Bác Hồ, đề tài tôi theo đuổi suốt cuộc đời

Sức mạnh không phải ở ngôn từ
Bác Hồ, đề tài tôi theo đuổi suốt cuộc đời
Bác Hồ, đề tài tôi theo đuổi suốt cuộc đời ảnh 1

Nếu Tô Ngọc Vân là người đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ thì Phan Kế An (ảnh) có may mắn là họa sĩ đầu tiên được thực hiện những bức ký họa về Bác trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Chính vì thế, cũng dễ dàng hiểu vì sao trong gia tài hội họa của người họa sĩ tài hoa này hình ảnh về Bác luôn chiếm vị trí nổi bật…

Sức mạnh không phải ở ngôn từ

Báo Sự Thật lúc bấy giờ là tờ báo lớn của Đảng, do đồng chí Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo. Lúc đó, Phan Kế An chỉ là một họa sĩ mới vào nghề, được giao trình bày, vẽ minh họa và tranh biếm họa chính trị cho báo. Thế rồi, một sự kiện đã làm thay đổi cuộc đời của chàng họa sĩ trẻ. Khoảng cuối năm 1948, đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ mới cho anh là vẽ Bác.

“Khi đó tôi vừa sung sướng vì được gặp gỡ, được vẽ con người mà mình luôn ngưỡng mộ, lại vừa căng thẳng bởi trọng trách quá nặng nề”, họa sĩ Phan Kế An tâm sự. “Trong đầu tôi hiện lên muôn vàn câu hỏi: khi làm việc với một người quan trọng như vậy liệu có bị bó buộc không? Liệu có được thỏa sức sáng tạo không, liệu nét vẽ của mình đã đủ chín để vẽ chân dung về Bác…?”. Song, mọi lo lắng đã được giải tỏa khi họa sĩ trẻ Phan Kế An được Bác đón tiếp ngay khi vừa đến, được Bác bắt tay, thăm hỏi sức khỏe và thậm chí là được ăn cơm cùng Bác.

Họa sĩ Phan Kế An kể: “Lúc đó, còn trẻ, đang ở độ tuổi sung sức, được ăn cơm với Bác tôi chưa biết giữ ý tứ. Mỗi bữa tôi ăn liền một mạch 4 bát, rượu thì uống bằng chén hạt mít, mỗi lần đưa chén lên là cạn. Một vài bữa sau, tôi mới nhận ra có lẽ mình uống nhiều quá, Bác phải rót liên tục nên suốt cả bữa Bác chỉ nhâm nhi một chén rượu nhỏ. Nghĩ sao làm vậy, hôm đó, thấy chén của Bác vơi nhanh hơn thường lệ tôi vội cầm lấy nậm rượu định rót thêm. Bác che tay lên miệng chén và nói: “Uống nhiều thì có hại cho sức khỏe!”. Về sau, Bác không hề nói chuyện về tác hại của rượu song tôi cũng không bao giờ dám uống đến chén thứ 2.

Khi kể với mọi người câu chuyện này, họa sĩ Phan Kế An thừa nhận: đó thực sự là một bài học mà sức mạnh không phải ở ngôn từ.

Món quà bất ngờ

Bác Hồ, đề tài tôi theo đuổi suốt cuộc đời ảnh 2

Bức phác họa của họa sĩ Phan Kế An về Bác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Theo họa sĩ Phan Kế An, vẽ được Bác vô cùng khó khăn, bởi họa sĩ không thể làm phiền Bác phải ngồi như một người mẫu. Càng phức tạp hơn khi phải ghi nhận cho được cái thần, chiều sâu nội tâm của Bác. “Vì thế tôi luôn tranh thủ ký họa những khoảnh khắc, góc nhìn của Bác mọi lúc, mọi nơi có thể. Thương tôi làm việc vất vả, thỉnh thoảng Bác lại gần mời một điếu thuốc.

Lúc đó, phần thì đang dở tay, phần thì đang mải làm việc, tôi “xin” Bác điếu thuốc rồi bỏ vào túi áo ngực. Lúc đầu, hành động đó chỉ đơn thuần là vì công việc, về sau tôi nảy ra một mẹo là giữ những điếu thuốc đó lại về làm quà cho những anh em ở tòa soạn. Một thằng trẻ ranh như tôi lại có vinh dự được ở gần, được vẽ Bác, lại được hút thuốc của Bác trong khi nhiều họa sĩ khác trong tòa soạn đã lăn lộn với nghề nhiều năm lại chưa có may mắn ấy. Vì thế tôi tin chắc sẽ không có món quà nào dành cho họ lại có ý nghĩa hơn”.

Họa sĩ Phan Kế An kể tiếp: Hôm đó là buổi vẽ cuối cùng. Khi đang cố gắng hoàn thiện bức ký họa để có thể đưa về tòa soạn vào hôm sau, bỗng nghe tiếng Bác hỏi: “An tích trữ được bao nhiêu điếu thuốc rồi?”… Trời, thế là kế hoạch bị lộ tẩy! Chẳng còn cách nào khác, tôi đành thú nhận toàn bộ sự thật với Bác. Nghe xong, Bác hỏi tiếp: “Ở đó có bao nhiêu anh em?”. “Dạ, có 30 người ạ!”. Bác mở hộp thuốc đếm ra đúng 17 điếu (trước đó tôi đã tích cóp được 13 điếu) để đủ chia cho mỗi anh em trong tòa soạn mỗi người một phần. “Đón nhận món quà từ tay Bác, tôi cảm thấy thực sự xúc động. Hương vị của điếu thuốc mà tôi hút lúc đó dường như vẫn còn lưu giữ mãi đến tận lúc này”, họa sĩ Phan Kế An bồi hồi nhớ lại.

Đợt công tác đó, họa sĩ Phan Kế An đã thực hiện được hơn 20 bức tranh về Bác và báo Sự Thật số tháng 12 năm 1948 đã được in với số lượng lớn đủ để phát hành khắp các chiến khu. Bức ký họa chân dung Bác đã được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước đón đợi và lưu giữ.

Đã 60 năm trôi qua sau chuyến công tác đặc biệt ấy. Ngày 28-8 vừa qua, họa sĩ Phan Kế An đã quyết định trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh những bức ký họa, bản khắc gỗ của ông về Bác, những kỷ vật mà ông và gia đình đã luôn gìn giữ cẩn trọng trong suốt những năm qua như những bảo vật vô giá.

Thu Hà

Tin cùng chuyên mục