Ước vọng “thời thanh xuân”

Nằm thọt lỏm dưới thung lũng ở đường Triệu Việt Vương, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), “Nhà của thời thanh xuân” là nơi các tình nguyện viên giúp đỡ, định hướng nghề nghiệp cho những người bị câm điếc, nhằm giúp họ tự tin tiếp xúc và trang bị kỹ năng khi ra ngoài cộng đồng.
 
Dưới mái “Nhà của thời thanh xuân”, các thành viên bị khuyết tật được học cách làm nhiều công việc để tự tin trong cuộc sống
Dưới mái “Nhà của thời thanh xuân”, các thành viên bị khuyết tật được học cách làm nhiều công việc để tự tin trong cuộc sống
Anh Võ Thành Luân (30 tuổi), người sáng lập dự án “Nhà của thời thanh xuân”, chia sẻ, trước khi về đây các thành viên bị câm điếc có một sự mặc cảm khi tiếp xúc với người bình thường, đặc biệt là với người lạ. Vì vậy, dự án “Nhà của thời thanh xuân” hướng tới giúp đỡ những bạn bị câm điếc đang trong độ tuổi thanh xuân (quãng thời gian đẹp nhất của đời người), có thể làm việc, tự tin trong giao tiếp, để có thể hòa nhập cùng cộng đồng. Mỗi thanh niên bị câm điếc đến đây có hai năm để trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, rèn luyện tác phong làm việc, tích lũy vốn để sau này có thể tự lập.|

Thông qua một tình nguyện viên đến từ TPHCM làm “phiên dịch”, chúng tôi trò chuyện với Lê Thị Thu Trang (23 tuổi, quê ở Di Linh, Lâm Đồng), một cô gái bị câm điếc bẩm sinh. Thu Trang cho biết, rất hạnh phúc vì được học nhiều thứ mình thích như làm bánh, nấu ăn… được gặp những người bạn mới mỗi khi ghé thăm nhà của thời thanh xuân. Thu Trang là người câm điếc đầu tiên đến với “Nhà của thời thanh xuân”, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm và với số vốn nho nhỏ, cô chuẩn bị ra ngoài tự lập. Còn với chị Nguyễn Hoàng Dung (29 tuổi, quê ở TP Bảo Lộc), từng có khoảng thời gian đi làm tại xưởng may công nghiệp, nhưng do câm điếc và bị phân biệt đối xử trong giao tiếp nên phải nghỉ việc ở nhà. Khi biết tới dự án chị liền đăng ký tham gia. Bây giờ, ngoài thời gian làm bánh và tinh dầu thơm, chị Dung còn được học thêm cách pha các loại trà để phục vụ miễn phí cho khách tới thăm nhà, với chị niềm vui đơn giản là được mọi người trân trọng, đồng cảm, được chia sẻ những gì mình làm được.

Hiện nay chi phí để duy trì hoạt động của các thành viên trong Nhà của thời thanh xuân dựa vào việc bán xà phòng thơm và tinh dầu thảo mộc như sả, cam, quế, oải hương, trà xanh, bạc hà… cho 15 đầu mối ở Đà Lạt, TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng… 

Ngoài việc được lo toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại, mỗi thành viên câm điếc đều nhận “lương” từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng để làm vốn sau này khi rời khỏi mái nhà chung. Bên cạnh đó, khi biết tới dự án, một số nghệ nhân, thợ lành nghề mong muốn tới “góp sức” bằng việc chia sẻ, hướng dẫn cách vẽ tranh, làm các vật dụng handmade (sản phẩm làm bằng tay), nấu ăn để các bạn câm điếc tiếp xúc và lựa chọn công việc phù hợp với mình. “Chúng tôi thường xuyên động viên các bạn rằng “Nhà của thời thanh xuân” chỉ là nơi dừng chân ở thời điểm nào đó, các bạn phải kiên trì học nghề để tự xây dựng cuộc sống cho mình. Sau khoảng thời gian ở trong ngôi nhà chung, các bạn sẽ được đào tạo, định hướng công việc theo sở thích, có một khoản vốn nhất định và quan trọng nhất là các bạn đó sẽ lấy được sự tự tin khi ra ngoài làm việc. Về lâu dài, chúng tôi sẽ mở thêm nhiều mái nhà chung tương tự tại địa các phương khác để giúp đỡ nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn”, anh Luân tâm sự.

Tin cùng chuyên mục