50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (4-1957 – 4-2007)

Kỷ vật thân thiết, ấm lòng

Kỷ vật thân thiết, ấm lòng
Kỷ vật thân thiết, ấm lòng ảnh 1

Tôi tin là các bác, các anh chị nhà văn… có mặt tại thủ đô Hà Nội từ ngày 1-4 đến 4-4-1957, dự Đại hội Nhà văn lần thứ nhất, tổ chức tại Câu lạc bộ Đoàn kết, còn giữ được những kỷ vật thân thiết, ấm lòng. Tôi vẫn còn lưu được tờ “Giấy ra vào” đại hội, khuôn khổ 13 x 10cm màu trắng, in có một mặt chữ với một màu chữ đen đơn giản.

Đơn giản thật, nhưng qua 50 năm, tờ giấy vẫn còn, gợi bao kỷ niệm. Điều tôi cảm nghĩ trước tiên là một “chữ ký” nhỏ nhắn, mực xanh, nét mảnh, tuy không ghi thêm tên người ký, nhưng tôi biết là chữ ký của nhà thơ Tế Hanh. (Để thêm chính xác, tôi kiếm lại ở cuốn “Tuyển tập thơ văn cho thiếu nhi 1945 – 1960” do Nhà xuất bản Văn học in tại Hà Nội năm 1961, ở trang 96 in bài thơ “Vườn xuân” của Tế Hanh, tác giả có ký vào cuốn lưu niệm của tôi. Hai chữ ký giống nhau căn bản).

Nhắc đến nhà thơ Tế Hanh vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, mừng là nhà thơ vẫn có mặt ở đường Nguyễn Thượng Hiền, nhà cũ; nhưng giá có khoe anh tờ “Giấy ra vào” Hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam có chữ ký của anh, anh nào có nhìn thấy nữa. Anh già yếu lắm rồi!

Kỷ vật thân thiết, ấm lòng ảnh 2

Nhà thơ Tế Hanh (phải) và Giáo sư – tiến sĩ Mai Quốc Liên tại Đại hội Hội Nhà văn lần thứ 4. Ảnh: V.A.T.

Giữa tháng 2-1957, tôi được dự “Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai” và tôi đã may mắn được gặp hàng trăm văn nghệ sĩ. Có lẽ đại biểu cao tuổi nhất lúc đó là bác Song An Hoàng Ngọc Phách, đã hơn 60 tuổi, tác giả tiểu thuyết “Tố Tâm” cuốn hút đa số bạn đọc thanh niên nam nữ học sinh trước Cách mạng Tháng Tám.

Nhìn bác Hoàng Ngọc Phách ở Hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam hai tháng sau, tôi càng thấy bác già hơn cả, dù các nhà văn nhiều tuổi khác như các bác Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan… bình thường đã có nhiều độc giả kính cẩn ngả mũ “thưa cụ”. Nhưng ngồi điều khiển hội nghị, bác Nguyễn Công Hoan rất sôi nổi, nhất là ở bài phát biểu hóm hỉnh…

Kỷ vật thân thiết, ấm lòng ảnh 3

Nhà văn Thy Ngọc (phải) và nhà thơ Nghiêm Đa Văn.

Các nhà văn cũng có tuổi như Tô Hoài thì dí dỏm; Nguyên Hồng thoắt ngồi chỗ này, thoắt đã chuyển chỗ; còn Nguyễn Đình Thi, cao, khỏe, không thấy ngơi nghỉ lúc nào… Không hay rời chỗ ngồi, dù vào lúc nghỉ giải lao là các nhà văn nữ như Mộng Sơn Vân Đài, Nguyệt Tú, Thanh Hương, Ngân Giang…

Các nhà văn miền Nam ở Hà Nội bấy giờ hãy còn trẻ lắm, như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng người thì 22, người thì 25, nhiều hơn là Đoàn Giỏi 32 tuổi, còn Bảo Định Giang cũng chỉ 38.

50 năm đã trôi qua… 

THY NGỌC

Tin cùng chuyên mục