Chính sách, pháp luật về biểu diễn nghệ thuật: Nhiều bất cập sớm phải điều chỉnh

Đó là tâm sự của GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, sau khi ông cùng đoàn đại biểu của ủy ban này kết thúc một tuần làm việc với UBND TPHCM và các đơn vị biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn TPHCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong biểu diễn nghệ thuật. Trước khi trở về Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết đã có cuộc trò chuyện cùng PV Báo SGGP…
Chính sách, pháp luật về biểu diễn nghệ thuật: Nhiều bất cập sớm phải điều chỉnh

Đó là tâm sự của GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, sau khi ông cùng đoàn đại biểu của ủy ban này kết thúc một tuần làm việc với UBND TPHCM và các đơn vị biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn TPHCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong biểu diễn nghệ thuật. Trước khi trở về Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết đã có cuộc trò chuyện cùng PV Báo SGGP…

GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết

* PV: Thưa giáo sư, sau những ngày làm việc với các đơn vị biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn TPHCM, được nghe tâm sự của các nghệ sĩ, giáo sư cảm thấy có điều gì cần chia sẻ và khắc phục để thời gian tới hoạt động biểu diễn nghệ thuật của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung được khởi sắc hơn?

* Giáo sư NGUYỄN MINH THUYẾT: Trước hết, cần phải nói những ấn tượng rất tốt của chúng tôi về hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở TPHCM. TPHCM không phải chỉ có những hoạt động về kinh tế sôi nổi mà thị trường nghệ thuật ở TPHCM cũng sôi nổi không kém. Người dân TP có thói quen đến các rạp hát, phòng trà thưởng thức nghệ thuật và với dân số lớn như hiện nay, đó là một điều kiện rất tốt cho việc phát triển nghệ thuật.

Thứ hai, có thể thấy được trong thời gian vừa qua, TP đã chú trọng tạo điều kiện để phát triển văn hóa nói chung và hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói riêng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, trong hoàn cảnh kinh tế chung của nước ta hiện nay, với số kinh phí ngân sách phân bổ cho lĩnh vực văn hóa - thông tin cũng chỉ đạt được trên dưới 1,6% thì những đầu tư ấy cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Ở TPHCM, sau hơn 35 giải phóng, thống nhất đất nước cũng chỉ mới xây dựng mới được mỗi một Nhà hát Hòa Bình, còn số nhà cao tầng lại lên tới con số cả ngàn. Điều đó cho thấy sự phát triển giữa kinh tế và văn hóa vẫn còn chênh lệch quá lớn.

Tôi cũng quan tâm nhiều đến những kiến nghị của các nghệ sĩ ở TP về các chính sách đối với biểu diễn nghệ thuật. Hiện nay, lương của nghệ sĩ chưa hợp lý. Với 26 bậc lương thì có phấn đấu hết đời nghệ sĩ cũng không đạt đến bậc cao nhất được. Cứ tính 2 năm nâng lương một bậc thì phải mất 52 năm một nghệ sĩ mới đạt được. Nhưng thử hỏi, có mấy ai lao động được 52 năm, đặc biệt là lao động nghệ thuật lại càng khó hơn.

Bậc lương như vậy không hợp lý và thấp quá so với các ngành khác. Tốt nghiệp đại học ra chỉ tính 2,06, điều ấy hoàn toàn không đúng với quy định. Nếu tính lương, nghệ sĩ có 3 hạng. Nhưng đa phần, nghệ sĩ đều ở hạng 3, rất ít người lên được hạng 2.

Dường như nhiều năm qua, trong ngành biểu diễn nghệ thuật của chúng ta chưa tổ chức được nâng ngạch cho anh chị em vì còn lúng túng trong việc tổ chức. Có những NSND có khi phấn đấu cả đời cũng chỉ lên được ngạch cuối cùng của nghệ sĩ hạng 3 với mức lương là 4,06. Điều này hết sức vô lý, bởi trong biểu diễn nghệ thuật, danh hiệu NSND là cao cấp nhất rồi.

Sân khấu kịch IDECAF là một điểm sáng của sân khấu xã hội hóa tại TPHCM. Ảnh: VÂN AN

Sân khấu kịch IDECAF là một điểm sáng của sân khấu xã hội hóa tại TPHCM. Ảnh: VÂN AN

Bên cạnh đó, hiện nay chế độ bồi dưỡng cho nghệ sĩ cũng quá lạc hậu. Một buổi tập là 10.000 đồng, một buổi diễn là 50.000 đồng. Thử tưởng tượng, một nghệ sĩ xiếc, rất liều lĩnh trình diễn những màn bay lượn trên không như thế mà chỉ được có 50.000 đồng, rõ ràng không thể nào chấp nhận được. Những điều này cần sớm điều chỉnh.

Kế đến là những quy định trong việc phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Để được danh hiệu này, một nghệ sĩ phải đạt được mấy huy chương vàng, mấy huy chương bạc. Việc phong tặng 2 năm/một lần, còn việc tổ chức những hội diễn chuyên nghiệp 5 năm/một lần, nghệ sĩ muốn đạt được mấy huy chương vàng rất khó. Đa phần huy chương vàng lại tập trung ở các diễn viên chính, hiếm khi rơi vào những diễn viên phụ.

Có điều bất hợp lý, trong hoạt động nghệ thuật, một vở diễn được huy chương vàng, nhưng không có nghĩa tất cả nghệ sĩ tham gia đều được huy chương vàng. Trong khi đó, ở lĩnh vực thể thao, một đội bóng vô địch thì tất cả các cầu thủ, kể cả dự bị đều được huy chương vàng. Với những nghệ sĩ đạt được danh hiệu NSƯT, NSND rồi, quyền lợi đi kèm là gì cũng chưa có… Cho nên, về mặt chính sách cần phải điều chỉnh sao cho khích lệ được sự cống hiến của nghệ sĩ nhiều hơn, đặc biệt là những nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.

* Hiện nay, ở TPHCM ngày càng ít người theo học nghệ thuật truyền thống, giáo sư nghĩ sao về vấn đề này?

* Ở TPHCM, đa phần giới trẻ đi theo ca nhạc nhẹ, ít người theo nghệ thuật truyền thống, đó là một thực tế cần nhìn nhận. Muốn lấy những người trẻ theo nghệ thuật truyền thống phải lấy từ các tỉnh. Các bạn trẻ ở tỉnh lên TP, vấn đề khó khăn là hộ khẩu, cũng phải nên tính xem thế nào.

Còn với các đơn vị nghệ thuật truyền thống, chúng ta nên tạo điều kiện thế nào để phát triển? Có thể là không thu thuế, hoặc tính với thuế suất bằng 0 để góp phần hỗ trợ đời sống anh em.

Còn về đào tạo, có nhiều nghệ sĩ thành công do năng khiếu của mỗi người chứ hoàn toàn không phải do bằng cấp. Trong khi đó, hiện nay chúng ta lại quá trọng bằng cấp, cào bằng với tất cả các ngành nghề khác. Tôi nghĩ, anh chị em ở một số ngành cần bằng cấp, nhưng một số ngành không nên quá chú trọng đến bằng cấp, nhất là những ngành cần… giọng ca. Bởi thực tế, có nhiều nghệ sĩ có giọng ca hay, thành công, nhưng có người đâu có bằng cấp gì.

Bên cạnh hình thức đào tạo chính quy, nên giao quyền tự chủ cho giám đốc các nhà hát đào tạo theo kiểu truyền nghề và tuyển dụng là tốt nhất.

* Trong hoạt động biểu diễn hiện nay chúng ta cần thiết phải có luật biểu diễn, giáo sư thấy sao?

* Tôi nghĩ cần thiết có luật biểu diễn, bởi luật tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý và đặc biệt là tạo điều kiện tốt cho nghệ sĩ hoạt động. Hiện nay chỉ có quy chế hay thông tư của Bộ VH-TT-DL nên khi đụng đến các vấn đề liên quan tới các bộ, ngành khác thì rất khó khăn cho nghệ sĩ.

Về vấn đề quản lý, tôi nhận thấy hiện nay đang có những bất cập. Chẳng hạn như vừa rồi bàn về việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, tôi thấy việc này cứng nhắc quá. Chẳng lẽ, một nghệ nhân cao tuổi đã thành danh, giờ muốn hát chầu văn cũng phải chống gậy đi xin cấp thẻ hành nghề?

Rồi việc phúc khảo chương trình, vở diễn, tôi thấy có khi không cần thiết. Duyệt là đúng, nhưng tại sao không giao cho người đứng đầu của đơn vị ấy chịu trách nhiệm như một số ngành nghề khác?

Nghệ thuật biểu diễn là một lĩnh vực rất nhạy cảm, nhưng không thể nào nhạy cảm bằng báo chí và xuất bản. Thế nhưng, tại sao trong lĩnh vực báo chí - xuất bản, chúng ta lại giao toàn quyền quyết định cho tổng biên tập hay giám đốc NXB được, còn biểu diễn nghệ thuật thì lại không?...

* Cảm ơn giáo sư. 

ĐỖ HẠNH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục