Máy hát đĩa nhựa: Thú chơi của người hoài cổ

Máy hát đĩa nhựa: Thú chơi của người hoài cổ

Không cần hỏi chơi đĩa nhựa có tốn kém và công phu không, bởi máy hát phono (tên nguyên gốc tiếng Anh) đã tự sàng lọc đối tượng. Những người chơi đĩa nhựa hiện nay tại TPHCM không nhiều, tuổi đời của họ không dưới 40. Và vốn liếng chắt chiu cho máy hát, kim và đĩa… của một số người thích sưu tầm đĩa nhựa đã lên đến tiền tỷ.

Từ “nghiện” đĩa nhựa

Máy hát đĩa nhựa: Thú chơi của người hoài cổ ảnh 1
Dàn máy phono và một số đĩa nhạc xưa. Ảnh: PHAN HOÀNG THÁI

Xin được mở đầu bằng câu chuyện với anh Tiến “phono”, người am hiểu máy hát cũ và sẵn sàng bỏ hàng giờ để nói về món “đồ chơi” này. Nhà Tiến ở quận Bình Thạnh, anh thường đi mua đĩa nhạc ở gần rạp Nam Quang đường Võ Văn Tần và riết thành thói quen. Tiến thích nhất là sưu tầm món đồ cổ: mâm phono.

Cách đây 20 năm, anh thường la cà ở những khu vực “đĩa nhựa ve chai” trên đường Lê Văn Sỹ, Nguyễn Chí Thanh lùng sục, mua với giá bèo mấy chục đĩa nhạc Mỹ về để lựa lại những cái tốt nhất rồi cất để dành. Anh cũng không nghĩ rằng có ngày mình được nghe lại những âm thanh cổ điển đó. Đến nay, Tiến vẫn đam mê với thú vui sưu tầm này dù biết rằng rất tốn kém.

Thử làm một phép tính, giá đĩa nhựa trung bình được sang tay nhau ngót nghét 100.000đ/đĩa, với những đĩa còn cứng, mới thì giá còn cao hơn. Sở dĩ nhiều người có cái thú vui với đĩa nhựa, máy hát xưa chỉ vì cảm thấy lực hút từ kỹ thuật thủ công: các thao tác trên máy đều phải dùng tay, mở cần bằng tay, lắp kim bằng tay, chọn track cũng bằng tay và khi không nghe nữa cũng phải tự tay lấy nó ra. Giải trí với máy hát đĩa nhựa giúp tâm hồn những người hoài cổ thanh thản và yêu đời hơn.

Một tay chuộng loại đồ cổ này nữa là Hùng “loa”. Trước, Hùng mê sưu tầm loa, sau này, trong lúc lang thang kiếm loa anh thấy các máy hát, mâm phono, máy ma-nhê cũ quá thú vị nên đổi hướng sưu tầm. Hùng cho biết, anh đã từng “săn” mâm phono từ những năm 1980 khi những chiếc mâm Nhật bày bán đợt cuối cùng tại thành phố.

Đam mê vật lý với sức hấp dẫn từ dàn máy phono, anh mua lại những chiếc máy cũ, máy hư của nhiều hãng với đủ nhãn hiệu. Lúc này, có ba mặt hàng máy hát cũ của Nhật, Mỹ và Liên Xô. Hiện, Hùng có phòng trưng bày những món “đồ chơi” của mình ở đường Lạc Long Quân với hơn 100 mâm phono đã được tu sửa và một cửa hàng mua bán, tân trang máy ma-nhê tại chợ Nhật Tảo.

Nhiều tay chơi đĩa nhựa tiết lộ, họ chơi đĩa nhựa chỉ vì có được cảm giác cầm và nghe nó. Thậm chí để bảo vệ đĩa, bạn có thể dùng nước để rửa, điều không thể áp dụng cho đĩa CD hay DVD.

Kim đĩa nhựa là báu vật

Kể một chút về cái gọi là công phu của trò chơi mâm cổ, nhất là phải sưu tầm từng linh kiện vì mỗi loại mua một nơi. 20 năm trước ở TPHCM, những món hàng này tập trung nhiều ở khu vực quận 1. Nguồn đĩa khá đa dạng. Đa số và phổ biến nhất là loại đĩa 33 vòng cải lương, nhạc trẻ Sài Gòn và đĩa jazz thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ trước.

Hiện nay, chuyện chơi kim đĩa nhựa khá gian nan. Không may nếu mâm máy hát có kim dính cần thì gần như “vô phương cứu chữa”, lỡ tay để đĩa vào thì coi như đĩa bị… cày nát. Nếu sở hữu mâm có cần kim rời, khi kim hư, người chơi đĩa nhạc phải cất công lùng kiếm ở chợ Nhật Tảo hoặc tìm ở khu chuyên bán đồ cũ cuối đường Lý Nam Đế thì may ra mới có và giá cũng khá cao. Có khi bỏ ra cả 300.000đ để mua một cây kim cũ nhưng đem về chưa chắc đã dùng được, bởi kích cỡ đầu nối không giống nhau, xui nữa gặp phải kim mòn nhiều thì... bó tay! Bởi kim quyết định cho mâm phono.

Nhãn hàng phổ biến hiện nay vẫn là kim Shure với hột đọc kim cương, giá mềm cũng 500.000đ/cái. Nếu muốn hàng xịn có thể tìm đến tiệm H. trên đường Huỳnh Thúc Kháng để sở hữu những cây kim chất lượng với giá trung bình 200 USD.

Đến cà phê đĩa nhựa

Từ 10 năm trước, quán cà phê Era trên đường Trần Quốc Thảo chuyên mở đĩa nhựa phục vụ khách, dòng nhạc country và nhạc pop đương thời là sở trường ở đây. Ngày nay, rất hiếm thấy mâm phono trong quán cà phê. Những người mê mặt hàng đồ cổ này chỉ có thể tìm đến vài quán như Nguyệt Ca trên đường Lê Văn Sỹ. Với tâm niệm muốn tìm lại cảm xúc và cảm giác của ngày xưa, chủ quán trưng hai mâm phono ở nơi trang trọng nhất và thường mở âm nhạc của Elvis, Frank Sinatra.

Ngày nay, tại TPHCM vẫn còn nhiều người chuộng nghe đĩa nhựa vào mỗi buổi sáng hay khi đêm xuống. Cái cảm giác lâng lâng khi nghe hát mới thú vị làm sao. Đặt cái mâm kim xuống, họ nhìn những vòng quay để cảm nhận cuộc đời. Khi ấy với họ, quá khứ, hiện tại và tương lai như hiện ra từ những vòng quay đĩa nhựa.

PHAN HOÀNG THÁI

Tin cùng chuyên mục