Sự nhạy bén của hãng phim tư nhân

Sự nhạy bén của hãng phim tư nhân

Hãng phim tư nhân xây dựng bộ máy rất gọn nhẹ. Tất cả đều đi thuê từ đạo diễn, quay phim, diễn viên đến thiết bị, máy móc… Không chỉ dừng ở chỗ sản xuất mà họ phải tự tìm cách tiêu thụ phim. Quảng cáo không tốt – thất bại. Không có rạp đẹp – thất bại. Chiếu không đúng thời điểm – thất bại…

Chỉ trong vòng 1-2 năm, hai hãng phim lớn là Phước Sang và Thiên Ngân đã nghiệm ra con đường đi của mình là xây dựng quy trình khép kín: sản xuất – phát hành – sở hữu rạp. Và một yếu tố nữa để đi đến thành công của hãng phim tư nhân, đó là sự quyết đoán...

  • Được ăn cả, ngã về không...
Sự nhạy bén của hãng phim tư nhân ảnh 1

“Trai nhảy” của Hãng phim Thiên Ngân.

Trong một cuộc tọa đàm do Hội Điện ảnh tổ chức với tiêu đề “Làm thế nào để phát triển hãng phim tư nhân” năm 2004, nhà tổ chức công bố danh sách gần 20 hãng phim tư nhân đã đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại TPHCM, đi vào hoạt động chỉ có khoảng 4-5 hãng. Trong chưa đầy 2 năm, giới hoạt động điện ảnh chứng kiến sự rơi rụng của vài ba hãng phim tư nhân ngay sau khi bộ phim đầu tay.

Đầu tiên là Hãng phim Kỳ Đồng với “1.735 km”, tiếp theo là Á Châu với “Công nghệ lăng xê”… Thậm chí có hãng chỉ tung ra dự án sản xuất nhưng nhiều năm qua, dự án vẫn nằm trên giấy như “Khách sạn không đèn” của Bá Vũ, “Hàn Mặc Tử” của Lê Dân. Quả không dễ dàng tồn tại giữa một thị trường điện ảnh còn mới mẻ, đầy phức tạp và quá nhiều rủi ro như ở Việt Nam.

Một bộ phim nhựa kinh phí sản xuất lên tới vài ba tỷ đồng. Phim thất bại đủ làm phá sản một hãng phim. “Sản xuất phim và bảo đảm thu hồi vốn đầu tư là một nỗ lực mạo hiểm. Điều chúng tôi hy vọng và thấy cần làm trong tương lai là có thể giảm tỷ lệ rủi ro này cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ các hoạt động sản xuất phim…” – đạo diễn Việt kiều Othello Khanh, nhà sản xuất bộ phim “Sài Gòn nhật thực” đã phải rút lui trong kế hoạch phát hành phim Tết, nói.

Một vài hãng tìm kiếm sự tiếp cận khán giả bằng cách mời bằng được các diễn viên Việt kiều về nước để đóng phim. Thành công hay không còn chưa biết…

  • Năng động, nhạy bén

Hướng tiếp cận đầu tiên của một hãng phim tư nhân là chọn đề tài thu hút sự quan tâm của khán giả. Đó là lý do vì sao phim của tư nhân mang đậm tính thị trường.

Tham gia sản xuất phim đến nay đã là năm thứ 3, song cố lắm Hãng phim Thiên Ngân cũng chỉ thu được từ gần huề đến huề vốn. Đó đã là rất thành công. Riêng Phước Sang thì những con số doanh thu tung ra khiến, không ai biết đích xác phim Phước Sang lời hay lỗ và nếu lời thì lời bao nhiêu?

Sự nhạy bén của hãng phim tư nhân ảnh 2

Một cảnh hoàng tráng trong “Võ lâm truyền kỳ” của Hãng Phước Sang sẽ công chiếu trong dịp tết 2007.

“Đừng trông chờ làm việc ở hãng phim tư nhân sẽ được nhởn nhơ như làm việc trong một hãng phim nhà nước. Mỗi ngày với chúng tôi đều là tiền bạc. Càng kéo dài ngày bấm máy bao nhiêu, chi phí sản xuất của chúng tôi càng đội lên bấy nhiêu” Giám đốc Phước Sang tâm sự.

Ngay cả diễn viên ký hợp đồng tham gia trong các bộ phim của tư nhân cũng phải xác định thái độ làm việc hết sức nghiêm túc.

Nỗ lực hết mình và chấp nhận cả đổ máu… Chưa một hãng phim nhà nước nào làm được công việc tiếp thị phim giống như hãng phim tư nhân. Hiệu quả từ quảng cáo của những bộ phim do các hãng phim tư nhân thực hiện thời gian qua là một minh chứng.

Từ huy động vốn, các hãng phim tư nhân đang tiến một mức cao hơn là hợp tác làm phim với nước ngoài. Năm ngoái, Hãng Thiên Ngân thuê hẳn một nhà viết kịch bản nước ngoài để xây dựng kịch bản “2 trong 1”.

Còn năm nay, Phước Sang bắt tay với một hãng phim Hàn Quốc để thực hiện 1 bộ phim ma. Đó là chưa kể ở nhiều hãng phim khác, yếu tố nước ngoài còn đậm nét hơn như Hãng Chánh Phương, Hãng Vifa, Hãng Sài Gòn Nhật Thực…

Sau khi giới thiệu mình, các hãng phim tư nhân. Để khẳng định tên tuổi, đẳng cấp của mình chỉ có thể là thực hiện những tác phẩm lớn. “Áo lụa Hà Đông” là một ví dụ…

Mặc dù biết phim làm ra chưa chắc đã thành công trong phát hành nhưng việc giành được giải thưởng trong LHP quốc tế đã đưa những hãng phim tư nhân này lên một vị trí mới. Chắc chắn lợi ích sẽ không nhỏ, bởi nó là bàn đạp đề tiếp cận với thế giới.

  • Tết này phim tư nhân vẫn làm chủ thị trường

Nếu như năm ngoái Công ty Điện ảnh TP phải tổ chức bỏ phiếu chọn phim vào rạp vì có tới 5 bộ phim, thì năm nay điều này đã không còn cần thiết. Trên đấu trường Tết Đinh Hợi chỉ còn 3 bộ phim “Trai nhảy”, “Võ lâm truyền kỳ” và “Chuông reo là bắn”.

Hai bộ phim tập trung nhiều diễn viên nước ngoài là “Dòng máu anh hùng” và “Sài Gòn nhật thực” đã rút lui khỏi thời điểm vàng vì phần hậu kỳ trục trặc.

Ba địch thủ còn lại (thực ra chỉ là hai vì bản thân hai Hãng phim tư nhân Phước Sang và Thiên Ngân cũng không coi Hãng phim Giải Phóng là đối thủ của mình) chuẩn bị bước vào cuộc chiến. Phước Sang, Thiên Ngân “kẻ tám lạng, người nửa cân” trong chiến dịch quảng cáo, tiếp thị phim. Một phim đánh vào thị hiếu tò mò về “nghề trai nhảy”. Một phim khai thác trò chơi thời thượng hiện nay – game online.

Năm nay việc giành rạp sẽ không còn quyết liệt như các năm trước. Công ty Điện ảnh – đơn vị sở hữu những cụm rạp khổng lồ của thành phố đã cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Truyền thông Điện ảnh Sài Gòn (SGM) và một cổ đông nặng ký của công ty này là Phước Sang.

Như vậy, chắc chắn phim “Võ lâm truyền kỳ” sẽ có chân trong những phòng chiếu số 1 của các rạp lớn Thăng Long, Đống Đa, Toàn Thắng. Thiên Ngân có rạp riêng là Galaxy và họ cũng biết chắc việc mình sẽ có chân trong các rạp số 2 của SGM.

Các rạp còn lại khác ở thành phố thì tùy thuộc vào mối quan hệ với các chủ phim, tỷ lệ ăn chia… để quyết định sẽ chọn phim ai cho rạp lớn của mình.

Hàng năm vào thời điểm này, điện ảnh trong nước mới thực sự sôi động. Và công đầu thuộc về hãng phim tư nhân.

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục