Trường Học sinh miền Nam Vĩnh Yên Vĩnh Phú 1968 - 1972

Vừa qua NXB Văn hóa Văn nghệ TP ra mắt cuốn sách Trường Học sinh miền Nam Vĩnh Yên Vĩnh Phú 1968 - 1972 do nhà nghiên cứu Cao Văn Dũng chủ biên. 
Trường Học sinh miền Nam Vĩnh Yên Vĩnh Phú 1968 - 1972 ảnh 1
“Học sinh miền Nam” (HSMN) là khái niệm chỉ một nhóm xã hội đặc biệt, chưa có tiền lệ, tồn tại tại miền Bắc Việt Nam, giai đoạn từ năm 1954 - 1975. Ước tính, đã có khoảng 30.000 học sinh được đưa từ miền Nam ra miền Bắc để đào tạo nhằm chuẩn bị lực lượng cho công cuộc tái thiết miền Nam sau ngày thống nhất đất nước.
Tuy tồn tại và đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam trước và cả sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng lại có quá ít các tài liệu, sách báo viết về đội ngũ này.
Cách nay vài năm, đã có cuốn Học sinh miền Nam - Tư liệu và Kỷ niệm do một nhóm cựu học sinh miền Nam thực hiện. Đây được xem là một tác phẩm đặt vấn đề nghiên cứu HSMN một cách toàn diện và khoa học. Lần đầu tiên, HSMN được phân loại rõ ràng và phân chia thành 3 thế hệ, đánh dấu một bước tiến trong việc nghiên cứu nhóm xã hội đặc thù này.
Để khắc họa sâu hơn về HSMN, mà ở đây là nhóm thuộc thế hệ thứ hai (xuất hiện trong thời gian 1959 - 1969) - được đánh giá là thế hệ tiêu biểu nhất của cộng đồng HSMN, vừa qua NXB Văn hóa Văn nghệ TP ra mắt cuốn sách Trường Học sinh miền Nam Vĩnh Yên Vĩnh Phú 1968 - 1972 do nhà nghiên cứu Cao Văn Dũng chủ biên. Cuốn sách gồm 3 phần chính là: Tư liệu, Kỷ niệm Kỷ yếu. 
Phần Tư liệu gồm hơn 100 tư liệu lưu trữ, được chọn lọc liên quan đến tổ chức, hoạt động và sinh hoạt, học tập, việc nuôi dạy học sinh của trường. Ở phần này, nhóm thực hiện còn tìm lại được những văn bản trình bày các vấn đề của thầy cô giáo, văn bản trả lời của các cá nhân, cơ quan chức năng, các biên bản xử lý những sự việc xảy ra… Thông qua phần này, bạn đọc có thể hình dung khái quát thực tế sinh sống, lao động, học tập của học sinh khi đó.
Phần Kỷ niệm gồm bài viết, thơ, ca khúc của hơn 20 học sinh, giáo viên về các thầy cô giáo, bạn bè và cha mẹ  - những người có ảnh hưởng tới quá trình hình thành tính cách, sự trưởng thành về nhận thức và số phận nhiều học sinh. Tuyệt đại đa số học sinh Trường HSMN Vĩnh Phú thuộc thế hệ thứ hai, bị tách khỏi sự chăm sóc, dạy dỗ của gia đình khi còn rất nhỏ, ở lứa tuổi còn chưa biết mình mấy tuổi, cha mẹ là ai, làm gì ở miền Nam và được đưa ra miền Bắc để làm gì. Những đứa trẻ ấy được đưa vào môi trường sống tập thể trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh ở cả 2 miền Nam - Bắc, khi cả dân tộc đang trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn; đội ngũ những người nuôi dạy thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ giáo dưỡng trong môi trường tập thể; hệ thống quản lý bị động và còn nhiều bất cập; mô hình tổ chức nhà trường chưa định hình và luôn thay đổi; cơ sở sinh hoạt và học tập chưa thật phù hợp với mục tiêu giáo dục; lương thực thực phẩm không đáp ứng được nhu cầu của lứa tuổi đang phát triển... 
Phần Kỷ yếu, ghi lại tiểu sử tóm tắt của học sinh, một số giáo viên và những người quản lý, giáo dưỡng đã có công nuôi dạy học sinh của trường trên cơ sở các tư liệu thu thập được. 
Ngoài ý nghĩa nhìn lại quá khứ bản thân của HSMN Trường Vĩnh Phú, cuốn sách ra đời còn trùng với dịp kỷ niệm 50 năm HSMN về học tập tại Vĩnh Phú, như lời tri ân của học sinh đối với chính quyền và nhân dân Vĩnh Phú thời gian 1968 - 1975.
Thông qua những tư liệu thực tế, cuốn sách đã cho thấy, dù với rất nhiều gian nan, khó khăn, nhưng với tâm huyết của đội ngũ giáo dưỡng, sự quan tâm đặc biệt của nhiều cán bộ miền Nam ra Bắc công tác, sự chăm lo của chính quyền từ Trung ương tới địa phương, cũng như sự bảo bọc của nhân dân Vĩnh Phú, đặc biệt là với môi trường tập thể, với nhận thức về truyền thống gia đình, nhiều học sinh Trường HSMN Vĩnh Phú sau khi trưởng thành đã có những đóng góp không nhỏ cho đất nước. Ước tính, trong tổng số 350 học sinh khi ấy, hiện có 40 người là thứ trưởng, cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh thành, quan chức ngoại giao, sĩ quan cao cấp trong quân đội và công an, giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc ưu tú, doanh nhân thành đạt… 

Tin cùng chuyên mục