Rộn ràng khúc ca mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới

Rộn ràng khúc ca mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới
Rộn ràng khúc ca mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới ảnh 1

Tiết mục múa “Mùa xuân tình yêu” chào mừng Ngày thành lập Đảng (3-2).

Với gần 20 tiết mục ca múa nhạc, chương trình “Giai điệu mùa xuân” do website Đảng Cộng sản tổ chức tối 3-2 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội được đánh giá là một bản hòa ca đặc biệt có ý nghĩa chào mừng 77 năm Ngày thành lập Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới.

Khán giả được hòa mình vào không khí tươi vui của mùa xuân đất nước với những ca khúc đi cùng năm tháng như “Đường chúng ta đi”. “Lá cờ Đảng”, “Mùa xuân chiến khu”, “Những ánh sao đêm”… qua giọng ca mượt mà, khỏe khoắn và đầy truyền cảm của Việt Hoàn, Đăng Dương, Trọng Tấn, Hồ Quỳnh Hương…

Tối cùng ngày, tại nhiều sân khấu ca nhạc ngoài trời như Đền Bà Kiệu; khu vực tượng đài Lê Nin… khán giả Thủ đô được hoà chung không khí náo nhiệt, tươi vui của nhiều chương trình ca nhạc quần chúng mừng Đảng, mừng Xuân.

V.X.

  • Đêm rock quốc tế U-Nite 07
Rộn ràng khúc ca mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới ảnh 2

Hàng ngàn khán giả và các fan rock nồng nhiệt của TPHCM vừa được thưởng thức “Đêm rock quốc tế U-Nite 07” do Tiger Beer tổ chức tại sân vận động QK7 vào tối 2-2. Đây là đêm nhạc trẻ mừng năm mới với các nhóm rock nổi tiếng thế giới McQueen (ảnh), Krypteria, và ca sĩ Phương Thanh cùng giọng ca Sao Mai điểm hẹn Anh Khoa.

Bên cạnh đêm nhạc rock, Tiger Beer còn tổ chức hàng loạt các hoạt động văn hóa đón Tết Nguyên đán với chủ đề “Năm châu hội ngộ” gồm thi thiết kế đèn lồng, lễ hội đèn lồng, trưng bày các công trình nổi tiếng thế giới bằng lon bia và nắp bia… X.TH.

  • Gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số

Hội Văn học – nghệ thuật các dân tộc TPHCM vừa tổ chức lễ họp mặt hội viên nhân dịp năm mới và ghi nhận những đóng góp tích cực của các chi hội trong việc gìn giữ và phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc, trong đó có dân tộc Hoa, Chăm, Khmer…

Trong năm 2006, Hội Văn học - nghệ thuật các dân tộc TPHCM có 8 tác phẩm văn học được xuất bản (gồm tạp chí, thơ, tản văn văn học, nghiên cứu văn hóa, nhạc kịch…), đồng thời tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, liên hoan, biểu diễn nghệ thuật dân tộc, triển lãm thư họa, nhiếp ảnh, nói chuyện chuyên đề, thi viết văn (chữ Hoa), viết chữ thư pháp… L.T.B.

  • Các nhà thơ với tập thơ độc bản làm từ thiện

Như tin đã đưa, hơn 160 nhà thơ thuộc Hội Nhà văn TPHCM và Hội Nhà văn Việt Nam đã cùng thực hiện một cuốn sách thơ độc bản nhan đề Thủ bút thơ. Đây là cuốn sách được hình thành từ các bài thơ tâm đắc nhất của mỗi nhà thơ và do chính tác giả thể hiện trên giấy dó cổ truyền cùng với chữ ký của tác giả và đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam - Vietbooks chứng nhận là một kỷ lục Việt Nam.

Với mục đích góp phần đem lại niềm vui cho trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, Hội Nhà văn TPHCM đã quyết định mang bán đấu giá cuốn sách này nhằm gây quỹ. Cuộc bán đấu giá sẽ được tổ chức vào lúc 15 giờ ngày 6-2 tại quán Miss Sài Gòn, số 90 Phạm Ngọc Thạch, Q3. Đơn vị hay cá nhân mua tập thơ sẽ được Vietbooks cấp giấy chứng nhận sở hữu và trao trực tiếp số tiền bán đấu giá cho đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM trong chương trình Ngày thơ Việt Nam. T.V.

  • Triển lãm tranh dân gian Việt Nam

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Tranh dân gian Việt Nam” từ ngày 2-2 đến 28-2-2007, tại số 97A Phó Đức Chính, quận 1. Đây là loại tranh thường dùng trang trí trong những ngày Tết cổ truyền, với nội dung đa dạng thiên về cầu chúc cuộc sống hạnh phúc, ấm no, phát đạt, nên còn được gọi là “tranh Tết”.

Triển lãm trưng bày 178 bức tranh bao gồm hầu hết các thể loại đề tài của dòng tranh dân gian như tranh thờ cúng, tranh lịch sử, tranh châm biếm, tranh văn học, tranh sinh hoạt... Tại cuộc trưng bày có chiếu phim tư liệu về làng nghề tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), nghệ nhân lão thành của tranh Hàng Trống (Hà Nội) Lê Đình Nghiên trình diễn các thao tác kỹ thuật in và quy trình vẽ một bức tranh dân gian (từ ngày 2 đến 8-2). X.TH.

  • Trao giải Liên hoan nhạc kèn TPHCM

Tối 3-2, Liên hoan nhạc kèn TPHCM lần IV-2007 do Trung tâm VH thành phố và Trung tâm VH-TT Tân Bình phối hợp tổ chức đã bế mạc và trao giải thưởng. Có 200 nhạc công khí nhạc của 10 đội nhạc kèn tham dự, trình diễn những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Kết quả: Bảng chuyên nghiệp: Giải A chương trình: Đội quân nhạc BCHQS TP và Đội quân nhạc Quân đoàn 4. Giải chỉ huy: Nguyễn Hữu Hội; Giải phối khí: Trần Tất Ứng; Giải độc tấu: Xuân Thành. Bảng không chuyên: Giải A: Trung tâm VH quận 2 và CLB kèn Trung tâm VH-TT Tân Bình; Giải chỉ huy và giải phối khí: Nguyễn Văn Oánh; Giải phong trào: các Trung tâm VH Tân Bình, quận 2, quận 12.  X.TH.

Tin cùng chuyên mục