Góp ý Dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước: Thêm công cụ đảm bảo công bằng xã hội

Ngày 24-6, tại TPHCM, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Bồi thường nhà nước – sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11-2008. Luật này ra đời sẽ bảo vệ hiệu quả hơn quyền lợi của người dân đối với thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra.

Các cơ quan nhà nước phải cẩn trọng hơn

Dự thảo Luật Bồi thường nhà nước xác định rõ: các lĩnh vực mà nhà nước phải bồi thường không chỉ có tố tụng hình sự mà còn cả hoạt động quản lý hành chính nhà nước và hoạt động thi hành án; trong tố tụng hình sự, không chỉ bồi thường đối với những trường hợp gây ra oan mà cả những trường hợp gây ra sai.

Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với nội dung này, bởi chỉ có như vậy thì mới đem lại sự công bằng cho người dân, đồng thời các cơ quan nhà nước cũng phải ý thức và cẩn trọng hơn khi ra các quyết định có liên quan đến vận mệnh của một con người. Tuy nhiên, một vài đại biểu vẫn băn khoăn.

Đại diện Sở Tư pháp TPHCM cho rằng dự thảo chỉ liệt kê 10 nội dung bồi thường trong hoạt động hành chính là chưa đủ; còn những vấn đề như thu hồi hay cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quản lý hộ khẩu, hộ tịch, công chứng nhà nước… chưa được đề cập. Theo bà Hồ Thị Phấn, Phó Viện trưởng VKSND TPHCM, cần phải bổ sung thêm phần trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong tố tụng dân sự, vì đây là một lĩnh vực dễ dẫn đến thiệt hại cho cá nhân, tổ chức.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM đề nghị cần phải quy định thêm trường hợp cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Bộ và tương đương trở xuống ban hành văn bản sai gây thiệt hại thì cũng phải có trách nhiệm bồi thường.

Ông nêu ví dụ cụ thể như việc Bộ GTVT ban hành hai quyết định 16, 17 không phù hợp pháp luật, gây ra nhiều thiệt hại cho xã viên và hợp tác xã dịch vụ vận tải thì Bộ GTVT phải bồi thường những thiệt hại này. Những ý kiến trên, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế của Bộ Tư pháp và là Tổ trưởng Tổ biên tập Luật Bồi thường nhà nước, cho rằng, rất đáng quan tâm, nhất là trong tình hình nhiều bộ ban hành văn bản rất tùy tiện như hiện nay.

Bồi thường - tính sao cho phù hợp?

Với mong muốn người dân phải được bồi thường như nhau dù là bị thiệt hại trong lĩnh vực khác nhau nên dự thảo luật đã áp dụng chế độ bồi thường do tổn thất về tinh thần trong Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11388 (vốn đang được thực hiện trên thực tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự) vào lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và thi hành án.

Cụ thể: mức bồi thường cho một ngày bị giữ hành chính trái pháp luật bằng 3 ngày lương tối thiểu giống như một ngày bị giam oan, tù oan; mức bồi thường tối đa là 360 tháng lương tối thiểu cho một người bị bắt giữ hành chính và bị chết trong quá trình bắt giữ giống như mức bồi thường cho người bị giam oan, tù oan mà chết.

Về điểm này, có ý kiến cho rằng mức bồi thường do oan, sai trong lĩnh vực tố tụng hình sự phải cao hơn trong lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án do mức độ tổn thất trong tố tụng hình sự cao hơn hai lĩnh vực còn lại. Tuy nhiên, ông Dương Đăng Huệ cho biết quan điểm của Ban soạn thảo là mức bồi thường nên như nhau, bởi nỗi đau có người thân chết trong tù do oan sai cũng giống như có người thân chết do oan sai trong thi hành án.

Điểm d khoản 1 điều 29 dự thảo quy định những người bị oan trong tố tụng hình sự nếu có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu mà bị thiệt hại thì được bồi thường. Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu vấn đề: trong thực tế có nhiều tài sản sau khi bị tạm giữ, kê biên đến khi được mang ra sử dụng đã mất đi giá trị của nó, tính năng sử dụng cũng không còn được như ban đầu.

Vậy nếu lấy thời điểm để định giá tài sản là khi người bị tạm giữ, tạm giam, bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án bị oan thì sẽ không công bằng vì tài sản lúc đó đã không còn giá trị. Vì thế ông đề nghị để đảm bảo quyền và lợi ích của công dân, cần xác định rõ mức bồi thường tính theo giá trị tài sản ban đầu – lúc cá nhân đó bị vi phạm. Ông Dương Đăng Huệ cho biết tổ biên tập sẽ nghiên cứu điểm này để Luật Bồi thường Nhà nước khi ra đời sẽ mang tính khả thi cao.

Những trường hợp nhà nước phải bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật, có lỗi gây ra trong khi thực hiện các công vụ sau: ban hành quyết định xử phạt hành chính; áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp buộc tháp dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc kiên cố khác; áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án; quyết định và tổ chức cưỡng chế thi hành án; quyết định hoãn thi hành án… (điều 10, điều 11 dự thảo)

Nhà nước bồi thường thiệt hại trong các trường hợp người bị tạm giữ, bị tạm giam, đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, bị kết án tử hình, đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định không có sự việc phạm tội, người đó không thực hiện hành vi phạm tội, hoặc hành vi của người đó không cấu thành tội phạm… (điều 29 dự thảo)

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục