Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà phê bình Hoài Thanh* (15-7-1909 – 15-7-2009)

Nhà phê bình văn học tài năng, cây bút chính luận trung thực

Nhà phê bình văn học tài năng, cây bút chính luận trung thực

Hoài Thanh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo xứ Nghệ, cái nôi của các phong trào yêu nước, chống thực dân suốt hai thế kỷ.

Được hun đúc trong môi trường yêu nước nồng nhiệt đó của gia đình và quê hương, ông đã tham gia phong trào yêu nước từ rất sớm và bị đuổi học, bị bỏ tù. Ông vào Huế mưu sinh, chữa bản in thử, rồi viết báo, dạy học tư.

Ông nói rằng, trong đời ông thích nhất là dạy học và bình thơ. Ông dạy rất hay, rất truyền cảm và sâu sắc. Nhiều học trò của ông thời đó, thời ông dạy Đại học Văn khoa Hà Nội, vẫn nhắc đến ông là một thầy đã để lại những giờ dạy văn không thể nào quên.

Nhưng người ta nhắc nhiều đến Hoài Thanh là vì Thi nhân Việt Nam (1941). Đây là cuốn sách tổng kết phong trào Thơ Mới (1932 - 1945) ở nước ta. Nó là một thiên chính luận, Một thời đại mới trong thi ca, với đầy đủ phẩm chất chính luận.

Trong đó Hoài Thanh đã vẽ nên chân dung thơ của các nhà thơ bằng một lối phê bình độc đáo. Ông ghi lại các ấn tượng, các cảm xúc, các hình sắc… mà thơ của từng nhà thơ đã hiện lên trong tâm hồn ông. Ông là người đồng sáng tạo thơ, là người tình, người soi sáng, người dự báo, người thầy… của thơ.

Sau tất cả các thi sĩ, ông cũng là một nhà thơ với tất cả các phẩm chất của thơ qua lời văn xuôi nghệ thuật quyến rũ, đưa người đọc vào một thế giới riêng do ông tạo ra. Chưa bao giờ trong nền văn học Việt Nam có một cuộc hẹn hò kỳ diệu như vậy, giữa tâm hồn một người “bình thơ” và tâm hồn những “thi nhân”, “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”...

Cách mạng và kháng chiến đã đánh thức tâm hồn vốn yêu nước nồng nhiệt, yêu nhân dân, khát vọng độc lập, tự do… của người trí thức mất nước, bơ vơ, không lẽ sống, phải dựa vào “thơ mới” để an ủi lòng mình. Từ nay, ông như một cánh chim đại bàng vẫy vùng trên bầu trời xanh tự do, không một chút phân vân dâng hiến tất cả sinh lực, tài năng, tâm huyết cho nhân dân, đất nước.

Từ giã những giấc mơ chật hẹp của cuộc đời tù túng ngày xưa, Hoài Thanh đã đến với biển lớn của nhân dân, bên cạnh bao văn nghệ sĩ tài năng và tâm huyết khác. Ngòi bút của ông đã hồi sinh không chỉ trong phê bình văn học mà còn trong bút ký, ghi chép, tranh luận…

Và không chỉ viết về văn chương đương thời, ông còn viết về những đỉnh cao của nền văn học dân tộc: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu…, những giá trị yêu nước và nhân văn sâu sắc, lâu bền của người xưa được thể hiện bên cạnh thơ của Tố Hữu, Hồ Chí Minh, “thơ kháng chiến” của bộ đội và văn nghệ sĩ như Anh Đức, Lê Anh Xuân, Giang Nam…

Bây giờ không chỉ là “hồn tôi”, “hồn người”, mà còn là “hồn nước”, “hồn dân tộc”, những lẽ sống lớn, những khát vọng nhân văn cao cả được chuyển tải qua các bài phê bình mực thước, chín chắn, dung dị mà luôn hấp dẫn với cái duyên riêng của ông.

Có người định dùng “Thi nhân Việt Nam” để phủ định Hoài Thanh thời cách mạng, nhưng Hoài Thanh, mặc dù cũng rất yêu Thi nhân Việt Nam (và các tác phẩm khác trước cách mạng), một khi được ngọn gió của thời đại bão táp cách mạng nâng lên đỉnh cao, đã rất tự hào với những trang viết lớn về tầm tư tưởng và nghệ thuật sau này của mình.

Ông nhìn rõ những hạn chế hiển nhiên của cách nhìn của mình đối với Thơ Mới, và đến lượt mình, chính Thơ Mới cũng có những hạn chế hiển nhiên của nó. Vì thế, ông cho rằng, sau này, ông viết “dứt khoát hay hơn”. Không tin, bạn hãy đọc lại 4 tập Hoài Thanh toàn tập, khoảng 3.000 trang và so sánh.

Hoài Thanh là một cây bút phê bình hàng đầu, có uy tín lớn trong giới sáng tác và phê bình. Người ta lắng nghe ông, theo dõi ông đánh giá, “đệm đàn” bình văn và tin cậy ở ngòi bút trung thực của ông. Nhưng ông đã viết phê bình không chỉ để bình văn mà còn vì một lẽ sống lớn. Điều đó hiện ra một cách tự nhiên trong từng cách nhìn, trong từng câu văn của ông.

Có lần, ông viết trong nhật ký (21-6-1968) “Cám ơn chế độ ta đã vĩnh viễn đập tan cái mộng bẩn thỉu chiếm đoạt những cánh đồng, những dãy nhà làm của riêng. Nhưng ngay dưới chế độ ta, chúng ta cũng sẽ còn cực khổ lâu dài với những tai quái của chủ nghĩa cá nhân chung quanh ta và ngay trong mỗi một chúng ta.

Làm thế nào để giành thêm cho mình một ít tiền tài, một ít oai quyền, một ít danh vọng, điều đó vẫn là một mối băn khoăn lớn, một sự dằn vặt thường xuyên đối với nhiều người. Mặc dầu ai nấy đều thấy rõ những thứ đó đâu có làm nên hạnh phúc của người ta trong lúc sống…., và hiển nhiên là không có nghĩa gì sau khi chết.

Nếu lấy sự nghiệp cá nhân làm trung tâm, làm cứu cánh thì cuộc đời oanh liệt nhất cũng chẳng đáng kể vào đâu so với cái trường cửu của loài người, cái vô cùng của trời đất. Nhưng nếu trái lại, lấy trời đất, lấy loài người làm trung tâm, làm cứu cánh thì cuộc đời hèn mọn nhất, miễn là đi đúng hướng, mãi mãi sẽ cứ còn trong cái vô cùng, cái trường cửu”.

Đó là quan niệm của Hoài Thanh về con người, về cuộc đời. Hoài Thanh mất trước Đổi Mới (14-3-1982). Nhưng ngày nay, sau hơn 20 năm đi vào nền kinh tế thị trường, rồi toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, liệu những dòng trên của ông có còn giá trị gì không? Lạ một điều là tôi thấy cái chủ nghĩa nhân văn ấy của ông, trong tình hình nhiều biến động, suy thoái, tham nhũng ngày nay ở một số người và một số việc, lại càng tỏ ra đáng yêu và đúng đắn.

Không phải cuộc sống nhân loại tất cả chỉ vì lợi, vì tiền, vì lợi ích cá nhân của các chủ doanh nghiệp, các nhà tư sản, những người làm giàu chân chính để vừa lợi mình vừa lợi nước, thì đâu phải chỉ vì lợi ích cá nhân. Có những điều chỉnh cần thiết, nhưng ngay cả ở phương Tây nữa, một lý tưởng nhân văn như vậy vẫn sống. Hoài Thanh đã viết những trang văn của mình với một tâm thế như vậy. Và những trang văn ấy sẽ mãi vẫn xanh tươi, tinh tế, duyên dáng.

5-7-2009
MAI QUỐC LIÊN


(*) Giải thưởng Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ và Tạp chí Văn học.

Tin cùng chuyên mục