Câu chuyện về một số phận đặc biệt

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024), Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt tập tự truyện Đời có yêu tôi của nhà nhà báo Lưu Đình Triều.

Tác phẩm gồm 18 chương, dày 440 trang, là câu chuyện cụ thể của một thân phận bị chiến tranh ly tán. Cha và con ở 2 bên chiến tuyến, chưa từng biết mặt nhau, mãi cho đến ngày hòa bình lập lại.

Ngày anh cất tiếng khóc chào đời, ngẫu nhiên trùng với ngày Hiệp định đình chiến được ký giữa Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC), quân đội Triều Tiên và các lực lượng vũ trang Trung Quốc, chấm dứt trên danh nghĩa cuộc chiến tranh Triều Tiên (ngày 27-7-1953), từ đó, ba anh đặt tên anh là Đình Triều. Hơn 1 năm sau, theo Hiệp định Geneve, nhà báo Lưu Quý Kỳ (ba anh) và mẹ, bà Bùi Thị Lựu nhận lệnh tập kết ra Bắc. Cuối tháng 9-1954, gia đình gặp nhau bên dòng kênh Phó Sinh (Thới Bình, Cà Mau) rồi chia tay. Vì anh và chị 2 còn nhỏ nên bà ngoại bồng 2 cháu trở về Biên Hòa sinh sống.

Lưu Đình TRiều.jpg
Chân dung nhà báo Lưu Đình Triều

Cuộc chia tay ấy dài đằng đẵng 21 năm. Anh và chị lớn lên với bà ngoại, mang thân phận mồ côi. Lúc 7 - 8 tuổi, anh đã lê la đầu đường xó chợ “đá cá lăn dưa”, 13 tuổi đã biết lận bộ bài sau lưng đi kiếm tiền. Chiến tranh ngày càng ác liệt, nhiều thế hệ thanh niên miền Nam bị bắt quân dịch và anh cũng không thể trốn đi đâu. Theo lệnh tổng động viên, anh phải đi lính và trở thành thiếu úy Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Trong khi đó, tập kết ra Bắc, ba anh giữ trọng trách Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương. Rồi ngày 30-4-1975 đến, anh mới được gặp ba ruột của mình chính là nhà báo cách mạng nổi tiếng Lưu Quý Kỳ. Có lẽ vì vậy mà Chương 1 của quyển tự truyện, anh đặt tựa là: “21 năm mới được gọi tiếng ba”.

Thật bồi hồi khi đọc đến cuộc hội ngộ sau hơn 7.600 ngày xa cách của cha con anh. “Tôi chỉ biết chạy tới ôm lấy cánh tay ba tôi mân mê, lòng xốn xang, mừng mừng, tủi tủi…”. Hay là giây phút gặp mẹ mình, dù đã hàng chục năm trông chờ được gọi tiếng: “Má ơi”, nhưng lúc đó anh chỉ biết ôm, vuốt cánh tay, rồi mân mê bàn tay má, cũng từa tựa như lần gặp ba, sau ngày thống nhất.

LĐT0.png
Nhà báo Lưu Đình Triều và ba - nhà báo Lưu Quý Kỳ lúc mới gặp lại nhau sau ngày thống nhất đất nước

Nhưng ấn tượng hơn cả là câu chuyện trùng phùng của anh và ba mình. Anh kể: “Chính ba tôi là người đã gợi thẳng chuyện lính tráng của tôi ra trước. Đấy là một tối 3 cha con nằm chơi trên chiếc giường lớn. Ba tôi nằm giữa, hai chị em nằm hai bên. Ông kể nhiều chuyện về má và hai đứa em mà tôi chưa hề biết mặt. Ba hỏi chuyện chị Hà đi làm cô giáo có thích không? Rồi như bất chợt:

- Triều đeo lon thiếu úy từ lúc nào vậy con?

- Dạ mới hơn nửa năm?

- Là thiếu úy chắc phải bắn súng giỏi lắm hả?

Chị tôi chen ngang:

- Nó là sinh viên đã có bằng Tú tài 2, nên khi bị tổng động viên đương nhiên người ta đưa nó đi học sĩ quan. Cận thị 4, 5 độ như nó thấy đường đâu mà bắn giỏi hả ba?”

Là tự truyện, nên 18 chương của quyển sách đã lần lượt kể lại với độc giả từng bước đi của mình, cho đến khi anh nghỉ hưu. Tác giả kể:

Ta đến muộn. Đừng lo Người vẫn đợi

Với Bác Hồ, Người thương nhất kẻ đi sau...

Tôi thấm hai câu thơ này vì thấy nó thật gần với hoàn cảnh tôi. Trong lớp học ngày ấy tôi là người đến muộn ở nhiều mặt. Với nghề báo, ngôi trường chính là nơi tôi đặt bước chân đầu tiên… Một chút vui vui, một chút băn khoăn, trước mình có ai là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa mà học Trường Đảng Trung ương chưa?

Với số phận éo le, anh và người cha là nhà báo Lưu Quý Kỳ đã trở thành nhân vật điển hình trong một giai đoạn lịch sử của đất nước. Bởi thời chiến tranh ly loạn, không ít gia đình ở miền Nam đều có hoàn cảnh giống gia đình anh. “Do đó, khi đọc tự truyện này cũng là lúc chúng ta cảm nhận được sự “lột xác” kỳ thú, nghị lực “đổi đời” của một số phận tiêu biểu trong dòng chảy của thời cuộc”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ về tập tự truyện trên.

Nhà báo Lưu Đình Triều sinh năm 1953, quê quán Quảng Nam, nguyên Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ. Anh hiện là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Các tác phẩm đã xuất bản: Bật một que diêm (2009), Tổ quốc không có nơi xa (2011), Tung tăng tung tẩy... trời Tây (2021), Đời, có yêu tôi? (2024).

Tin cùng chuyên mục