉ tiêu là 1.500, bằng với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017. Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM sau khi bỏ tuyển sinh hệ CĐ vào năm trước thì năm nay tuyển sinh trở lại hệ CĐ, do sáp nhập thêm Trường CĐ Tài chính Hải quan.

Đối với trình độ trung cấp, hiện nay gần như 100% các trường ĐH công lập đã không còn đào tạo. Tuy nhiên, các trường ĐH tư thục vẫn “lách” bằng cách mua lại các trường trung cấp rồi thành lập pháp nhân riêng để tuyển sinh và đào tạo.

Tập trung nâng cao chất lượng ĐH và sau ĐH 

Luật Giáo dục ĐH năm 2012 đã phân định rõ cơ sở giáo dục ĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm trường CĐ, trường ĐH/học viện, ĐH vùng/ĐH quốc gia, viện nghiên cứu khoa học và các trình độ đào tạo gồm CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ.

Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 1 Quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ về Điều lệ Trường ĐH (năm 2014) quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rất rõ: “Điều lệ này áp dụng đối với trường ĐH/học viện đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các loại hình công lập, tư thục trong hệ thống giáo dục quốc dân”.

Rõ ràng, trong Điều lệ Trường ĐH không hề có đào tạo hệ CĐ. Đến năm 2015, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 32 và trong đó cũng quy định các trường ĐH phải dừng tuyển sinh hệ CĐ trước năm 2020.

Hiện nay, dự thảo sửa đổi và bổ sung một số điều Luật Giáo dục ĐH năm 2012 (đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến và sẽ trình Quốc hội trong tháng 10-2018) cũng quy định tại khoản 2, Điều 6: “Các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH bao gồm trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ”. 

Từ thực tế đào tạo, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: “Trường đã bỏ đào tạo hệ CĐ cách đây 4 năm để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo hệ ĐH, sau ĐH”. Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, trường đã dừng tuyển sinh hệ CĐ từ năm 2014 cũng với lý do tương tự.

Trong bối cảnh hệ CĐ đã chuyển giao về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐTB-XH thì các trường ĐH cần phải dừng ngay việc tuyển sinh và đào tạo.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Trường ĐH và CĐ có sứ mạng của mình. Trường ĐH chỉ nên đào tạo ở trình độ thấp hơn trình độ cử nhân khi ở khu vực không có trường CĐ hay trung cấp đào tạo ngành mà ở trường ĐH đang có tiềm năng.

Việc các trường ĐH đào tạo CĐ hay TC có thể dẫn đến chồng chéo ngành nghề đào tạo, phá vỡ quy hoạch và phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của các trường CĐ, TC trong khu vực”.

Cũng theo chuyên gia này, khi các trường ĐH “ôm” nhiều chỉ tiêu CĐ thì phải rút bớt chỉ tiêu ĐH, sao cho đảm bảo tỷ lệ sinh viên quy đổi trên một giảng viên theo quy định. Nhưng điều này lại do 2 cơ quan quản lý (Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH) nên rất khó.

Theo danh sách mà Bộ GD-ĐT rà soát năm 2014, dẫn đầu trong số những cơ sở ĐH có ngành CĐ không đạt chuẩn theo Thông tư 08 là những trường ĐH địa phương. Đáng chú ý, nhiều trường có uy tín ngay tại TPHCM cũng có tên trong danh sách này như: ĐH Sài Gòn 11 ngành, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM 4 ngành. Nhiều trường ngoài công lập như ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Hoa Sen,  ĐH Công nghệ Đồng Nai… cũng có nhiều ngành không đủ điều kiện.

Tin cùng chuyên mục