Sổ tay

Bài học từ Liên hoan phim Việt Nam

Bài học từ Liên hoan phim Việt Nam
Bài học từ Liên hoan phim Việt Nam ảnh 1

Việc IDECAF phải tăng thêm suất chiếu cho những bộ phim được xem là kén khách chứng tỏ một điều: dòng phim nghệ thuật vẫn có lượng khán giả riêng của nó và xem ra lượng khán giả này cũng không phải là ít.

6 bộ phim “Tuổi thơ dữ dội”, “Chung cư”, “Mùa len trâu”, “Mê thảo, thời vang bóng”, “Mùa ổi” (ảnh), “Thời xa vắng” đều là những bộ phim cũ, đều đã chiếu vài lần. Bộ phim gần nhất cũng được sản xuất cách đây 3,4 năm.

Với việc Quỹ Fonds Sud tập hợp những bộ phim do họ hỗ trợ kinh phí để thực hiện một liên hoan phim Việt Nam và phát vé miễn phí cho khán giả đến xem cũng là một dịp để các nhà phát hành phim trong nước soi lại cách làm của mình. Những lần chiếu trước đây, các bộ phim này đều trụ ở rạp không quá 1 tuần, có phim thậm chí chỉ được chiếu 3-4 ngày là “văng ra” nhường chỗ cho phim khác.

Phim không được quảng cáo, giới thiệu nhưng nhà phát hành vẫn đổ lỗi cho phim kén khách. Còn khách muốn xem thì than phiền họ không hề được biết phim sẽ chiếu, khi biết thì phim đã ngưng chiếu. Chỉ có đạo diễn là ngậm ngùi vì giá như có thể gọi điện thoại cho từng khán giả để nói rằng phim đang chiếu ở đâu chắc họ cũng sẽ làm.

Một đứa con tinh thần thể hiện mọi tâm tư, tình cảm, tâm huyết nhưng lại không đến được với những người thực sự quan tâm, đó là một nỗi đau. Sẽ có ý kiến cho rằng: vì liên hoan này chiếu miễn phí nên đông khách (không đủ vé để phát ở cả 2 rạp IDECAF và Đống Đa). Đúng nhưng không đủ, bởi như nữ đạo diễn Việt Linh đã hạnh phúc khoe: “Nhiều khán giả hỏi chúng tôi, phim đã phát hành đĩa chưa để họ mua về cho người nhà xem”, thì vấn đề không còn nằm ở chỗ phim chiếu miễn phí. Phó rạp trưởng rạp Đống Đa cho biết, mặc dù không phải là giờ chiếu đẹp (17g các ngày), nhưng suất nào cũng đầy 2/3 rạp, như vậy với các bộ phim không mang tính giải trí này cũng đã là một thành công lớn.

Đành rằng là phim giải trí thu hút khán giả và mang lại doanh thu cho chiếu bóng, nhưng niềm tự hào cho nền điện ảnh của một quốc gia là gì nếu không phải là những tác phẩm nghệ thuật mang đậm chất văn hóa của đất nước và con người ở quốc gia ấy, không phải là những tác phẩm để lại dấu ấn về sự tìm tòi, sáng tạo bằng ngôn ngữ điện ảnh... Chẳng phải khi khoe nhau người ta thường mang những bộ phim như thế ra hay sao? Chẳng phải khi muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế người ta cũng thường giới thiệu những tác phẩm như thế sao? Vậy thì, vì cớ gì không cho những tác phẩm ấy một vị trí đúng như nó đáng được trân trọng?

Bằng cách nào thì có lẽ những ai thực sự muốn làm đều đã biết…

Hà Giang

Tin cùng chuyên mục