Hình tượng Trần Văn Ơn

* Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền Cộng hòa non trẻ.

Trong những năm 1949-1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, nhất là ở Sài Gòn-Gia Định. Ngày 9-1-1950, Đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đã tổ chức vận động trên 10.000 nhân dân, trong đó đông đảo nhất là học sinh sinh viên, xuống đường.

Trần Văn Ơn, hội viên Hội học sinh – sinh viên Việt Nam, Nam bộ là một trong những người đi dầu đoàn biểu tình. Đến 13 giờ, thực dân Pháp và tay sai bao vây và đàn áp dã man. Trần Văn Ơn dũng cảm đương đầu với dùi cui, báng súng của kẻ thù bảo vệ những học sinh nhỏ tuổi và nữ sinh thoát hiểm. Bọn giặc nổ súng vào đoàn biểu tình và Trần Văn Ơn trúng đạn hy sinh trong vòng tay bè bạn.

Nhân dân Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đã tiến hành cử hành trọng thể lễ truy điệu Trầân Văn Ơn với khí thế sục sôi cách mạng.

Tháng 2-1950, tại chiến khu Việt Bắc, Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đã quyết định lấy ngày 9-1 là Ngày Học sinh-Sinh viên Việt Nam.

* Liệt sĩ Trần Văn Ơn sinh ngày 29-5-1931 trong một gia đình nông dân ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre. Cha anh là Nguyễn Văn Nghĩa, mẹ là Huỳnh Thị Tửu. Sau khi học sơ học tại quê nhà, học tiểu học tại Mỹ Tho, anh lên Sài Gòn học tại Trường Pétrus Ký. Năm 1947, anh tham gia phong trào học sinh yêu nước, gia nhập Hội học sinh Việt Nam-Nam bộ. Năm 1950, anh là học sinh năm thứ nhất Ban Tú tài (lớp Second).

Lòng nhiệt tình sôi nổi của anh đã lôi kéo được hàng ngàn học sinh tham gia biểu tình chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai. Sự dũng cảm hy sinh của anh đã cứu thoát nhiều bạn học và anh đã anh dũng hy sinh để lại bao nỗi tiếc thương và tự hào cho các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam. Trần Văn Ơn trở thành biểu tượng đẹp của tuổi trẻ Việt Nam.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống học sinh-sinh viên Việt Nam (9-1-1950 – 9-1-2000) cùng với các liệt sĩ Thành đoàn TNCS TPHCM Trần Bội Cơ, Đỗ Ngọc Thạnh, liệt sĩ Trần Văn Ơn được truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trần Văn Ơn được cả nước tôn vinh “Chết nghĩa danh thơm muôn thuở”.

* Cùng với những gương hy sinh như Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Bội Cơ, Đỗ Ngọc Thạnh, Nguyễn Thái Bình… và hàng ngàn chiến sĩ trên các mặt trận, sự hy sinh của người học sinh 19 tuổi Trần Văn Ơn tạo dựng nên truyền thống yêu nước của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác kính yêu.

Gần 20 năm sau, có một người con của quê hương Bến Tre cũng “xếp bút nghiên, ra trận” chống Mỹ cứu nước. Đó là nhà thơ-chiến sĩ Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân. Anh đã hy sinh trong trận đánh vào Sài Gòn với những câu thơ như đá tạc tượng mà nhạc sĩ Phan Chí Thanh phổ nên bài hát hay:

“Anh tên gì hỡi anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng yên như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên xác thù
Mà vẫn một màu bình dị sáng trong
Không một hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại chi trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”…


Trần Văn Ơn hy sinh thời chống Pháp; Ca Lê Hiến hy sinh thời đánh Mỹ. Ở đây có kết nối. Hào khí của Cụ đồ Chiểu là truyền thống của quê hương Bến Tre tạo cho 2 liệt sĩ những vẻ đẹp đầy sức sống. Không có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về Trần Văn Ơn, nhưng hình tượng Trần Văn Ơn mãi là niềm tự hào, mãi là nguồn sáng tác cho các văn nghệ sĩ mà bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”… là một ví dụ. 

DẠ SINH

Tin cùng chuyên mục