Vài lời với ông Phạm Xuân Nguyên

Tôi có đọc bài “Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu” của ông trên báo Thể thao - Văn hóa ngày 13-4-2007. Ở bài viết này, có một điều khá thú vị được ông đặt ra là “Lựa chọn in lại những tác phẩm có giá trị văn chương của các nhà văn, nhà thơ từng sáng tác ở Sài Gòn giai đoạn 1954 - 1975 là nhìn văn học ở tư cách văn học dưới con mắt lịch sử. Hơn thế, đó còn là đưa trả lại cho văn chương nước nhà những giá trị xứng đáng của nó...”.

Cái câu “nhìn văn học ở tư cách văn học dưới con mắt lịch sử” của ông, làm tôi nhớ lại một thực tế ở miền Nam cả thời chống Pháp và chống Mỹ, không biết người dân nhìn văn học với tư cách văn học dưới con mắt lịch sử như thế nào mà cả người biết chữ lẫn không biết chữ, nhiều người đã thuộc làu truyện thơ “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiểu. Trí tuệ hơn như việc Giáo sư Trần Văn Giàu khi còn trẻ, chuẩn bị đi Pháp du học, vợ của ông mua hai quyển “Lục Vân Tiên” đưa tặng ông một quyển, còn một quyển bà giữ lại. Sau mấy chục năm xa cách vì chiến tranh liên miên, khốc liệt, khi gặp lại hai quyển “Lục Vân Tiên” vẫn còn.

Ở truyện “Lục Vân Tiên”, người viết là cụ Nguyễn Đình Chiểu muốn mượn khái niệm trung, hiếu, tiết, nghĩa để gởi tới người đọc tinh thần yêu nước thương dân và chống lại bọn nối giáo cho giặc, bọn bất tín, bội nghĩa và cả những nọc độc của bọn cướp nữa. Có người nói với tôi một ý mà tôi rất tâm đắc: “Đừng nghĩ cái câu nghe có màu sắc thần thoại như “Thấy người cốt đột biến hô yêu tà” chỉ là chuyện bùa phép hoang đường mà phải hiểu được hàm ý của cụ Đồ Chiểu muốn ám chỉ “biến hô yêu tà” chính là nọc độc của giặc làm hại dân ta đó”.

Với cái nhìn của người đọc, qua bài viết của ông, tôi lại thấy cách nhìn văn học ở tư cách văn học của ông trong vấn đề tái bản sách của Dương Nghiễm Mậu chưa ổn. Dưới con mắt lịch sử của ông, tôi cũng thấy có điều phi lịch sử. Ông cho rằng “Đọc văn Dương Nghiễm Mậu là đọc những day dứt, lựa chọn của người trí thức, người sĩ phu trước một hiện tại lịch sử: Hành động hay không hành động, hành động vì cái gì, hành động theo hướng nào. Cả tập Nhan sắc gần như có thể nói là được viết cho đường hướng tư tưởng này...”. Tôi tin là ông chưa được đọc tập Nhan sắc “thật” (bản gốc xuất bản năm 1969 kia chứ không phải bản vừa được tái bản). Nếu đã đọc, tôi cũng tin rằng ông không thể có những nhận xét như bài báo ông đã viết. Trong trường hợp đã đọc rồi mà ông còn viết như vậy thì... rất tiếc, không còn gì để nói.

Tôi xin trích một đoạn trong bản gốc của tập truyện này như sau:

- “Nơi chúng ta đang đứng đây người ta gọi là vùng tự do hay vùng giải phóng, còn bên kia sông được gọi là vùng địch hay vùng tề. Muốn cộng tác với Pháp thì qua sông, muốn sống trong giam hãm đày đọa hay chết thì ở lại đây. Anh thấy chưa, bây giờ đâu phải thời của Kinh Kha, còn Kinh Kha thì Kinh Kha cũng bó tay. Bây giờ có nhiều đất Tần bất trắc, nhiều Tần Thủy Hoàng, nhiều sông Dịch phải vượt qua... Chiến sĩ một đi không trở lại, tôi không chấp nhận quan niệm ấy, lên đường là phải nghĩ đến ngày trở về, nhưng đó là chuyện khác, bây giờ anh qua sông hay ở lại?

- Còn anh, anh lựa chọn đường nào?

- Tôi từ chối lựa chọn cả hai con đường ấy. Ai buộc chúng ta phải chấp nhận con đường có sẵn?...”. (trang 179 - 180)

Tôi xin trích thêm một đoạn nữa trong truyện Gào thét cũng in năm 1969: “Đứng về phía Pháp để chiến đấu tự nhận là có chánh nghĩa được sao? Đứng về phía Việt Minh là cộng sản. Giữa hai lựa chọn bắt buộc phải nhận, Thạch và những bạn, những người cùng lứa với Thạch chắc chắn sẽ lựa chọn đứng về phía Việt Minh dù không phải là cộng sản. Đứng về phía đó để rồi bị thắt cổ. Nhưng tại sao không có một lựa chọn cho một con đường thứ ba. Điều này Thạch không thể tìm kiếm, vì Thạch là thanh niên, còn ở tuổi hành động, ở tuổi cảm tính còn mạnh. Đó là thực tế chua xót nhất”. (trang 58-59)

Nếu đã đọc dưới con mắt lịch sử, tôi cũng không biết ông có biết con đường thứ ba đó là con đường nào không, chứ những người đã từng sống ở đất Sài Gòn hồi đó đều biết rằng con đường đó là con đường Mỹ - Diệm với chiêu bài là “quốc gia”, cũng bài phong (truất phế Bảo Đại), đả thực (đuổi Pháp để rước Mỹ) đồng thời đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém khắp miền Nam để chặt đầu những ai “theo cộng” và “thân cộng” (cũng cần nói thêm là sau khi Diệm đổ, người ta cũng hè nhau chửi Diệm nhưng chế độ Sài Gòn cũ vẫn tiếp tục đi theo con đường của Diệm và mục tiêu số một vẫn là chống cộng).

Với vài đoạn trích trên, tôi thấy cái day dứt lựa chọn của Dương Nghiễm Mậu cũng rõ ràng, rành mạch chứ đâu có gì mù mờ, khuất lấp và cũng đâu có gì “cao kỳ lý” đến mức chúng ta không hiểu được.

Qua cái nhìn của ông, tôi liên tưởng tới đôi mắt của cụ Đồ Chiểu. Bằng tấm lòng yêu nước, thương dân, cụ Đồ Chiểu - dù đôi mắt bị mù - lại có cái nhìn phân định chánh, tà một cách rạch ròi. Còn bây giờ, lẽ nào chúng ta lại biến những nọc độc làm hại dân thành những hoa thơm, trái ngọt. Thằng Cốt Đột nó “biến hô yêu tà” là nó biến xấu thành tốt, đen thành trắng, điều sai quấy thành lẽ phải, phi nghĩa thành chính nghĩa.

Trước sự thật về Dương Nghiễm Mậu mà chúng ta đã biết, lẽ nào chúng ta không học lấy lời dạy của ông cha mình là “Chớ có trông gà hóa quốc” rồi la toáng lên: “Trời ơi! Đẹp quá, quý hóa quá!”. Làm như vậy, lẽ nào cả ông và tôi đều không thấy đáng chê trách lắm sao?

Chúng ta đang hành động, còn “hành động vì cái gì, theo hướng nào” (lời của ông viết về Dương Nghiễm Mậu) thì trước hết tôi nghĩ, cả ông và tôi đều phải ráng giữ sao cho đừng phải hổ thẹn với chính mình và không phụ lòng cụ Nguyễn Đình Chiểu qua hai câu:

“Thà đui mà khỏi danh nhơ
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình”.

Cao Đức Trường
(Trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ
Ban TT - VH Thành ủy TPHCM)

Tin cùng chuyên mục